Tiếng gọi phồn sinh

Mình vốn thích trồng cây. Cây nào mình trồng cũng sum suê tươi tốt. Hoa thì nở tưng bừng. Cây ăn quả thì quả sai trĩu trịt.

Trồng cây từ bé đến giờ mới vỡ lẽ, hóa ra cây là sinh thể không bao giờ dễ hiểu. Ta muốn uốn cây như thế nào. Ta muốn cắt cành cây bao nhiêu. Ta muốn cành này của cây phát triển và hạn chế sự phát triển của cành kia. Ta muốn cây nảy lộc vào tháng nào, mùa nào. Ta muốn cây rụng lá khi nào. Ta muốn cây nở hoa vào tháng nào... cây đều răm rắp thuận theo ta, tuân phục ý chí của ta. Dù ta vặn vẹo, uốn nắn, cắt tỉa cành lá thế nào cây vẫn luôn tươi tốt, mới mẻ và rạng rỡ. Lá vẫn xanh mướt, lộc vẫn non tơ, hoa vẫn rực rỡ và quả vẫn chín ngọt thơm lừng.

Nhưng, nếu ta lơ là một chút là cây lại âm thầm lặng lẽ trở về với bản ngã của cây. Chỉ cần ta thử buông lơi không uốn cành, cắt ngọn, tỉa nhánh một thời gian ngắn là cây sẽ phát triển um tùm, phá tan tành cái thế, cái dáng của "cây thế" mà ta đã mất hàng chục năm công phu tạo tác. Chỉ cần ta thử buông một lần không tuốt lá, không điều chỉnh hệ tưới tiêu thì cây tức khắc nở hoa theo đúng chu kỳ sinh học của cây mà không cần biết đến ngày Tết hay ngày lễ của người trồng. Bình thường ta thấy cây mềm dẻo, gần gũi thân thiết biết bao nhưng vào lúc đó ta thấy cây thật xa lạ, mạnh mẽ, kiên cường, ương ngạnh biết nhường nào.

Khi nhìn những cây bung xòe cành lá "vô tổ chức" theo ý muốn của cây ta thấy thần thái của cây thật hân hoan, hồn vía của cây thật sáng ngời. Ngọn cây vươn thẳng, lá xòe căng về phía mặt trời, một mầu xanh mơn mởn, một ánh sáng lấp lánh rạo rực khắp lá cành. Nếu để cây nở hoa đúng chu kỳ sinh học, ta sẽ thấy hoa to đẹp, cánh sẽ tươi khỏe, mùi hương tự nhiên thật ngào ngạt, quả sẽ thật sai và nồng nàn hương vị. Nhất là dịp sau Tết, khi những hạt mưa xuân nồng ấm thấm nhuần khắp cây cành ta thấy cây hồn nhiên đâm chồi nảy lộc, mới hiểu, sự phát triển của tự nhiên mới tràn trề năng lượng, mới dồi dào sức sống biết bao.

Ý muốn của con người với trí tuệ siêu phàm của mình đã làm thay đổi tự nhiên, làm thay đổi cây trồng, và phá hủy những giá trị chọn lọc tự nhiên hàng triệu năm sinh tồn của cây cối. Trí tuệ của loài người đã thật sự biến đổi cây trồng, vật nuôi để đáp ứng những nhu cầu vô biên của mình. Khoa học công nghệ của loài người đã liên tục bùng nổ những cuộc cách mạng trong lĩnh vực sinh học, nhất là cây trồng. Ðó là cách mạng biến đổi gen, đột biến gen, lai ghép, sinh sản vô tính, thủy canh... Những cuộc cách mạng đang ngày càng biến giới tự nhiên mang tính người, ngày càng nhân hóa giới tự nhiên. Cái cây sống không còn là cái cây tự nhiên nữa mà cái cây tồn tại với rất giàu hàm lượng người. Có lẽ ta chưa hiểu hết lý lẽ của huyền cơ sâu xa này.

Làm thay đổi giới tự nhiên với tư cách là cái nôi chứa đựng và nuôi dưỡng nhân loại theo ý chí chủ quan của mình liệu có phải là sự phát triển không, hay đó là con đường ngắn nhất dẫn nhân loại đến bờ vực của sự tự hủy diệt? Ðể tạo ra những cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong sinh học, các nhà khoa học đã vận dụng thành công một số quy luật của tự nhiên. Thế nhưng, quy luật của tự nhiên không tồn tại đơn lẻ mà bao giờ cũng tồn tại một cách biện chứng hữu cơ trong hệ thống tổng thể của nó. Nghĩa là những thành tựu đạt được hoặc mang ý nghĩa nhất thời hoặc sẽ đưa đến những hậu quả vô cùng thảm khốc bởi sự vận hành của cả hệ thống các quy luật của tự nhiên. Bởi lẽ, một loài (cây chẳng hạn) được chọn lọc tự nhiên lựa chọn có nghĩa nó là số thành của sự vận hành cả hệ thống thống nhất quy luật tự nhiên hàng triệu triệu năm.

Ta chợt nhận ra, có một tiếng gọi vĩnh cửu chi phối muôn loài, chi phối giới tự nhiên. Ðó là tiếng gọi của phồn sinh. Tiếng gọi đã âm thầm dẫn dắt sự sinh tồn của muôn loài, qua không gian và thời gian.

Tùy bút của NGUYỄN LINH KHIẾU