GS, TSKH Tô Ngọc Thanh:

Trong gian nan thấy việc bình thường

Năm 2020 này, GS,TSKH Tô Ngọc Thanh đã cập kề tuổi 90. Đấy là theo giấy tờ khai sinh. Còn ông bảo: Các cụ ở làng nhớ tôi được sinh ra vào năm lụt to, tức là trước đó vài ba năm, 1930 thì phải, như vậy là năm nay chẵn chín chục rồi đấy. Mà thật ra nước mình thì năm nào chẳng lụt, vài ba năm lại có một trận. Lâu rồi, trí nhớ cũng mờ sương, chuyện còn chuyện mất.

GS Tô Ngọc Thanh (phải) trò chuyện cùng tác giả. Ảnh | Đăng Phi
GS Tô Ngọc Thanh (phải) trò chuyện cùng tác giả. Ảnh | Đăng Phi

Năm 2020, ông cũng vừa nghỉ hưu, thôi chức Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian. Nhiều chuyện còn nóng hổi. Ở vị Giáo sư già, người mà rất nhiều hội viên văn hóa dân gian gọi bằng “bố”, có hồn nhiên và ngang tàng của người miền núi, có thâm sâu của cổ thụ giữa đại ngàn, có lịch lãm thanh cao của một người Hà Nội...
 
 “Tôi tôn thờ văn hóa dân gian”
 
 Thưa GS, con đường nào dẫn ông đến với văn hóa dân gian?

Trong gian nan thấy việc bình thường -0
 Rước dâu. Ảnh | Nguyễn Thanh Miền

  Thật ra chẳng có con đường nào. Hồi nhỏ, bố tôi không cho tôi học ở Trường Chu Văn An, chỉ vì cái trường ấy có người Pháp dạy. Họ bước vào lớp bằng câu chào học sinh: Lũ Annam chúng mày... bố tôi không chịu được điều đó. Lớn lên, tôi thích lang thang đây đó. Đi về các vùng quê, và thấy, từ mà người Pháp gọi là “lũ Anam” ấy, có nhiều cái đáng tôn thờ. Thí dụ, người dân tộc Thái, dạy con bằng câu hát đồng dao, nhắc nhở giữ vệ sinh, gặp người lớn thì chào... Họ không đánh con bao giờ. Mà trẻ con rất ngoan. Qua một việc nhỏ như đồ xôi cũng có thể thấy tri thức của họ, họ không đậy ủ hơi nước mà xới ra từng lớp quạt cho se, hạt xôi giữ đủ độ dẻo, để qua hôm sau vẫn mềm... Rồi họ thả cá nhỏ trong ruộng lúa, con cá sục sạo vừa dọn những vi sinh có hại, vừa sục bùn làm tơi đất cho lúa tốt. Đến mùa gặt, họ đào một cái hố nhỏ cuối ruộng, tháo nước và gặt lúa đến đâu dồn cá đến đấy. Gặt xong lúa thì chỉ việc bắt cá dưới hố. Còn người Ba Na, họ thờ thần Rừng, thờ thần Làng. Chặt một ngọn cây, phát một khoảnh rừng làm rẫy, họ cũng phải cúng xin các vị thần... Nói vòng vo vậy là để trả lời câu hỏi: Vì sao tôi đến với văn hóa dân gian.
 
 Một chàng trai Hà Nội, con nhà “dòng dõi nghệ thuật”, được học hành bài bản, nhiều năm gắn mình với đời sống của đồng bào miền núi, ông có thích nghi ngay khi mới bắt đầu không?
 
 Đó là những năm tháng hạnh phúc của tôi. Tôi ở với đồng bào Thái ở Tây Bắc 20 năm, rồi vào vùng Tây Nguyên. Một thời gian đi học nước ngoài, về lại tiếp tục công việc gắn bó với đồng bào. Bây giờ 90 tuổi rồi, có nhiều chuyện cũng không nói hết được, nhưng lối sống, tri thức sống của đồng bào đã thấm vào máu. Tôi tôn thờ văn hóa dân gian. Được sống cùng đồng bào, tôi nhận ra những đúc kết về tri thức, khoa học, nghệ thuật, nhân văn... vô cùng quý giá. Thật ra, không có dân tộc nào cao quý hơn dân tộc nào. Kể cả một dân tộc ít người nhất, và dù họ sống trong rừng sâu, thì trong phong tục, tập quán, tri thức của họ đều có những độc đáo và giá trị. Đi về với đồng bào, thì việc đầu tiên là phải hiểu họ. Tôi đã học nói các thứ tiếng dân tộc thiểu số để có thể nói chuyện với bà con.
 
