Xây dựng Bát Tràng trở thành làng nghề kiểu mẫu

Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) là một trong những làng nghề được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến, với nhiều sản phẩm gốm sứ tinh tế, sống động. Nhờ nắm bắt kịp thời xu hướng tiêu dùng, những năm gần đây, làng nghề Bát Tràng đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm, trở thành một trong những làng nghề tiêu biểu của Thủ đô.

Bí thư Ðảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết, theo truyền khẩu từ nhiều thế hệ, sau khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Ðại La và đổi tên thành Thăng Long, thợ thủ công nghề gốm của các làng Vĩnh Linh Tràng, Bồ Xuyên, Bạch Bát từ Thanh Hóa, Ninh Bình đã đến Bạch Thổ Phường mở lò, lập làng, sản xuất gốm, gạch cho triều đình phong kiến. Quá trình di cư từ quê cũ đến quê mới diễn ra trong nhiều thế kỷ, nhiều nhất vào đời nhà Trần, đời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, hình thành nên làng gốm sứ Bát Tràng. Những năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đổi mới cơ chế tổ chức sản xuất, tranh thủ liên doanh, liên kết để huy động các nguồn vốn, phát huy nội lực và thế mạnh của làng nghề.

Trước đây, làng gốm Bát Tràng chủ yếu sử dụng lò than trong quá trình sản xuất gốm, nhưng từ năm 2000 đến nay, các doanh nghiệp, hộ sản xuất bắt đầu chuyển sang nung gốm bằng lò ga. Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ lò ga vào sản xuất, nung gốm sứ đánh dấu một bước đột phá trong sản xuất gốm sứ của Bát Tràng, giúp địa phương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nung đốt gốm sứ bằng lò than, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm. Theo người dân xã Bát Tràng, việc chuyển sang nung gốm bằng lò ga hiện đại đã tiết kiệm được 30% tỷ lệ tiêu hao năng lượng trên một đơn vị sản phẩm, lợi nhuận từ đó cũng tăng lên so với lò than cũ. Công nghệ mới còn giúp tăng tỷ lệ sản phẩm ra lò đạt tiêu chuẩn chất lượng từ 95 đến 98%, so với mức từ 60 đến 70% so với trước kia.

Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, I-ta-li-a… Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc…; khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc. Hiện, xã Bát Tràng có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Tổng giá trị sản xuất, thương mại gốm sứ năm 2018 ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm. Xã có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi, tiêu biểu là Nghệ nhân Nhân dân Trần Ðộ, Nghệ nhân Ưu tú Tô Thanh Sơn…

Cùng với phát triển sản xuất, xã Bát Tràng đã trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề của Hà Nội, được nhiều khách quốc tế và trong nước biết đến. Mỗi năm, Bát Tràng đón khoảng 2.000 đoàn với hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch, ký kết các hợp đồng kinh tế. Hiện, xã Bát Tràng là một trong hai địa phương được thành phố lựa chọn thực hiện đề án điểm về phát triển làng nghề gắn với du lịch, quy hoạch đầu tư một cách đồng bộ.

Năm 2019, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bát Tràng kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm địa phương (tháng 2-1959 - tháng 2-2019). Xã Bát Tràng tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ, đóng góp công sức xây dựng và bảo tồn các giá trị tinh hoa của làng nghề gốm sứ Bát Tràng, tập trung đào tạo nghề, truyền nghề cho thế hệ trẻ để làng nghề Bát Tràng phát triển bền vững, xứng đáng là làng nghề kiểu mẫu của Thủ đô và cả nước.