Đi, đến và ghi lại

Không lâu sau khi công bố ba cuốn sách khá nặng ký: Lẽ sống I, Lẽ sống II và Nghề khắt khe - nghiệt ngã, nhà báo, nhà văn Nguyễn Uyển bất ngờ trình làng cuốn sách mới Bác Hồ của nhân dân (*).

Đi, đến và ghi lại

Ðây là tác phẩm thứ 28 trong bộ sách đồ sộ của ông, gồm đủ thể loại: Bút ký, tiểu thuyết, truyện ngắn, ký chân dung, tiểu luận. Sức làm việc của một nhà văn đã ở tuổi 80 thật đáng nể. Nhưng đáng nể hơn lại ở sức nặng của mỗi cuốn sách. Ðương nhiên, không chỉ nói tới độ dày. Ðiều quan trọng hơn cả là sức nặng của nội dung tư tưởng, phong cách nghệ thuật. Văn chương thế giới đã có những thay đổi lớn trong thời công nghệ số. Từ truyện ngắn mini cỡ 100 đến vài trăm chữ, cho đến những cuốn tiểu thuyết vài trăm trang mà chẳng cần đến dấu chấm dấu phẩy. Viết phá cách đến như thế mà ở Mỹ người ta vẫn trao giải thưởng văn học cho cuốn sách không chấm phẩy như thế. Ðơn giản vì đó là cuốn sách ma, nhân vật bộ xương người kể với người đang sống câu chuyện của mình thì cần gì đến ngắt câu, ngắt chữ.

Nói thế để thấy rằng, nhà báo luôn có mặt sớm nhất ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhà văn luôn tìm đến nơi "có vấn đề" để tận mắt thấy, tận tai nghe để rồi có cách nghĩ suy mới mẻ, khác với mọi người và khác với chính mình của ngày hôm qua. Vẫn giữ độ bền của sức đi, sức viết, độ nhạy của một cây bút giàu vốn sống, từng trải, tinh tế, cái tên Nguyễn Uyển luôn có mặt ở những sự kiện nóng sốt. Ai đó đã nói hình ảnh rằng, nhà văn khi cần ngấm nước thì cứ gội mưa, nhưng khi cần cháy lên ngọn lửa thì phải cháy. Có điều sự cháy ấy không phải là lửa rơm, mà là lửa của những cục than kíp-lê, hơn thế, lửa của trái núi lửa. Tôi có hỏi Nguyễn Uyển về độ lửa trong ông. Nhà văn cười hiền: "Cái đó là tạng mỗi người. Cứ để bạn đọc đánh giá ông ạ. Tôi luôn gắng gỏi để cái gì mình viết ra đừng bao giờ là lửa rơm, ít nhất cũng phải là lửa trấu, kể cả khi viết một bài báo".