 Ông nói được tiếng những dân tộc nào?
 
 Tôi giỏi nhất tiếng Thái, rồi Khơ Mú, Ba Na, H’Mông, Tày, Nùng - sáu, bảy thứ tiếng gì đó mỗi thứ một ít. Còn ngoại ngữ thì tôi thông thạo tiếng Pháp, tiếng Bungari, tự học tiếng Anh. Tôi có thể viết sách bằng tiếng Anh.

Trong gian nan thấy việc bình thường -0
Vật cầu bùn làng Vân. Ảnh | TRẦN VIỆT PHƯƠNG 

 Tôi đã từng nghe ông kể được bà mế già người Thái nhận làm con nuôi?
 
 Không phải bà mế mà là ông mế. Đây là một trong những chuyện tôi không thể quên. Năm 1961, trong một lần tôi đi vào một huyện vùng núi, một mình đường xa heo hút, tôi bị sốt rét rừng, ngồi nghỉ dưới một gốc cây rồi ngất xỉu khi nào không hay. Tỉnh dậy thấy đang nằm trong một ngôi nhà sàn, có ông già người Thái ngồi bên. Ông hỏi tôi: “Mày người Kinh à?” Tôi trả lời bằng tiếng Thái: “Vâng, tôi là người Kinh”, khiến ông ấy rất ngạc nhiên. Ông bảo, “mày bị sốt rừng”. Rồi ông đào con giun đất, luộc lên lấy nước nấu cháo cho tôi ăn. Thế mà dứt hẳn bệnh sốt rét cho đến bây giờ. Ông có một cô con gái rất đẹp. Tôi ở được một thời gian thì ông ngỏ ý muốn gả cô con gái cho tôi, đồng thời bảo chia cho mấy con trâu, mấy tạ thóc... Như vậy là nhà ông cũng thuộc dạng khá giả trong vùng rồi đấy. Nhưng tôi đang “làm trai chí lớn” không định dừng ở đó để làm một ông chủ giàu có, nên chia tay gia đình ông để ra đi.
 
 Âm nhạc dẫn dắt đi về phía cội nguồn... 
 
 Có lẽ cũng đã nhiều người hỏi ông, tại sao người con trai cả của danh họa Tô Ngọc Vân lại không theo nghề của bố? Không yên vị làm hội họa ở chốn thị thành mà đi về vùng núi, vùng sâu vùng xa để sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian?
 
 Đúng là nhiều người đã hỏi tôi câu hỏi này. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình truyền thống khác, thường thì con cả phải nối nghiệp bố. Bố tôi cất công dạy tôi học vẽ từ nhỏ. Tôi cũng là đứa con chăm chỉ học hành. Tuy nhiên học mãi mà chẳng vẽ được gì. Hồi ấy nhà tôi ở gần nhà cụ Nguyễn Xuân Khoát. Bên nhà cụ hay tổ chức đàn hát, tôi lẻn sang nghe. Và một buổi học chờ mãi không thấy tôi, bố tôi đi tìm thì thấy tôi đang nghển cổ dỏng tai bên nhà cụ Khoát. Vậy là bố không bắt tôi học vẽ nữa. Ông nói một câu mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ: “Làm nghệ thuật, nếu không thật sự có tài thì thôi, đứng vào đó làm gì cho chật chỗ”. Sau này ngẫm lại, thấy không riêng gì nghệ thuật, mà chỗ nào cũng vậy, nếu mình không thật sự có năng lực thì không nên đứng vào, chật chỗ người khác...
 
 Vậy là âm nhạc đã dẫn dắt ông đi về phía cội nguồn dân tộc?
 
