Đua ngựa thồ trên cao nguyên trắng

Có lẽ không đâu có hội đua ngựa như ở Bắc Hà (Lào Cai), kỵ sĩ thì mũ nhựa trên đầu, dép lê dưới chân, cưỡi trên lưng trần (không yên cương) một con ngựa đeo nơ, mang theo ước mơ thể hiện bản lĩnh, tài hoa, quyết tâm đem vinh quang về cho làng bản. Đã qua bảy mùa đua, du khách đến Bắc Hà ngày một đông hơn; người Mông, người Dao... nơi đây càng gắn bó, yêu quý những chú ngựa đã bao đời đồng hành cùng họ trong cuộc sống nơi núi cao, sương trắng.

Đua ngựa ở Bắc Hà (Lào Cai).
Đua ngựa ở Bắc Hà (Lào Cai).

Ngựa thồ và những kỵ sĩ chân đất

Hằng năm, cứ vào độ tháng sáu, Bắc Hà lại mở hội đua ngựa cho nhà nông đua tài cưỡi ngựa giỏi, chọn ngựa khéo, chăm ngựa tốt mang danh tiếng và niềm vui về cho bản làng mình. Ngựa đua là những chú ngựa thồ hàng, kéo xe... hằng ngày để vận chuyển hàng hóa và kiếm tiền nuôi sống ông chủ cùng gia đình. Có khi, ngày mai vào cuộc đấu, nhưng hôm nay, những chú ngựa này vẫn còn cố thồ thêm chuyến phân bón hoặc giống cây trồng từ chợ phiên về bản để kịp thời vụ hoặc kéo thêm chuyến xe hàng cho khách thuê, kiếm thêm ít tiền cho ông chủ trang trải cuộc sống. Ngựa ở trường đua Bắc Hà vì thế nhát, sợ tiếng máy nổ, tiếng còi ô-tô, không quen tiếng hò reo chốn đông người nhưng rất bén hơi người cùng bản.

Nhiều chiến mã đang phi rất hăng, sắp về đích thì bất ngờ dừng lại hoặc rẽ ngang (có lẽ đánh hơi thấy mùi dân bản đứng cạnh đường đua vẫy khăn, áo cổ vũ đội nhà) làm cho người xem cười... nghiêng ngả, thích thú vô cùng. Kỵ sĩ thi đấu thì chính là những nông dân, ngày thường chân lấm tay bùn, lên nương xuống ruộng làm việc cật lực.

Bước vào cuộc đua, người mũ vải, kẻ "nồi cơm điện" (mũ bảo hiểm xe máy) trên đầu; người chân giày vải, kẻ dép tổ ong; cưỡi ngựa không yên cương, không bàn đạp. Ngựa thồ, kỵ sĩ chân đất, không yên cương thế nhưng cờ hiệu vừa phất, đã lao vút đi như tên, cắn đuôi nhau, bám sát từng bước chạy, từng vòng đua, rất kịch tính. Phần thắng sẽ thuộc về những chiến mã khỏe, chạy nhanh, bền sức... và đương nhiên phải dạn dĩ, quen tiếng hò reo vang động của hàng nghìn khán giả vây quanh. Thêm nữa, kỵ sĩ cưỡi ngựa phải đủ dũng cảm và thừa khéo léo quặp chặt bụng ngựa, để không bị rơi xuống đất.

Chọn ngựa đua khó hơn kén rể hiền

"Vua" ngựa Triệu Văn Minh, 52 tuổi, ở thôn Na Khèo, xã Tà Chải (Bắc Hà) - người có thâm niên hơn 20 năm buôn bán ngựa nói vui: Chọn ngựa đua tốt còn khó hơn kén rể hiền. Giống ngựa vùng cao có vóc dáng thấp nhỏ, chỉ cao chừng 1,5 m, để bờm trán rất dài, bờm dọc cổ ngựa thì xén ngắn, chót lưng lại để dài, để mấy sợi lông lòa xòa trước trán, đỉnh đầu húi cua, sau gáy lại để dài "như bờm ngựa". Con ngựa đẹp, bờm phải dày rậm, chân bờm phẳng đều tăm tắp, mọc đều thẳng đứng trên cổ ngựa như một cái bàn chải mới. Bàn chân ngựa thẳng, cao. Ngựa có đặc điểm là cẳng chân rất nhỏ, nhưng cứng, leo dốc đá thì tuyệt hảo. Ngựa tướng đẹp là ức phải rộng, lông mượt, đùi to, thuần tướng, không cắn, không đá.

