Tin đồn nguy hại

Như thường lệ, cứ sau buổi tập thể dục quanh hồ, những người cao tuổi lại nghỉ chân trên ghế đá để hóng gió và tán chuyện. Hầu hết các ông, các bà đều được con cái sắm cho điện thoại di động đời mới, cứ lúc rỗi việc lại truy cập in-tơ-nét để đọc báo, xem tin tức hoặc vào zalo, lên facebook “chát chít” với bạn bè, người thân. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại, họ lại truyền nhau những thông tin nóng hổi. Buổi sáng qua, một bà khoe mới biết được nhân thân một bệnh nhân nhiễm Covid-19. Một bà khác thì kể mấy cách chống "cô-vít" như uống rượu, uống nước sôi hoặc tắm nước nóng... để phòng dịch như mấy thông tin mới có trên mạng. 

Người duy nhất im lặng, không góp chuyện là ông Kim. Tưởng chừng như người ngoài cuộc, nhưng ông vẫn nghe hết mọi chuyện. Lúc này, ông Kim mới khẽ khàng lên tiếng: “Ta cứ đổ cho lớp trẻ thích tung tin, dựng chuyện để câu view, câu like. Nhưng nói thật, không ít người lớn, người cao tuổi cũng vô tình tiếp tay, làm lan truyền tin đồn thất thiệt ra cộng đồng nhanh hơn, nguy hại hơn cả dịch "cô-vít" đấy”. Ông biết quanh mình không ít người đã quen với việc truyền tin thiếu chính xác, khó có thể thay đổi, từ bỏ thói quen xấu này một sớm một chiều ngay được. Tuy vậy, chẳng lẽ ông và những người khác cứ im lặng, không lên tiếng trước tình trạng đáng lo ngại này sao?