Quản lý việc sử dụng thiết bị thông minh của học sinh

Việc tổ chức cho học sinh học trực tuyến, học nhóm, làm dự án… là những hình thức học mới, được áp dụng rộng rãi trong các trường học. Tuy nhiên, những hình thức học tập này đòi hỏi sự hỗ trợ từ thiết bị điện tử và in-tơ-nét. Ðiều này gây ra không ít băn khoăn đối với các phụ huynh.

Trẻ học tập qua thiết bị điện tử. Ảnh: NGỌC MAI
Trẻ học tập qua thiết bị điện tử. Ảnh: NGỌC MAI

Trong cuộc họp phụ huynh giữa học kỳ 1 năm học 2020 - 2021 của Trường THCS Alpha, huyện Hoài Ðức vừa qua, vấn đề mà nhiều phụ huynh đề cập là việc giáo viên sẽ xử lý như thế nào với quy định mới đây của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ mục đích học tập. Ðiều này vẫn đang gây tranh cãi khi có phụ huynh sẵn sàng sắm điện thoại thông minh cho con, nhưng có phụ huynh lại cố gắng không để con mình tiếp cận với thiết bị này. Vậy giáo viên sẽ duy trì lớp học ra sao khi có học sinh có điện thoại truy cập mạng, có học sinh thì không có? Liệu phụ huynh có bắt buộc phải trang bị điện thoại cho con vì quy định này?

Lãnh đạo Trường THCS Alpha cho biết, với thực tế hiện nay, không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ mang lại cho học sinh trong việc tìm kiếm thông tin, học tập, kết nối trực tuyến. Nhưng bên cạnh đó còn nhiều khó khăn mà không phải bố mẹ nào cũng nhận diện được, trước khi trao cho con thiết bị điện tử như: Quản lý thời gian sử dụng điện thoại để phục vụ học tập, hoặc việc lạm dụng sự tiện lợi của thiết bị này dẫn đến hạn chế giao tiếp trực tiếp với mọi người chung quanh, hoặc các hoạt động cần tìm tòi sáng tạo. 

Chị Nguyễn Quỳnh Hương, phụ huynh học sinh Trường THCS Alpha tỏ ra lo lắng khi được giáo viên phản ánh có tình trạng học sinh trong lớp con chị học, sử dụng phần mềm giải toán từ điện thoại. "Thầy, cô giáo đã cảnh báo các vị phụ huynh về tình trạng con nộp vở bài tập được làm rất hoàn chỉnh, nhưng khi gọi lên bảng để chữa bài thì con không làm lại được bài đã nộp. Nhiều khả năng là con chép bài giải trên mạng, thay vì tự mình làm bài" - chị Hương cho biết.

Ðể giúp các bậc phụ huynh có giải pháp cân bằng giữa sử dụng thiết bị công nghệ số với hoạt động đời sống hằng ngày, nhà trường đang dự kiến tổ chức một buổi hội thảo chủ đề đồng hành cùng con thời công nghệ số, nhằm chia sẻ những thông tin hữu ích để giải quyết vấn đề này.

Thực tế cho thấy, trong thời đại số, việc sử dụng thiết bị công nghệ đòi hỏi những nguyên tắc mà không phải phụ huynh nào cũng nắm rõ và vận dụng được. TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, phụ huynh cần làm gương với những hành động cụ thể. Trước hết là khi ở nhà, hoặc những lúc ở bên cạnh con, phụ huynh nên hạn chế sử dụng các loại thiết bị điện tử, để nêu gương. Tiếp theo, các gia đình nên có quy định chung về thời gian sử dụng các thiết bị điện tử với mọi thành viên, thí dụ như không sử dụng điện thoại trên bàn ăn, không xem ti-vi khi ăn uống, không sử dụng thiết bị sau 21 giờ hằng ngày… Việc đặt ra các quy tắc này sẽ giúp việc quản lý thời gian sử dụng các thiết bị điện tử thành một chuẩn mực trong gia đình và tạo thói quen tốt cho các bạn trẻ.

Bên cạnh đó, việc phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc khi nào cần sử dụng thiết bị điện tử để phục vụ học tập, thống nhất với giáo viên và phụ huynh về thời gian sử dụng mạng xã hội của học sinh trong lớp… sẽ rất cần thiết để phụ huynh không cần cấm đoán quá cứng nhắc mà thay vào đó, vẫn tạo điều kiện để con sử dụng thiết bị điện tử và in-tơ-nét hiệu quả trong học tập.

THẾ HẢI