Con ngựa thân dài, mảnh thì trông đẹp, chạy nhanh. Ngựa muốn khỏe và chạy nhanh phải có dáng hình cao ráo, gân to, thịt săn, chân thẳng và thon chắc, răng trắng đều, bờm dày, lông đều, sờ vào mượt như sờ vào tơ lụa, đặc biệt là chân dài, nở, thẳng, móng đen. Mua ngựa tốt nhất nên cưỡi thử chạy mấy vòng quanh bãi bán. Nếu ngựa chạy về mà thở đều, không khục khặc hoặc thở dốc là ngựa có sức khỏe tốt, còn muốn biết tuổi ngựa thì xem răng. Và một điều không nên quên khi mua ngựa là phải xem kỹ tính nết, bởi ngựa cũng có con dữ, con hiền, có con biết nghe lời và có con bướng bỉnh hay cắn người.

Bí quyết cưỡi ngựa không yên

Do cưỡi ngựa không có yên cương nên khi vào cuộc đua quyết liệt, ngựa phi tốc độ cao, lại phải "vào cua" ở các khúc ngoặt quanh sân vận động nên rất nhiều kỵ sĩ đã phải giã từ đường đua do bị rơi khỏi lưng chiến mã.

Vàng Văn Thức, 29 tuổi, là một tay đua "lão luyện", đã nhiều lần giành chức vô địch Giải đua ngựa thồ trên cao nguyên trắng Bắc Hà bật mí: "Muốn giữ được thăng bằng cần phải biết cách ngồi vào đúng điểm lõm gần vai ngựa, hai chân phải kẹp chặt vào bụng ngựa và nhấp nhổm lên xuống theo nhịp phi của ngựa, nếu chẳng may có mất thăng bằng mà ngã thì cũng phải có "võ ngã" mới mong không bị đau". Để có được kinh nghiệm đấy các kỵ sĩ đã phải "đo đất" nhiều lần. Như Vàng Văn Thức, cưỡi ngựa từ năm 7 tuổi, đã từng "vẹo sườn, chai mông" vì cưỡi ngựa. Vàng Văn Thức tâm sự: "Làm sao khi cưỡi, người và ngựa phải là một thể thống nhất, có vậy mới bứt phá nhanh, tốc độ cao, về đích sớm". Để giật chức vô địch, Thức chăm sóc chiến mã của mình với chế độ đặc biệt: Hằng ngày cho ăn cỏ sạch và điều độ để ngựa không được béo quá, trước cuộc đua chừng một tháng thì cho ăn thêm hạt đậu tương ngâm ủ và cả trứng gà. Muốn ngựa khỏe phải chú ý vệ sinh chuồng trại ngày hai lần buổi sáng sớm khi ngựa vừa tỉnh giấc và buổi tối khi ngựa vào chuồng ngủ. Mùa đông lạnh không được tắm cho ngựa, mùa hè nóng, phải tắm thường xuyên.

Muốn ngựa bền sức thì phải luyện chạy thường xuyên trên các con đường đất, tránh chạy ở đường đá dễ hỏng móng của ngựa.

Xuân về, cao nguyên Bắc Hà lại bừng sắc trắng tinh khôi hoa mận Tam Hoa. Các kỵ sĩ chân đất nơi đây lại âm thầm nuôi chiến mã để khoe sức đua tài, quyết giật giải vô địch đua ngựa trong năm Giáp Ngọ này.