 Tôi học âm nhạc, rồi đến với văn hóa dân gian cũng từ con đường âm nhạc. Và đây cũng là một câu chuyện dài, quay trở lại câu hỏi lúc đầu là vì sao tôi đến với văn hóa dân gian. Trong lý thuyết âm nhạc mà chúng tôi được học từ những ngày đầu, cũng như những gì được tiếp cận sau đó, tôi nhận ra mình quá đề cao âm nhạc phương Tây. Ừ thì rất tốt nếu chúng ta dạy trẻ em Việt Nam biết ông Beethoven, ông Mozart, biết cây đàn violin, guitar, piano, rồi biết dàn nhạc giao hưởng. Nhưng thật vô cùng không tốt, nếu chúng ta không biết rằng, âm nhạc dân tộc Việt Nam có một kho tàng vô cùng phong phú và giá trị. Bây giờ tôi không đủ thời gian để kể về hàng trăm loại nhạc cụ của đồng bào từ miền xuôi đến miền ngược, từ cái Đỉnh Đơng của đồng bào Tây Bắc mà nhiều dân tộc có từ Thái, Khơ Mú, Mường, Si La, Cống... cho đến Đinh tút của đồng bào Tây Nguyên: Ba Na, Gia Rai, Ê Đê, Giẻ Triêng. Nhiều lắm, đến giờ cũng chưa khảo sát hết được. Tôi có viết sách giới thiệu một số thôi, trong đó có từ chiếc đàn môi, nhạc cụ gõ, đàn dây... từ tính tẩu, goong, ta lư, k’lông pút, bẳng bu, trơ bon, tơ đjếp... Các dân tộc cũng có những bài nhạc hoàn chỉnh, có lý thuyết âm nhạc, càng học hỏi, tìm hiểu, càng thấy hay. Nó là thứ âm nhạc đời sống. Thí dụ riêng Hát ru dân tộc nào cũng có, làn điệu phong phú và ý nghĩa ca từ rất hay. Rồi hát giao duyên, hát đi nương đi rẫy, đi cấy đi cày, hò đánh cá giã gạo, rồi đến khi chết đi cũng có âm nhạc tang lễ...
 
 Không chỉ riêng âm nhạc, di sản văn hóa dân tộc mình có nhiều thứ rất đáng để học, để lưu giữ và tôn vinh. Nhưng có một thực tế là bây giờ đã mất mát đi nhiều. Sáu khóa liền giữ vị trí Tổng Thư ký, rồi là Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, được biết, ông cũng đã kịp lưu giữ được nhiều di sản quý?
 
 Đó là khoảng thời gian quý giá, ý nghĩa nhất của tôi. Một thời gian dài, chúng ta chưa biết đến kho báu văn hóa dân gian, đã để mất mát, mai một đi rất nhiều. Sau này các vị học giả, các bậc tiền bối, rồi đến những người anh em đồng nghiệp của tôi đã mày mò tìm kiếm, phát hiện, nhận ra những giá trị vô giá nhưng cũng không đủ sức giữ gìn. Di sản ấy mỗi ngày vơi đi một ít, bây giờ nhiều vùng dân tộc hầu như dân ca, dân vũ, kể cả lời nói, chữ viết đều bị lãng quên... Nhiều nơi trước đây tôi đã ở đó, giờ quay lại thấy mất hết, tiếc lắm, xót lắm, nhưng biết làm sao. Thôi thì dù sao chúng tôi cũng đã sưu tầm, giữ lại được một ít trên văn bản...
 
 Hành trình gian nan
 
 Ông từng đi xin Nhà nước in hàng nghìn công trình nghiên cứu, sưu tầm, khảo sát điền dã của các hội viên?
 
 Chuyện dài lắm, bây giờ ngồi nhớ lại thì đúng là cả quá trình gian nan. Lẽ ra thì đó là những việc bình thường, vậy mà gian nan lắm. Ừ thì thôi, trong gian nan thấy việc bình thường. Mình phải quyết tâm làm được phần nào những việc mình mong muốn. Khi bắt đầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, trước gọi là Tổng Thư ký, tôi đặt ra nhiệm vụ cho từng giai đoạn. Đầu tiên là mở rộng kết nạp hội viên, đặc biệt ưu tiên người dân tộc thiểu số. Vì không ai hiểu bà con hơn chính họ, không ai đủ thời gian và tâm huyết để đi vào các vùng đồng bào lâu hơn chính người dân ở đấy. Sau 5 năm, chúng tôi có 1.000 hội viên. Giai đoạn hai, bắt đầu mở lớp tập huấn. Từ nhận diện giá trị văn hóa dân gian, phân biệt các loại hình, các yếu tố bản sắc vùng miền cho đến kỹ năng điền dã, ghi chép, sưu tầm, nghiên cứu. Rồi sau đó tôi giao nhiệm vụ cho mỗi hội viên tìm ở địa phương mình, tập hợp lại xem cái gì còn cái gì mất...
 
