Nâng cao hiệu quả quản lý trật tự xây dựng đô thị

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quản lý, tổ chức bộ máy, biên chế TP Hà Nội mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất trình Chính phủ tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị (QLTTXDĐT) cấp huyện như hiện nay. Thời gian triển khai thí điểm ba năm, kể từ ngày 10-8-2020. 

Trước đó, Hà Nội thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị theo Nghị định 26/2013/NĐ - CP của Chính phủ  về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành xây dựng. Theo Nghị định này, Thanh tra Sở Xây dựng tổ chức các đội đặt tại địa bàn các quận, huyện, thị xã. Thực tế qua một thời gian triển khai, mô hình này mang lại hiệu quả, nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế. Tháng 8-2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý thí điểm triển khai Đội QLTTXDĐT trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, với thời hạn hai năm. 

Sau gần hai năm thực hiện công tác tổ chức theo mô hình mới, các Đội QLTTXDĐT đã phát huy hiệu quả tốt hơn so với mô hình Thanh tra Sở Xây dựng tổ chức các đội đặt tại địa bàn cấp huyện. Các đội bám sát địa bàn hơn, nhanh chóng nắm bắt những vụ vi phạm trên địa bàn để xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Trách nhiệm của các đội cũng được ràng buộc chặt chẽ với chính quyền các quận, huyện, thị xã. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị. Tỷ lệ công trình xây dựng được cấp phép tăng, trong khi đó, tỷ lệ xây dựng trái phép, sai phép giảm. Điển hình như năm 2019, các Đội QLTTXDĐT đã tiến hành kiểm tra 19.697 công trình (đạt 100% số công trình). Tỷ lệ công trình có phép, miễn phép ngày càng tăng so với giai đoạn trước, chiếm 98,4%. Lực lượng chức năng đã xử lý hồ sơ vi phạm đối với 589 trường hợp vi phạm, giảm 2,15% so với cùng kỳ năm 2018. Đội QLTTXDĐT đã tham mưu cho UBND cấp huyện, cấp xã xử lý dứt điểm 393 trường hợp vi phạm, đạt tỷ lệ 78%. Việc các Đội QLTTXDĐT bám sát địa bàn còn ngăn chặn được những vụ sai phạm lớn đến mức phải cưỡng chế tháo dỡ, gây thiệt hại kinh tế cho cả chính quyền và nhân dân.

Thực tế này cho thấy, việc tiếp tục triển khai mô hình Đội QLTTXDĐT  thuộc UBND cấp huyện là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để mô hình này phát huy tối đa vai trò trong quản lý xây dựng. Dư luận vẫn băn khoăn, ở một số địa bàn, Đội QLTTXDĐT xuất hiện với cường độ “quá dày” ở các công trình xây dựng, gây phiền phức cho chủ đầu tư và nhân dân. Không ít trường hợp nâng tầng, cơi nới sai so với thiết kế chưa được xử lý triệt để. Tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp chưa chấm dứt. Thậm chí, sai phạm còn xảy ra ở một số dự án lớn, chủ đầu tư xây thô xong mới làm việc với các cơ quan chức năng như: Khu nhà ở xã hội tại ô đất NO3, NO4 Khu đô thị Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì); dự án nhà ở cho cán bộ thu nhập thấp của Bộ Tài chính (quỹ đất 20%) tại ô đất NO5 cũng tại Khu đô thị Tứ Hiệp; dự án nhà ở xã hội Hope Residences (quận Long Biên)...

Để khắc phục tình trạng này, UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Xây dựng cần chỉ đạo sát sao hơn, phối hợp kiểm tra hoạt động của các Đội QLTTXDĐT, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, bao che hoặc thiếu trách nhiệm trong xử lý sai phạm. Khi các Đội QLTTXDĐT hoạt động hiệu quả, minh bạch thì công tác quản lý trật tự xây dựng mới được bảo đảm.