Tác động của doanh nghiệp FDI đến thị trường bán lẻ Hà Nội

Dù thị phần qua kênh bán lẻ hiện đại của các doanh nghiệp FDI mới chiếm khoảng 15% đến 17%, nhưng tốc độ phát triển và quy mô của các đơn vị này đang lấn át nhiều đơn vị phân phối trong nước, chưa kể, các hệ thống bán lẻ lớn của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã bị các doanh nghiệp nước ngoài mua và giữ số cổ phần tương đối lớn. Giành lại lợi thế ngay trên sân nhà đang là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp bán lẻ của Hà Nội.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Hapro Kim Chung.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Hapro Kim Chung.

Hiện trên địa bàn Hà Nội có 25 trung tâm thương mại (TTTM) và 140 siêu thị. Trong lĩnh vực này có thể thấy, các doanh nghiệp FDI tuy ít về số lượng nhưng rất nổi bật và không ngừng tăng trưởng. Doanh thu năm 2018 của các siêu thị, TTTM thuộc các doanh nghiệp FDI đã đạt hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của toàn hệ thống siêu thị trên địa bàn. Tập đoàn Central Group (Thái-lan) đang sở hữu chuỗi bảy siêu thị Big C và hai TTTM, tổng doanh thu hằng năm đạt hơn 2.500 tỷ đồng, thu hút hơn 1.500 lao động. Công ty TNHH MM Mega Market tại Việt Nam thuộc Tập đoàn TTC Group (Thái-lan) hiện có ba siêu thị bán buôn tổng hợp, doanh thu hằng năm hơn 2.700 tỷ đồng. Tập đoàn Aeon của Nhật Bản có một siêu thị và một TTTM với quy mô lớn, hiện đại, doanh thu hằng năm khoảng 1.200 tỷ đồng. Hiện tại, tập đoàn này đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng mới thêm một TTTM tại quận Hà Ðông với tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc có hai siêu thị và hai TTTM. Công ty TNHH MTV Marfour (chuỗi siêu thị Auchan) hiện tại đã được cấp phép và đi vào hoạt động ba siêu thị…

Không những vậy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn đang đẩy nhanh việc mua bán, sáp nhập với các doanh nghiệp trong nước. Như Tập đoàn Aeon đã sở hữu 49% cổ phần của hệ thống siêu thị Citimart, đổi tên thành Aeon Citimart. Tập đoàn Central Group đã sở hữu 49% cổ phần tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim và sở hữu 50,5% cổ phần hệ thống siêu thị Lanchi Mart. Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) đã sở hữu 49% cổ phần tại hệ thống siêu thị Intimex. Tập đoàn Berli Jucker (Thái-lan) đã mua lại chuỗi hệ thống siêu thị Metro Việt Nam.

Nhiều người tiêu dùng Hà Nội tin tưởng và chọn các TTTM, siêu thị của doanh nghiệp FDI làm địa chỉ mua sắm thường xuyên. Chị Nguyễn Thu Hằng (ở phố Cửa Ðông, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: "Các buổi cuối tuần tôi thường dành thời gian để tới các TTTM, siêu thị lớn như Aeon Mall, Big C, Lotte... Tôi thấy các siêu thị này có nguồn hàng hóa phong phú, đủ chủng loại, không chỉ hàng sản xuất trong nước mà còn có nhiều hàng nhập khẩu, cơ sở vật chất hiện đại, văn minh. Ngoài ra, đội ngũ nhân viên siêu thị có thái độ và cách phục vụ chuyên nghiệp, tạo cho tôi tâm lý thoải mái khi mua sắm".

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, thị phần qua kênh bán lẻ hiện đại như TTTM, siêu thị, siêu thị mi-ni… của các doanh nghiệp FDI hiện mới chiếm khoảng 15% đến 17% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên toàn địa bàn; doanh nghiệp trong nước vẫn còn dư địa để phát triển. Nhưng rõ ràng, sự thâm nhập của các doanh nghiệp FDI với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm hoạt động đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ. Bên cạnh đó, tại Hà Nội còn có khoảng 1.000 doanh nghiệp FDI mở các cơ sở bán lẻ và hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hóa, gia tăng cạnh tranh đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung. Nguồn hàng nhập khẩu có giá rẻ hơn, chất lượng, mẫu mã đa dạng hơn hàng sản xuất trong nước.

Trước tình hình này, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong nước phải có giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của doanh nghiệp FDI, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ chính sách (như đất đai, vốn vay ưu đãi…), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư trong nước tham gia đầu tư hạ tầng thương mại, phát triển hệ thống phân phối. Ðồng thời, đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết chuỗi giữa các nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối, đẩy mạnh liên kết vùng, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa với hàng ngoại nhập.

Song song với cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước cũng có thể tăng cường hoạt động kết nối với doanh nghiệp FDI nhằm xây dựng các chuỗi giá trị, nâng cao năng lực giữa các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn. Ðơn cử, các doanh nghiệp FDI hỗ trợ tiêu thụ, đưa các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, nhất là thực phẩm để tiếp cận với thị trường quốc tế. Như hệ thống Big C Việt Nam đã xuất khẩu được sản phẩm vải thiều Lục Ngạn sang thị trường Thái-lan…

Theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú thì các nhà bán lẻ trong nước cần nhanh chóng học hỏi, nắm bắt công nghệ, kinh nghiệm của các doanh nghiệp phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, đồng thời, hoàn thiện các kỹ năng về quản lý, kinh doanh, hoạch định và thực hiện chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển thị trường một cách chuyên nghiệp. Cần tận dụng những lợi thế so với doanh nghiệp FDI như tiềm lực mạng lưới sẵn có, am hiểu thói quen tiêu dùng của người Việt Nam…, để có thể cạnh tranh, giữ được thị phần trên sân nhà.