Tạo lập bản sắc đô thị Hà Nội

Thành phố Hà Nội đã xác định rõ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2025 là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhằm phát triển đô thị theo hướng thông minh, bền vững.  

Hà Nội đang đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng một số đô thị vệ tinh và đô thị thông minh tại khu vực ven đô và ngoại thành theo hướng đồng bộ, hiện đại. Do đó, việc xây dựng đô thị nội đô nên chú trọng vào việc tạo lập không gian sống chất lượng. Một trong những yếu tố mang lại điều đó là cần mở rộng không gian công cộng tại nội đô, nhằm giải quyết nhiều áp lực đang đè nặng. Hàng chục năm qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển đô thị hài hòa, nhưng xem ra, sự quá tải hạ tầng, dân số..., cho thấy cần  phải xem xét, đánh giá và có cái nhìn trực diện để quy hoạch, xây dựng đô thị khoa học hơn. Không thể xây dựng tòa nhà cao tầng theo kiểu "xen cấy", mà phải tạo ra những khu đô thị đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và không gian công cộng, đáp ứng nhu cầu của cư dân.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhận xét, quy hoạch đã góp phần làm thay đổi bộ mặt Hà Nội theo chiều hướng hiện đại hơn, tuy nhiên, công tác quản lý quy hoạch của Hà Nội vẫn còn bất cập. Công tác quy hoạch đô thị là cả một quá trình, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Thí dụ như cần mở rộng đường, làm bãi xe ngầm, trồng thêm cây xanh, xây trường học..., nhằm giảm tải áp lực, xây dựng đô thị Hà Nội bền vững. Việc bố trí các khu vui chơi dành cho các hoạt động sáng tạo của cộng đồng, không gian công cộng nên được xem xét mỗi khi tiến hành quy hoạch, xây dựng bất kỳ một khu vực đô thị mới nào. Hà Nội có rất nhiều nhà máy cần phải di dời để giảm ô nhiễm nội đô, dành thêm diện tích cho không gian công cộng, không gian sáng tạo, như ở khu vực dọc đường Nguyễn Trãi, nơi tập trung các nhà máy cao-su, xà-phòng, thuốc lá. Nếu có thể biến thành địa điểm dành cho các không gian sáng tạo và công viên cây xanh sẽ giúp cho khu vực này trở nên đáng sống hơn.

Mấy năm gần đây, tiện ích được xem như giá trị quan trọng để thu hút khách mua nhà ở. Do vậy, nếu có không gian công cộng dựa trên một phần di sản công nghiệp trở thành hạt nhân, là điểm nhấn làm nên nét khác biệt của khu đô thị mới hình thành, chắc chắn ngoài những giá trị về văn hóa mà cộng đồng được thụ hưởng sẽ còn mang lại giá trị gia tăng kinh tế cho chính các khu đô thị đó. Một chuyên gia thuộc Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, tại các đồ án quy hoạch phân khu nội đô do đơn vị thực hiện đều xác định quỹ đất di dời nhà máy để xây trường học, không gian công cộng, cây xanh và một phần hỗn hợp… Tuy nhiên, thực tế để biến các nhà máy cũ, các di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo rất cần truyền thông tốt để thay đổi nhận thức cộng đồng.

Nguyên Viện trưởng Bảo tồn di tích Lê Thành Vinh nhìn nhận, Hà Nội thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp ra khu vực ngoại vi và đã có điểm làm rất tốt như khu Nhà máy dệt 8-3 trở thành Khu đô thị Times City, giải quyết được nhu cầu của người dân về chỗ ở, cải thiện điều kiện sống tốt hơn. Tuy nhiên, xét quy hoạch tổng thể, không nên lạm dụng việc chuyển đổi các khu công nghiệp thành nhà chung cư. Nếu trong quá trình chuyển đổi, kết hợp giải quyết hài hòa giữa nhu cầu trước mắt với lợi ích lâu dài của cộng đồng, chúng ta sẽ tạo được sự cân bằng về không gian đô thị, tạo nên cuộc sống mới tốt hơn đối với cư dân đô thị. Quy hoạch đô thị sẽ có hướng mở kết tinh giữa truyền thống, hiện đại để tạo ra bản sắc đô thị Hà Nội.