Người viết trẻ trên hành trình định hình diện mạo

Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội vừa diễn ra trung tuần tháng 11-2019 vừa rồi là một sự kiện để chúng ta nhìn lại, không chỉ những vấn đề của văn trẻ Thủ đô mà rộng hơn là văn trẻ Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Những câu hỏi đã được đặt ra đó là: Người viết trẻ là ai? (đội ngũ); khuynh hướng, nhu cầu, thành tựu, những khó khăn thách thức và thuận lợi dành cho người viết trẻ hiện nay như thế nào? (thực trạng); chúng ta chờ đợi điều gì ở văn trẻ? (hy vọng); hướng đi nào cho văn trẻ - làm gì để văn trẻ tạo nên đột phá trong đời sống văn học đương đại? (hành động).

Một lực lượng đáng để hy vọng

Thế hệ trẻ hôm nay, viết như là một bản năng sinh tồn. Viết để hiện diện, để đối thoại với lịch sử, quá khứ, bản thể và tha nhân. Họ cần phải viết như là một cách thức để bày tỏ cái tôi bản thể. Chính trong khi viết, từ viết mà họ sống. Đó là Nguyễn Thế Hoàng Linh với những bài thơ lục bát mang hơi thở của giới trẻ đô thị - một thứ lục bát thị dân. Lữ Thị Mai mượt mà những giấc mơ, khắc khoải những nỗi niềm kín đáo (Giấc, Mở mắt rồi mơ, Thời cách ngăn trống rỗng). Du Nguyên buồn, bông lơn đi qua thế hệ nhợt nhạt (Khúc lêu hêu mùa hè). Mạc Mạc gai gợn những suy cảm phụ nữ (Bung nụ thu gầy). Lương Đình Khoa và những hoang mang, mơ mộng tuổi trẻ (Ai rồi cũng phải học cách quên đi một người). Nguyễn Thị Kim Nhung xa xăm và hoài niệm (Thức cùng tưởng tượng)… Cùng với đó, những cái tên như Nguyễn Thị Thùy Linh, Ngô Gia Thiên An, Nguyễn Nhật Nam,… cũng đang chứng tỏ sự hiện diện của mình trong đời sống thi ca. Trong văn xuôi, cũng có thể nhận thấy một Nguyễn Thị Kim Hòa giàu trắc ẩn, tha thiết (Hương thôn dã, Thôi mùa cỏ cháy, Đỉnh khói - truyện ngắn, Con chim phụng cuối cùng - tập truyện ngắn). Hạnh Nguyên tạo dấu ấn riêng với những truyện ngắn “lơ lửng” một cách ám ảnh về thế hệ mình (Những thiếu thời lơ lửng - tập truyện ngắn). Nhật Phi cô đơn, âu lo về con người và thời gian của đời (Người ngủ thuê - truyện dài, Nhật ký một người cô đơn - tập truyện ngắn)… Cuộc thi “Văn học tuổi 20” lần 6 mới đây thúc đẩy sự xuất hiện của những cây bút mới và trẻ trung như Phạm Thúy Quỳnh (Trăng trong cõi), Đặng Hằng (Nhân gian nằm nghiêng), Phạm Thu Hà (Sau những ngày mưa)… Các tên tuổi khác như Gào, Kawi Hồng Phương, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương, Iris Cao… lại tìm thấy đời sống văn chương của mình trên mạng (văn học mạng đang ngày càng chứng tỏ vị thế, vai trò và tư cách của nó trong đời sống văn học Việt Nam). Ở mảng phê bình, công chúng cũng đã có dịp biết đến những tác giả trẻ xuất hiện gần đây như Đặng Thái Hà, Nguyễn Đình Minh Khuê, Nguyễn Thanh Nguyệt, Kiều Chinh, Phạm Minh Quân… Họ là những người trẻ tuổi, đang công tác tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan báo - tạp chí văn nghệ… Như thế, về mặt đội ngũ, chúng ta có thể hình dung được một lực lượng khá đông đảo những người viết trẻ. Không quá bi quan để nhìn nhận, đây thật sự là một lực lượng đáng để hy vọng. Sự hy vọng còn đến từ thực tiễn sống và viết của các tác giả trẻ. Môi trường toàn cầu hóa, internet, công nghệ, truyền thông, in ấn xuất bản khá phát triển… đem đến những cơ hội cho việc khai sinh các tác phẩm. Đời sống với muôn vàn câu chuyện, chủ đề, cảm hứng cũng đang mời gọi những khám phá, thâm nhập của người viết trẻ, mà trước hết là đời sống của chính thế hệ trẻ hôm nay. Bản thân những tác giả trẻ hiện nay, họ được học hành, đào tạo bài bản, có ngoại ngữ, tin học, đang dần trở thành công dân toàn cầu… cũng là một thế mạnh thuộc về bản sắc thế hệ so với cha anh.

