Tập trung nguồn lực để về đích

Dù chậm so với tiến độ ban đầu đề ra, nhưng dự án mở rộng đường Vành đai 3 Hà Nội (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long) vẫn được đánh giá là dự án có tốc độ nhanh, từ công tác giải phóng mặt bằng đến thi công. Với quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, cùng sự đồng thuận của người dân, công trình trọng điểm này đang được gấp rút hoàn thiện để về đích.

Hệ thống cây xanh tạo cảnh quan được trồng dọc tuyến đường dự án mở rộng đường Vành đai 3 Hà Nội (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long). Ảnh: DUY LINH
Hệ thống cây xanh tạo cảnh quan được trồng dọc tuyến đường dự án mở rộng đường Vành đai 3 Hà Nội (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long). Ảnh: DUY LINH

Trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, trên công trường dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng), các đơn vị vẫn tập trung thi công, để hoàn thiện các hạng mục một cách sớm nhất. Gạt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, anh Nguyễn Trung Kiên, Chỉ huy trưởng của Tổng công ty 319 - nhà thầu thi công xây lắp từ lý trình km1+740 đến km2+812,5, cho biết, ngay sau khi được bàn giao mặt bằng, nhà thầu đã tổ chức thi công ba ca, cả ngày lẫn đêm. Dù điều kiện thi công khá khó khăn, mặt bằng còn “xôi đỗ”, phải di chuyển khối lượng công trình ngầm lớn, đào hào kỹ thuật, mà vẫn cố gắng hạn chế ảnh hưởng đến nhà dân chung quanh, chúng tôi cố gắng hoàn thành phần việc được giao, chậm nhất là đến ngày 20-6-2019.

Theo lãnh đạo Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, dự án đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long nằm trên địa bàn năm phường của hai quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 3099/QĐ-UBND ngày 15-6-2016 với quy mô tổng chiều dài tuyến là 5,5 km; điểm đầu là ngã tư Mai Dịch và điểm cuối là cầu Thăng Long; với các hạng mục nền, mặt đường, hào kỹ thuật, thoát nước, vỉa hè, cầu đi bộ... Tuyến đường được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch đã được phê duyệt, mặt cắt ngang đường từ 56 đến 93 m, gồm hai làn đường, mỗi bên có sáu làn xe (bốn làn cơ giới và hai làn hỗn hợp), theo tiêu chuẩn tuyến đường đô thị chính cấp I. Tổng mức đầu tư của dự án là 3.113 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.824 tỷ đồng, tổng diện tích đất chiếm dụng là hơn 39 ha, số hộ dân bị thu hồi đất là 877 hộ, 55 cơ quan.

Tại quận Bắc Từ Liêm, nhiệm vụ giải phóng mặt bằng khá nặng nề khi phải di dời đất của 44 tổ chức và 648 gia đình với hơn 144 nghìn m2 đất. “Khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi khá lo lắng, bởi số lượng hộ dân, cơ quan, đơn vị phải di dời lớn, lại phải bảo đảm tiến độ thành phố giao. Tuy nhiên, với quyết tâm cao cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở, nhiệm vụ khó khăn này đã từng bước được giải quyết. Xác định tầm quan trọng của dự án, cùng với việc giao nhiệm vụ cụ thể với từng đơn vị chức năng, hằng tuần, Thường trực Quận ủy đều trực tiếp nghe báo cáo và có chỉ đạo tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng”, Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Nắng Mai chia sẻ.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách đến từng hộ dân liên quan, quận Bắc Từ Liêm cũng chú trọng đối thoại thường xuyên khi người dân có ý kiến, đề xuất về nguồn gốc đất, đơn giá bồi thường, nhà tái định cư. Ông Nguyễn Công Thảo, Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Nhiều cuộc đối thoại được tổ chức xuyên trưa, hoặc đến tối muộn, trong đó lãnh đạo quận trực tiếp trao đổi từng vấn đề liên quan, cho nên đã giúp người dân hiểu và thực hiện”. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn quận chỉ còn 13 chủ sử dụng với 24 phương án bồi thường tại khu vực ngã ba Phạm Văn Đồng - Nguyễn Hoàng Tôn phải giải quyết. Đối với các khu vực đã được giải phóng mặt bằng, điều đáng mừng là hầu hết người dân đều tự giác bàn giao mặt bằng, rất ít trường hợp phải cưỡng chế. Như ở phường Xuân Đỉnh, có đợt 96 hộ phải cưỡng chế, nhưng khi lực lượng chức năng vào cuộc, 94 hộ đã có thái độ hợp tác. “Chúng tôi sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án trong tháng 6-2019. Để có được kết quả này, lãnh đạo quận cảm ơn người dân đã chia sẻ khó khăn và tạo được sự đồng thuận cao, ổn định tình hình từ cơ sở”, đồng chí Nguyễn Thị Nắng Mai cho biết.

Trưởng phòng Giám sát 2 (Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội) Đỗ Đình Phan cho biết, đến nay dự án đạt hơn 80% khối lượng công việc. Hiện nhà thầu đã thảm bê-tông nhựa 4,5 km đường bên phải tuyến, 5,05 km đường bên trái tuyến. Việc thi công những hạng mục khó như đào cống hộp, hạ ngầm các công trình kỹ thuật không tránh khỏi ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân hai bên đường, nhưng chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung làm nhanh nhất có thể, để khu vực gần khu dân cư sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6.

Cùng với việc hoàn thiện mặt đường, chủ đầu tư đã trồng gần 1.000 cây giáng hương; 18 cây bàng Đài Loan; 12 cây ban hoàng hậu; gần 2.000 m2 cây bụi và 4.500 m2 cây hồng lộc… tạo cảnh quan xanh, đẹp dọc theo tuyến. “Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành dự án này trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Thủ đô (tháng 10-2019)", đại diện Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội khẳng định.

Việc sớm hoàn thành và đưa tuyến đường vào khai thác sử dụng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện nay, đồng thời tạo thêm điểm nhấn cho cảnh quan khu vực cửa ngõ từ sân bay Nội Bài vào khu vực trung tâm Thủ đô.