Tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường

Qua hơn sáu năm thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ môi trường theo Điều 14 Luật Thủ đô, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nảy sinh không ít vướng mắc, hạn chế, cần sớm sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp.

Nhằm quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô phát triển bền vững, gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa lịch sử và bảo đảm không gian xanh theo quy hoạch, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21-12-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013, trong đó Điều 14 quy định rất rõ về công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Cụ thể, Điều 14 Luật Thủ đô nghiêm cấm việc san lấp, lấn chiếm, gây ô nhiễm sông suối, hồ nước, công viên, vườn hoa; xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Luật cũng quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành một số quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn thành phố nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia theo đề nghị của UBND thành phố Hà Nội…

Hơn sáu năm qua, Luật Thủ đô từng bước đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực, trong đó có lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 14 Luật Thủ đô, từ năm 2015 đến hết sáu tháng đầu năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan quản lý nhà nước, Công an thành phố đã thanh tra, kiểm tra hơn 11 nghìn cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó phát hiện, xử lý hơn 4.000 cơ sở có hành vi vi phạm về môi trường, với số tiền hơn 65 tỷ đồng, góp phần từng bước nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Thành phố đã thực hiện cơ giới hóa công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; đưa vào vận hành ba khu xử lý chất thải rắn tập trung, gồm khu Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), với số lượng từ 4.500 đến 5.000 tấn/ngày; khu Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), với khối lượng từ 1.200 đến 1.400 tấn/ngày và khu xử lý rác Phương Đình (huyện Đan Phượng). Đồng thời, thành phố chấp thuận đầu tư bốn nhà máy đốt rác phát điện, phấn đấu đến năm 2021 đi vào hoạt động gồm: Dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), công suất xử lý 4.000 tấn/ngày đêm; Khu xử lý chất thải Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), công suất xử lý 1.500 tấn/ngày đêm; Dự án xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), công suất xử lý 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhằm kiểm soát ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường, thành phố triển khai cải tạo, chỉnh trang kết hợp xử lý ô nhiễm nguồn nước tại hơn 120 hồ trong khu vực nội thành, thử nghiệm một số đề án xử lý ô nhiễm nguồn nước sông; đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các cụm công trình thủy lợi đầu mối, trạm bơm tưới tiêu; thực hiện trồng một triệu cây xanh. Sở Tài nguyên và Môi trường vừa hoàn thành danh sách di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch, xây dựng đô thị tại 12 quận nội thành Hà Nội và dự kiến sẽ được UBND thành phố trình HĐND thành phố trong tháng 11.

Bên cạnh kết quả đạt được, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành Luật Thủ đô. Luật Thủ đô chưa có quy định về chính sách, cơ chế ưu đãi, khuyến khích hỗ trợ trong lĩnh vực môi trường, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ để di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực nội thành…

Mới đây, phát biểu tại hội thảo Thực trạng công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô và đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 14 Luật Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định kiến nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác bảo vệ môi trường. Đối với các dự án xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị trong khi nguồn vốn đầu tư của thành phố còn hạn chế và không thể đáp ứng ngay trong thời gian ngắn, do đó có thể nghiên cứu áp dụng cơ chế chỉ định thầu. Áp dụng hệ thống kiểm soát ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp, các làng nghề. Hạn chế cấp phép đầu tư cho một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh trong khu vực trung tâm đô thị, từng bước điều tiết các ngành nghề sản xuất cho phù hợp với khả năng chịu tải của đô thị, hạn chế ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực như hiện nay. Thành phố cần có quy định mức xử phạt mạnh tay đối với một số hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường như đổ trộm phế thải xây dựng, phân bùn bể phốt, chất thải nguy hại; cơ sở không đầu tư hệ thống xử lý nước thải… để nâng cao hiệu lực của pháp luật, góp phần quản lý, bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn.