Hợp tác xây dựng Thành phố sáng tạo

Việc Hà Nội được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo là cơ hội để thành phố phát huy các nguồn lực, nhất là nguồn lực văn hóa trong phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, do ngân sách còn hạn chế, bản thân các nguồn lực văn hóa chủ đạo như: Di sản, làng nghề, không gian sáng tạo đều gặp nhiều khó khăn, hợp tác công - tư sẽ góp phần giải quyết vấn đề đó. Trong đó, hợp tác giữa Tập đoàn Sovico với các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam trong phát triển Hà Nội thành Thành phố sáng tạo là một điển hình. 

Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam với đại diện Tập đoàn Sovico. Ảnh: HƯƠNG THẢO
Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam với đại diện Tập đoàn Sovico. Ảnh: HƯƠNG THẢO

Hà Nội là thành phố di sản với khoảng 6.000 di tích và 1.800 di sản văn hóa phi vật thể, là địa bàn tập trung nhiều làng nghề nhất cả nước, với 1.350 làng nghề các loại. Đồng thời, với khoảng 120 không gian sáng tạo, Thủ đô cũng là địa phương đi đầu cả nước trong phát triển các không gian sáng tạo. Những năm qua, Hà Nội dành nhiều nguồn lực, xây dựng chính sách để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Đây là yếu tố khiến thành phố được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo trên thế giới ở lĩnh vực thiết kế. 

Tuy nhiên, do số lượng di sản đồ sộ, kinh phí còn hạn hẹp, cho nên việc tu bổ, tôn tạo luôn gặp khó khăn. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng trong tình trạng tương tự, khi nhiều di sản có nguy cơ mai một. Các không gian sáng tạo là mô hình được rất nhiều người quan tâm vì góp phần thúc đẩy văn hóa cộng đồng, tạo ra môi trường bảo tồn, phát huy, sáng tạo di sản, sáng tạo văn hóa trong cộng đồng. Song vấn đề đặt ra lớn nhất với các không gian sáng tạo hiện nay là nguồn lực. Theo nhà báo Trương Uyên Ly, chuyên gia nghiên cứu về không gian văn hóa sáng tạo, phần lớn không gian sáng tạo ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đều không tồn tại được quá 5 năm. Nhiều không gian có những đóng góp đáng kể cho xã hội, song, chỉ là những không gian “siêu nhỏ”. Đại diện một số không gian sáng tạo cho biết, chủ nhân của các không gian sáng tạo thường là nhà thiết kế, nghệ sĩ..., do đó, các không gian sáng tạo thường thiếu vốn, thiếu mặt bằng và gặp vướng mắc trong kinh doanh. Thành phố rất cần những cách làm mới, mô hình mới.

Trong bối cảnh ấy, việc Tập đoàn Sovico đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với ba cơ quan của LHQ tại Việt Nam, gồm UNESCO, UNIDO (Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ) và UN-Habitat (Chương trình Định cư con người của LHQ) xây dựng Hà Nội thành Thành phố sáng tạo được các chuyên gia đánh giá là sẽ góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay; đồng thời, mở ra hướng đi mới trong hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Đánh giá về sự hợp tác này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: “Việc Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo mới là bước khởi đầu. Chúng ta còn phải hiện thực hóa các cam kết khi tham gia mạng lưới. Tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, Hà Nội có cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức, do đó, cần sự hỗ trợ của các bên. Trong đó sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, hình thành hợp tác công - tư trong xây dựng Thành phố sáng tạo như hợp tác giữa các cơ quan của LHQ với Sovico là một điển hình”.

Bà Phạm Thị Phương Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sovico cho biết, thông qua hợp tác với các cơ quan của LHQ, Sovico sẽ hỗ trợ Hà Nội xây dựng Thành phố sáng tạo trên ba lĩnh vực chính: Di sản, làng nghề và các không gian sáng tạo. Trong đó, ưu tiên lực lượng thanh niên trên địa bàn Thủ đô, những người có nhiệt huyết và trí tuệ trong xây dựng Thành phố sáng tạo. 

Sau khi ký kết chương trình hợp tác, các bên sẽ triển khai một số hoạt động cụ thể như: Tổ chức Cuộc thi ảnh Hà Nội - Thành phố Thiết kế Sáng tạo; phối hợp Hanoia (không gian sáng tạo về nghệ thuật sơn mài) tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm đương đại mang tính ứng dụng cao có hàm lượng công nghệ, lấy cảm hứng từ di sản văn hóa và sử dụng chất liệu truyền thống; xây dựng mô hình thí điểm trung tâm sáng tạo trẻ để thúc đẩy hợp tác công - tư...

Là người trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Hà Nội vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: “UNESCO đề cao hợp tác công - tư trong xây dựng, phát triển Thành phố sáng tạo. Bởi thực tế hiện nay, tư nhân đóng vai trò ngày một lớn hơn trong các hoạt động kinh tế - văn hóa - xã hội. Thí dụ như trong cộng đồng không gian sáng tạo hiện nay, cá nhân và người dân là lực lượng tham gia chính. Hợp tác giữa Sovico và các tổ chức của LHQ trong thời gian tới sẽ tập trung cung cấp kiến thức, kỹ năng thông qua đào tạo, tạo “sân chơi” để các bạn trẻ thể hiện khả năng, nhất là thiết kế các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Những sản phẩm tốt sẽ được thương mại hóa. Đây là cách tiếp cận rất hay, hỗ trợ cho thanh niên trong lập nghiệp. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa - sáng tạo, thì cũng cần xây dựng, đổi mới một số cơ chế, chính sách để khuyến khích họ tham gia mạnh mẽ hơn”.