Xác định như thế nên bao năm nay Nguyễn Uyển không nề hà khi phải viết tức thì những bài báo thời sự theo đặt hàng của các tòa soạn. Trong cuốn sách này có một số bài phải viết theo cách đó. Thời gian thúc bách. Số chữ đóng đinh. Ðề tài đóng khung. Thế cho nên để vừa đáp ứng yêu cầu thời sự vừa lắng đọng những điều thế sự, rồi ra có thể đọc lại, là một thử thách đối với mỗi cây bút. Phần mở đầu khá dày dặn trong cuốn sách này là những trang viết về Bác Hồ - Bác Hồ của nhân dân. Ðọc các tác phẩm chuyên luận hay phóng sự về đề tài này thấy Nguyễn Uyển đã khéo kết hợp ngôn ngữ của lối văn giàu hình tượng với những lập luận sắc sảo nhưng gần với lời ăn tiếng nói của người dân. Có những đề tài về phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh, những câu chuyện Bác nói về đoàn kết, về sử dụng nhân tài, về quan hệ với nhân dân, về nghề làm báo… tưởng rất quen thuộc, đã có nhiều người viết, nhưng đọc Nguyễn Uyển thấy lấp lánh những ý tưởng mới. Mới, bởi vì tác giả có cách dẫn chuyện tự nhiên, lôi cuốn. Từ câu chuyện, lời nói, việc làm của Bác Hồ mà nghĩ sâu hơn, xưa hơn, xa hơn về cuộc đời, về những điều các danh nhân, danh tướng, các nhà văn trong nước và thế giới từng nói. Rất tự nhiên, bởi Bác là lãnh tụ vĩ đại, nhà văn hóa lớn, ở Người hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại, là tầm nhìn xa ẩn chứa trong đó những dự báo của tương lai. Ở tầm cao như thế nhưng Bác lại "ít nói chữ to". Nguyễn Uyển viết trong bài: "Cán bộ phải hết lòng vì nhân dân": Cán bộ, đảng viên ta trong công việc phải thật sự khoa học, thiết thực, cụ thể (…) Phải tránh nói nhiều làm ít; thích đăng đàn, "khai mạc", "diễn văn"; quan liêu, xa rời nhân dân. Trong bài: "Làm theo lời Bác dạy", ông thấm thía: Học Người, các nhà báo đã sâu sát thực tế hơn, phản ánh thực tại như cuộc sống vốn có. Bớt đi những tin bài nhạt nhòa, nông cạn, những bài viết theo báo cáo, diễn lại chủ trương. Bớt đi những thông tin chiêu trò "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ".

Phần hai và ba của cuốn sách là những bút ký về những vùng đất và những con người. Sợi chỉ đỏ nối liền cả ba phần có lẽ là ở chỗ, những đất và người ấy gắn liền với những sự kiện lịch sử, những kỷ niệm, cùng những việc làm theo tấm gương Hồ Chí Minh. Tác giả đưa ta đến với những miền đất lạ, đất lành, đất tụ bồi sinh khí ngàn năm cùng những miền đất mới. Vẻ đẹp của đất cổ và đất mới vỡ hoang rờ rỡ dưới tay người cày cuốc nhờ ở sự quan sát, tìm tòi, chiêm nghiệm và sự mê đắm của người viết. Ta gặp ở đây những Ðền Hùng ngày hội mở, A Pa Chải cực Tây bắc Tổ quốc, Ðiềm Mặc trong vành nôi ấm ATK, Tây Trường Sơn bên dòng Mê Công thơ mộng, Ðiện Biên Phủ chấn động địa cầu… Trong mỗi bài bút ký, đều có những phác họa ấn tượng và ám ảnh. Chẳng hạn lên cột mốc số 0 ở A Pa Chải, nơi con gà gáy ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc cùng nghe, tác giả phác họa, đây là mỏm cao "gió Lào, lũ đổ, núi lở, đường trơn"; "Dãy Thập Tầng Ðại Sơn như chiếc vòng cung khổng lồ ôm ấp sông mây, miết mải hút lấy những tia nắng rớt lại từ các chân đèo". "Ở nơi thâm sơn cùng cốc này có Trung úy bộ đội biên phòng Ngô Văn Nghi mỗi năm đi tuần tới sáu tháng đường biên, gom lại tới 800 cây số". Ðây là những hạt vàng trong một bài ký. Người viết bài này cũng từng lên A Pa Chải đôi lần, nhưng chưa khi nào nhìn thấy chiếc vòng cung ôm ấp sông mây như thế. Mới hay, cùng nhìn xuống suối sâu có anh thấy những con cá trầm xanh nhóng nhánh đang bơi, anh khác lại thấy sắc cầu vồng đáy suối. Người này thấy dòng thác đổ trắng bào mòn những phiến đá xanh. Người khác "nhìn" thấy những mạch ngầm trong lòng núi. Thấy hiện tượng đã là tinh, nhưng tinh hơn một mức là đo được nông sâu của suối, đấy mới là con mắt tinh đời, trái tim đa cảm của người viết.