Đối mặt thách thức

Tuy nhiên, người viết trẻ hiện nay cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Cuộc sống bận rộn, nhu cầu mưu sinh, những vẫy gọi thiết yếu từ thực tế, sự thờ ơ của người đọc đối với văn học trong nước, những đan xen pha trộn đôi khi khó phân định của các giá trị thật - giả, sự lấn át của truyền thông, sự lên ngôi của các giá trị đại chúng có phần dễ dãi… đã tác động không nhỏ đến tâm thế và khả năng sáng tạo của những người viết trẻ. Nhật Phi - tác giả trẻ đạt giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5 (2014) bộc bạch: “Chúng tôi gần như chỉ lủi thủi chơi trong khoảnh sân con con của mình. Trong khi vẫn đi dạy, vẫn làm báo, làm xuất bản… hay những việc lặt vặt khác để mưu sinh, chỉ chờ một vài kỳ, cuộc để cảm thấy mình được chia sẻ và có giá trị”. Anh cũng bày tỏ cảm giác đôi khi thấy “trống rỗng” vì nhịp sống hiện đại với nhiều chi phối đã chiếm hết nhiều cảm xúc, suy tư của người viết. Đặng Thiên Sơn thì thẳng thắn nêu lên: “Bệ phóng và nhu cầu sử dụng tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện nay vẫn còn hạn chế, điều ấy khiến cho các cây bút trẻ nản chí, rẽ sang một hướng khác, chỉ xem văn chương như một cuộc dạo chơi” (Ý kiến tại Hội nghị Viết văn trẻ Hà Nội lần thứ 3, tháng 11-2019).

Những hy vọng bao giờ cũng được đặt trên cơ sở của những thuận lợi, như đã nói. Song, có lẽ chính trong khó khăn, thử thách, những tác phẩm lớn lại lặng lẽ trổ mầm. Thế hệ trẻ hôm nay có đầy đủ điều kiện để tạo nên cú bứt phá của riêng mình. Người trẻ, viết về chính thế hệ của mình, một cách đủ đầy đã là một câu chuyện rất đáng chờ đợi. Bên cạnh đó, những giá trị của lịch sử, truyền thống, những câu chuyện của dân tộc, thời đại, văn hóa và bản sắc, quốc gia và toàn cầu… cũng là điều mà một nhà văn, dù trẻ, nhưng có tầm nhìn luôn cần phải hướng tới. Sự gia tăng tính tư tưởng, chiều sâu của thụ cảm triết học, mỹ học trong sáng tác văn chương cũng là điều chúng ta mong đợi từ những cây bút trẻ.

Văn chương của các tác giả trẻ trong bối cảnh đương đại vẫn là câu chuyện chưa thể gói ghém hay kết luận. Tính chất chưa hoàn thành của nó vừa hàm chứa đặc tính đương đại, vừa tạo ra dự phóng cho những tin tưởng ở tương lai. Tin vào giới trẻ là niềm tin có căn cứ nhất, tuy nhiên, để thúc đẩy sự ra đời của những tài năng, các cơ chế quản lý, xuất bản, hỗ trợ, khích lệ là điều cần thiết. Dẫu sao, không ai có thể thay giới trẻ định hình nên diện mạo của mình.