Biên đạo múa, NSƯT Tuyết Minh:

Tôi muốn làm những sản phẩm ballet đậm chất Việt Nam

NSƯT Tuyết Minh từng chia sẻ với tôi rằng, chị mong muốn chuyển thể các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam sang ngôn ngữ múa, ballet… Sau Mỵ (Vợ chồng A Phủ), Tuyết Minh bắt đầu dàn dựng vở ballet Kiều- một vở diễn hứa hẹn nhiều điều thú vị, bởi ở đó là sự hòa quyện những chuẩn mực của văn hóa phương Tây với vẻ đẹp của ngôn ngữ, âm nhạc, văn hóa Á Đông.

“Tôi muốn thể hiện trọn vẹn giá trị “Đạo làm Người” mà Nguyễn Du gửi gắm trong ballet Kiều”.Ảnh: TRỊNH LAN
“Tôi muốn thể hiện trọn vẹn giá trị “Đạo làm Người” mà Nguyễn Du gửi gắm trong ballet Kiều”.Ảnh: TRỊNH LAN

Thách thức và niềm tin

- “Mất tích” khá lâu và trở lại với dự án lớn ballet Kiều. Chị muốn chia sẻ với khán giả điều gì?

- Đại thi hào Nguyễn Du từng viết rằng: “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa - Người đời ai khóc Tố Như chăng?”. Vì thế, khi đặt bút chuyển thể Truyện Kiều sang kịch bản múa, tôi đặt mình trong sự tiếp nhận văn học hiện đại, chủ động làm giàu hơn cho tác phẩm thơ trữ tình trường thiên này thông qua ngôn ngữ hình thể của bộ môn nghệ thuật múa; mang tới một cách cảm khác về tác phẩm nhưng không xa với cái “như nó là” theo nguyên tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, đi đến nhận thức cốt tủy nhất của “Đạo và Đời”.

- Truyện Kiều là tác phẩm thơ thể hiện nhiều khía cạnh trong cuộc sống, như sự nhân đạo, lòng hiếu thảo, tự do yêu đương, thiện ác, luật nhân quả v.v. Ballet Kiều sẽ tập trung khai thác khía cạnh nào? Vì sao? Và nó được thể hiện như thế nào?

- Khi bắt đầu triển khai dàn dựng ballet Kiều, tôi đã lọc những gì mà đặc trưng ngôn ngữ cơ thể sẽ thể hiện tốt nhất và những gì không phải là thế mạnh của nghệ thuật múa. Nhiều chuyên gia e dè với Kiều, nhất là khi kiệt tác này quá đồ sộ về nghệ thuật thi ca, ngôn từ. Nhưng tôi tin múa sẽ không làm khán giả thất vọng khi vẽ nên không gian đượm chất thơ, trữ tình, vẽ nên hình tượng nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Kim Trọng, Tú Bà, Sở Khanh, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, vãi Giác Duyên thật điển hình lại hàm ý được tư tưởng của Nguyễn Du trong những mối quan hệ ấy với tất cả hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục để mỗi người xem suy ngẫm đến đời sống tinh thần và nắm giữ, trân trọng vận mệnh của mình ngay ở thời hiện tại.

Tôi muốn làm những sản phẩm ballet đậm chất Việt Nam ảnh 1


Tôi muốn thể hiện trọn vẹn giá trị “Đạo làm Người” mà Nguyễn Du gửi gắm trong Kiều, vì vậy ballet Kiều sẽ không đi vào miêu tả lại 15 năm lưu lạc của nàng Kiều. Tôi muốn những tư tưởng của Nguyễn Du thể hiện qua ba lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên và diễn tiến của toàn bộ vở diễn được ước lệ xoay quanh bốn lần Kiều đánh đàn, bởi thanh âm của tiếng đàn là thứ ngôn ngữ không thể dối lừa của tâm trạng: lúc thì thầm, dìu dặt, mềm mại, tha thiết; khi lại thổn thức, rạo rực, có trường đoạn thì gào thét, tang thương; để rồi tan chảy, nén chịu, đồng điệu với sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của nàng Kiều nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung, cũng là tiếng lòng của chính Đại thi hào Nguyễn Du trước sự đời éo le, đen bạc và ngang trái của xã hội đương thời.

15 năm lưu lạc của Kiều chính là hành trình khát khao đi tìm hạnh phúc “Trăm năm trong cõi người ta”. Ba lần Kiều gặp Đạm Tiên chính là gặp cái tôi “bản ngã”, trải qua 15 năm biến cố, thăng trầm chẳng qua chỉ là cái hẹn của chính mình tại sông Tiền Đường để nhận ra linh hồn ca nhi Đạm Tiên như cầu nối trung gian giữa “Mệnh trời” với “Trần thế”.

