Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Ðến thời điểm này, 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều đã ra quân triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP). Việc thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành ATTP góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này của chính quyền địa phương, bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trên địa bàn.

Ðoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 TP Hà Nội kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn Trường mầm non Uy Nỗ (huyện Ðông Anh). Ảnh: HẠNH NGUYỄN
Ðoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 1 TP Hà Nội kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn Trường mầm non Uy Nỗ (huyện Ðông Anh). Ảnh: HẠNH NGUYỄN

Là năm đầu triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết, địa bàn quận có tới 1.869 cơ sở kinh doanh thực phẩm, ý thức tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở nhỏ lẻ chưa cao. Thực hiện mô hình này, quận sẽ tăng tần suất kiểm tra, tập trung các cơ sở có nguy cơ mất ATTP cao và kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định. Tại quận Ðống Ða, việc tổ chức thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận và phường là vấn đề mới, không tránh khỏi lúng túng. Ðể khắc phục tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND quận Ðống Ða Phan Hồng Việt cho biết, quận đã hỗ trợ các phường đào tạo thanh tra viên, đào tạo cán bộ lấy mẫu xét nghiệm thực phẩm. Thời gian tới, quận sẽ kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thí điểm tại tất cả các phường để kịp thời khắc phục.

Tương tự, quận Hai Bà Trưng đã ban hành kế hoạch thanh tra chuyên ngành ATTP đến hết năm 2019. Ðại diện UBND quận Hai Bà Trưng cho biết, quận đặt chỉ tiêu số cơ sở được thanh tra hằng năm đạt 25% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do quận quản lý và đạt 50% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do phường quản lý. Ðại diện các quận, huyện khác như Bắc Từ Liêm, Hà Ðông, Hoài Ðức và thị xã Sơn Tây… cũng cho biết, trong thời gian tới, cùng với hỗ trợ của thành phố, các địa phương sẽ hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hoạt động thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các xã, phường, thị trấn.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, qua ba năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 10 quận, huyện và 20 xã, phường, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực. Qua tổng kết hằng năm, Hà Nội đã rút kinh nghiệm để khắc phục khó khăn, bất cập. Từ đầu năm 2019 đến nay, thành phố tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để triển khai mô hình này tại tất cả 30 quận, huyện và 584 xã, phường. Hiện tất cả các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã có đủ công chức, viên chức để thành lập từ một đến hai đoàn thanh tra với hơn 3.000 người. Tất cả các tuyến đã ban hành kế hoạch thanh tra chuyên ngành ATTP từ ngày 10-7 đến 31-12-2019.

Ðể triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP đạt kết quả tốt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Công tác ATTP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các quận, huyện, xã, phường cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các đơn vị, kịp thời phát hiện các vướng mắc, phát sinh để có biện pháp khắc phục. Duy trì đường dây liên lạc, tư vấn hỗ trợ nghiệp vụ cho các đoàn thanh tra trong những tình huống cụ thể. Theo ông Hiền, tuyến quận, huyện phải kiểm tra được ít nhất 25%; tuyến xã, phường kiểm tra 50% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo kế hoạch. "Việc thanh, kiểm tra phải thực chất, cơ sở nào vi phạm cần xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe" - ông Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh.

Về phía Bộ Y tế, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên cho rằng, đây là mô hình rất cần thiết trong bối cảnh tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Tuy nhiên, các địa phương cần làm quyết liệt, tăng cường thanh tra trên tất cả các tuyến, nhưng tránh chồng chéo và không được gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Ông Nhiên đánh giá, tại Hà Nội sau khi thực hiện mô hình này, những chuyển động trong hoạt động thanh tra cũng như trong công tác ATTP đã đạt được những kết quả khá rõ nét. Chất lượng ATTP của hàng nghìn cơ sở tại các xã, phường triển khai thí điểm đã được kiểm tra qua hoạt động nghiệp vụ của hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. "Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của hoạt động thanh tra không chỉ dừng ở con số cơ sở, hay số tiền xử phạt. Về lâu dài, hoạt động này, mô hình này phải hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm có thể xảy ra trong lĩnh vực ATTP, tạo ra môi trường hoạt động kinh doanh thực phẩm tôn trọng luật pháp, lành mạnh. Muốn như vậy, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP phải đáp ứng hai yêu cầu: Nghiêm minh và bền bỉ!" - ông Nguyễn Văn Nhiên cho biết thêm.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Hà Nội đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức, kỹ năng về ATTP. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND chính quyền các cấp là người giám sát thực thi thanh tra chuyên ngành ATTP. Trường hợp cần thiết sẽ giao cho một bộ phận chức năng hoặc cá nhân cụ thể thực hiện nhiệm vụ giám sát.