 Tôi nhớ hồi đó ông đưa ra chương trình hành động Tầm nhìn 2010 nhận được nhiều hưởng ứng?
 
 Đó là một chương trình lớn, tổng thể, và cũng được tổ chức bài bản, nhằm để “tổng kiểm kê” - nhưng không chỉ là con số, mà là khảo sát sâu rộng vốn liếng cha ông để lại còn gì. Khi tổng kết chương trình, tôi có 5.000 bản thảo, xếp đầy mấy cái phòng ở Hội. Nhưng, đấy mới là một nửa câu chuyện, nửa sau này mới là vô vàn khó khăn khổ ải: Tiền đâu để in? Gõ cửa nhiều nơi, rồi vào một ngày đẹp trời tôi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi lên, hỏi về cái kho tư liệu mà tôi có. Thật may, sau khi tôi trình bày, Chủ tịch nước đã rất ủng hộ, cho chủ trương in. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trương ấy, làm việc với các bộ hữu quan lại vấp quá nhiều thủ tục, quy định, có lúc tưởng đi vào bế tắc. Tôi đã làm đủ mọi việc có thể để cứu kho bản thảo quý giá kia không vào tay... lũ gián. Rồi cuối cùng, bản thảo đầu tiên được in vào năm 2008. Đến năm 2017 thì in được 2.500 bản thảo, thành 1.730 đầu sách. Sách in xong được phân về hệ thống các thư viện, trường học, viện nghiên cứu, các sở văn hóa... Nhưng đến đó thì hết tiền. Giờ còn 2.500 bản thảo nữa đang nằm chờ, mà tôi nghỉ rồi, tuổi cũng cao sức yếu, gần 90 rồi làm gì được nữa...
 
 Nhiều người am hiểu, tâm huyết đều dần dần đến tuổi già và có những người cũng đã lần lượt đi về thế giới bên kia, như ông Thái Kim Đỉnh, ông Ninh Viết Giao...
 
 Ừ, các ông ấy đều đã ra đi cả rồi. Tôi cũng kịp in được mấy quyển của ông Đỉnh, ông Giao, nhưng bản thảo của hai ông ấy còn nhiều lắm. Tôi từng ngồi nhà một số hội viên đã quá cố, sắp xếp, chọn trong đống bản thảo bụi mù xếp từng cuộn ra, in được cho mỗi cụ một số cuốn. Trong số 1.730 đầu sách, có nhiều công trình của ông Bùi Thiện - một thầy giáo cấp 3 ở Hòa Bình. Chính là tôi đã đưa mấy bản thảo của ông ấy lên làm “thí dụ” để trình bày với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông Bùi Thiện, ông ấy làm về văn hóa Mường, kỳ công bỏ tâm sức nhiều lắm. Ông ấy cũng mất rồi...
 
 Ông có lẽ là người nghỉ hưu muộn nhất Việt Nam. Nhìn lại chặng đường dài đã đi, điều gì làm ông thấy hạnh phúc và điều gì khiến ông tiếc nuối?
 
 Hạnh phúc là trong mọi vất vả gian nan mà vẫn thấy được đó là việc bình thường. Rồi cứ thế mà làm thôi. Cho đến giờ tôi vẫn giữ nhiều thói quen sinh hoạt của người dân tộc thiểu số, vì thế giữ sức khỏe được như bây giờ. À mà cũng chính những năm tháng ở miền núi cho tôi gặp được bà Chinh - người vợ của tôi. Cả hai chúng tôi cùng lên chiến khu, hồi đó tôi cũng vào tuổi “băm” rồi, thân hình thì xấu xí, chả ai quan tâm. Thế mà bà ấy mến tôi, sống với nhau hơn năm chục năm rồi... Vì công việc tôi đi suốt mà bà ấy chẳng kêu ca phàn nàn gì. Việc của tôi thì nhiều mà cũng không mang lại tiền bạc, may mà bà ấy hiểu.
 
 Tôi chỉ có một điều trăn trở ở chỗ 2.500 bản thảo của hội viên chưa in được kia. Công sức, tâm huyết các anh chị em bỏ ra không ít. Còn tôi, giờ tôi cũng đang viết cuốn sách về lý thuyết âm nhạc dân tộc, nếu được sang năm tôi bỏ tiền in.
 
 Xin trân trọng cảm ơn ông và chúc ông sớm ra mắt cuốn sách!