- Kiều là tác phẩm lớn đã được khai thác ở nhiều bộ môn nghệ thuật. Nhưng tôi băn khoăn tự hỏi, một tác phẩm mang câu chuyện đậm văn hóa Việt sẽ được chuyển thể và hòa quyện với thể loại nghệ thuật phương Tây như ballet như thế nào?

- Khi chọn ballet để dàn dựng trước hết phải hình thành phong cách xuyên suốt của kết cấu ngôn ngữ múa, khi mà diễn viên nữ phải thể hiện trên giày mũi cứng, và diễn viên nam phải thể hiện được những kỹ thuật nền tảng của múa cổ điển châu Âu, có nghĩa tiêu chí kỹ thuật, kỹ xảo phải đạt được niêm luật của bộ môn múa ballet. Mặt khác, để thể hiện được tâm hồn Việt, khắc họa được những nét tính cách nhân vật điển hình thì các diễn viên phải thấm đẫm văn hóa Phương Đông, cốt cách, tinh thần và bản sắc văn hóa của người Việt nên mỗi cử chỉ, động tác hay tổ hợp múa đều phải chắt lọc, đều phải có thủ pháp mang tính sáng tạo cao thì mới đủ chuyển tải hết tinh thần của các lớp diễn. Đối với nghệ thuật biên đạo, nếu không có nghề hoặc không có kinh nghiệm trong dàn dựng các vở diễn lớn sẽ dễ bị sa đà vào múa trang trí, tức là không bật ra được tính cách nhân vật, không toát lên được tinh thần của vở diễn với các lớp triết lý của từng cảnh diễn. Thách thức lớn nhất là phải hòa hợp ballet với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa Phương Đông đậm bản sắc Việt.

Tôi luôn hướng tới sự giản dị

- Tôi nhớ, Tuyết Minh luôn đau đáu với đề tài lịch sử và những câu chuyện về văn hóa Việt Nam. Trước đây, chị đã dựng vở hát múa Vợ chồng A Phủ và bây giờ là ballet Kiều. Điều gì khiến chị đắm đuối với những câu chuyện mang bản sắc văn hóa Việt như vậy?

- Những năm 2003, 2004 khi bắt đầu dựng các vở diễn lớn, những vở đầu tay của tôi là Carmen, Don Quyxote. Ngay sau đó, tôi đã nhìn thấy con đường mà tôi sẽ theo đuổi trong sự nghiệp biên đạo, đó là mài giũa mình trong các vở diễn Việt Nam, mang văn hóa Việt, mang bản sắc Việt. Chúng ta đương nhiên có thể dựng lại các phiên bản khác nhau của các vở ballet cổ điển của thế giới nhưng nhìn về thực lực chúng ta vẫn bị bỏ khá xa lại phía sau bởi sự đầu tư nghiêm túc cả về con người, kinh phí, cho đến phong cách chuẩn mực và sự tinh tế, bởi đó là văn hóa của họ. Trong sáng tác và làm việc, tôi luôn hướng tới sự giản dị, vì tôi yêu các tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam, tôi yêu cách nghĩ, cách cảm mộc mạc của người Việt. Tôi nhận ra rằng, cách để làm cho khán giả yêu nghệ thuật trước tiên là họ phải hiểu, cho nên phong cách sáng tác của tôi và ekip cùng sáng tạo với tôi là làm sao thể hiện những thứ phức tạp nhất, quy chuẩn nhất theo cách diễn đạt giản dị, dễ cảm nhất. Tôi tin là khán giả Việt từ giới trẻ cho tới những khán giả lớn tuổi, những người ngoài nghề và trong nghề đều sẽ hiểu và cảm được trước hết là tâm huyết và năng lượng tích cực mà chúng tôi truyền cho các nghệ sĩ và các nghệ sĩ truyền tới với khán giả. Đối với khán giả nước ngoài, họ đã quá quen với sự hoành tráng, xa hoa, chuẩn mực của các vở ballet kinh điển, tôi nghĩ họ sẽ muốn xem ballet Việt Nam có điều gì khác biệt, và tôi tin họ sẽ có nhiều thứ để thưởng thức từ âm nhạc, từ phong cách múa, từ trang phục, từ văn hóa Á Đông với cách tư duy và chiều sâu tâm hồn riêng có, rồi họ sẽ thấy đồng cảm, vì chất nhân văn, tinh thần nhân đạo luôn là cầu nối hữu hiệu nhất, từ trái tim đến trái tim không phân biệt Âu, Á, không phân biệt mầu da, tôn giáo. Như Truyện Kiều đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

 Ballet Kiều do các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ kịch TP Hồ Chí Minh biểu diễn, sẽ ra mắt buổi diễn đầu tiên vào ngày 20-6 tại Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh. Vở diễn do NSƯT Tuyết Minh làm tổng đạo diễn, cùng biên đạo múa Phúc Hùng, Phúc Hải. Công chúng Thủ đô Hà Nội sẽ đón xem vở diễn vào tháng 8-2020.