Cũng với con mắt tinh đời, Nguyễn Uyển "nhìn" nhân vật từ phía nào cũng ấm tình người, tình chữ nghĩa. Khá nhiều bút ký trong tập viết về các đồng nghiệp, từ những nhà văn, nhà báo lớn, đến những nhà báo trẻ hơn nhưng đã tạo được dấu ấn riêng. Ðó là Hoàng Tùng, Hà Ðăng, Quang Ðạm, Hữu Thọ, Phan Quang, Trần Công Mân… Ðó là Trần Hồng, Trần Sĩ Tuấn, Tạ Bích Loan, Lầu A Vàng… Mỗi người mỗi vẻ, nhưng ở họ có cái chung nhất là sự yêu nghề, dấn thân với từng bài viết, từng con chữ; là "sự biết" trên hành trình đi tìm sự thật. Biết được cái giá của thành công, biết được nguyên nhân của thất bại, biết được lý do của hy vọng. Và biết rằng cái nghề báo đầy khắt khe, nghiệt ngã này không bao giờ cho phép người cầm bút dừng lại, không thể nào viết ra một bài báo mà vừa lòng tất cả mọi người. Biết thế nhưng khát khao cháy bỏng của nghề là đi và viết. Ðúng như nhà báo Hà Ðăng chiêm nghiệm: Tố chất của nghề này có thể gói trong mấy từ: "Tinh tường, mẫn cảm", "sáng tạo, khắt khe". Người giỏi nghề thì biết phát huy hết công lực của mình. Nhưng công lực nào cũng không thay thế được sự đi và sự biết. Ngày nào còn đi được thì cứ đi. Ðương nhiên đã đi phải có lãi - nếu viết được cái gì có ích.

Ở mảng ký chân dung, Nguyễn Uyển còn dành viết về những "nhân vật" làm việc ở những lĩnh vực khá nhạy cảm như kiểm tra, kiểm sát, bác sĩ "ết"… Khổ quá, có những việc làm được mà không được nói, làm nhiều mà nói ít thôi. Nói ra không phải sợ lộ bí quyết của nghề, mà có khi nó động đến cái phần sâu thẳm trong mỗi con người, nó liên quan đến hạnh phúc, khổ đau, danh dự, tương lai của người ta. Ðấy là cái khó của người viết. Khó như thế nên Nguyễn Uyển dành nhiều trang nói về tâm trạng, tâm thế của nhân vật. Hoặc là thế này, hoặc là thế kia. Mình không làm thì ai sẽ làm? Làm việc này được gì mất gì? Có khi phải chọn cái mất, cái mất tạm thời và cái được lâu bền. Cái được ấy, như bà Y Vêng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, khi là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chỉ một tâm niệm "Việc Ðảng giao phải làm cho tốt"; như Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, cán bộ ngành kiểm sát suy ngẫm về cuộc đời "miên man trận mạc của ông": Cái được của nghề này là đánh vào cái xấu, cái ác. Mình "đánh" nhưng không phải đánh cho chết mà đánh đủ để họ dừng lại và làm lại cuộc đời. Ðánh để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cái đẹp cái đúng. Như hai mặt của một tờ giấy. Bao giờ chúng tôi cũng phải làm rõ chứng cứ để buộc tội, đồng thời làm rõ chứng cứ để gỡ tội!

Nghề văn nghiệp báo đã đưa Nguyễn Uyển đến nhiều vùng đất trong nước và thế giới. Nói về cái nghề đáng yêu, đáng quý, ông khái quát thật khiêm nhường: Ði, đến và ghi lại. Ông như người thợ hồ cần mẫn tìm kiếm, chọn lựa vật liệu xây đắp nên những công trình độc đáo, bền đẹp. Với Bác Hồ của nhân dân, bạn đọc có dịp chiêm ngưỡng một công trình mới. Chỉ riêng hai tiếng Bác Hồ đã thấy thiêng liêng và gần gũi xiết bao!

(★) Tập bút ký, tiểu luận chọn lọc, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.