Người đầu tiên tự nguyện hiến giác mạc ở Việt Nam

Cụ Nguyễn Thị Hoa, 81 tuổi.
Cụ Nguyễn Thị Hoa, 81 tuổi.

Giác mạc của người hiến tặng đã đem lại ánh sáng cho hai người mù là chị Nguyễn Thị Khuy, 40 tuổi, người cùng làng với cụ Hoa và chị Lê Thị Tuyết, 23 tuổi ở Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Với sự nhất trí từ trước của cụ Hoa và chín người con trong gia đình nên ngay sau khi cụ Hoa qua đời gia đình đã thông báo ngay cho Bệnh viện Mắt trung ương. Các kỹ thuật viên Nguyễn Hữu Hoàng và Bùi Hồng Sơn của Bệnh viện đã thực hiện việc lấy giác mạc của cụ Hoa một cách nhanh chóng và an toàn với sự chứng kiến của đại diện thôn và gia đình.

Ông Trần Văn Bình, trưởng thôn kiêm phó trương của xã Cồn Thoi, người chứng kiến hôm đó cho biêt: "Giác mạc được lấy chỉ là lớp màng trong suốt nằm ở ngoài cùng của mắt, phía trước lòng đen. Việc thực hiện hoàn toàn không ảnh hưởng tới khuôn mặt cũng như đôi mắt của người quá cố, không ảnh hưởng đến việc tổ chức tang lễ của gia đình. Tôi hòan toàn yên tâm về việc này".

Ngay sau đó, Bệnh viện Mắt Trung ương đã phẫu thuật ghép giác mạc cho bệnh nhân Lê Thị Tuyết vào ngày 6-4 và bệnh nhân Nguyễn Thị Khuy vào ngày 10-4. Họ đều bị bệnh giác mạc, chờ ghép đã lâu và đều là lao động chính trong gia đình.

Chị Khuy nhìn thấy ánh sáng sau một tháng ghép giác mạc do cụ Hoa hiến tặng.

Chị Khuy là người cùng làng với cụ bà Hoa nhưng theo gia đình vào sống tại xã Dray Bhăng, huyện Krông Ana, Đắc Lắc với nghề trồng cà phê từ năm 1979. Từ năm 2000 chị bị viêm giác mạc dẫn đến hỏng giác mạc mắt trái. Đến nay, sau khi ghép giác mạc được một tháng, mắt của chị Khuy đang dần ổn định. Có mặt tại nhà của người hiến tặng giác mạc cho mình, bây giờ chị có thể nhìn rõ hơn và bắt đầu làm những công việc nhẹ nhàng. Chị Khuy sẽ được khám lại vào đầu tuần tới và tiếp tục theo dõi, điều trị trong vòng sáu tháng nữa.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Minh Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Trưởng khoa Kết - Giác mạc, cán bộ phụ trách Y tế của Ngân hàng mắt, hiện nay có hơn 500 người có các bệnh lý về giác mạc đăng ký chờ được ghép giác mạc tại khoa. Trong số hơn một triệu người mù ở Việt Nam, có tới 300.000 người mù do các bệnh lý về giác mạc. Mỗi năm con số này lại tăng thêm 15.000 người. Trong khi đó nguồn giác mạc duy nhất của Ngân hàng mắt là từ sự tài trợ của Tổ chức ORBIS quốc tế thông qua Dự án "Nâng cao năng lực điều trị các bệnh giác mạc bằng ghép giác mạc" từ năm 2005 chỉ đủ để thực hiện phẫu thuật cho khoảng 100 bệnh nhân/ năm.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế ORBIS nói: "Cụ Hoa là người Việt Nam đầu tiên tự nguyện hiến giác mạc cho Bệnh viện Mắt trung ương. Đây là hai trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được ghép giác mạc từ chính giác mạc của người Việt Nam. Hy vọng nghĩa cử cao đẹp của bà và gia đình không chỉ là việc làm đơn lẻ mà là tấm gương cho nhiều người học tập".

Cụ Nguyễn Thị Hoa, 81 tuổi.

Trong buổi lễ trao tặng Bằng ghi nhận “Nghĩa cử cao đẹp” cho gia đình cụ bà Nguyễn Thị Hoa, Linh mục Đoàn Minh Hải, phụ trách giáo xứ Cồn Thoi với 8.300 giáo dân nói: "Tôi thấy hành động của cụ bà Hoa và gia đình thật ý nghĩa. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc hiến tặng giác mạc để cứu giúp bệnh nhân nghèo. Cần có thời gian để bà con công gíao hiểu được việc này. Nếu thông suốt thì Ngân hàng mắt sẽ được bổ sung nguồn giác mạc".

Cồn Thoi là xã luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương. Từ nghĩa cử cao đẹp của cụ bà Hoa, ông Tống Quang Sự, Bí thư đảng ủy xã Cồn Thoi mong muốn xã Cồn Thoi bày tỏ, huyện Kim Sơn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung là đơn vị đi đầu trong công tác tuyên truyền việc hiến giác mạc.

Theo ông Đoàn Văn Thoại, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình, đầu tháng 6 tới, Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ phối hợp với Trung tâm Mắt của tỉnh tổ chức một đợt khám mắt miễn phí cho người dân xã Cồn Thoi.

Ghép giác mạc, niềm hy vọng của những người mù

Giác mạc là lớp màng trong suốt nằm ở ngoài cùng của nhãn cầu, phía trước lòng đen. Giác mạc được ví như cửa sổ của căn phòng đón ánh sang từ bên ngoài vào. Tổn thương trên giác mạc có thể xảy ra với bất cứ ai và ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân có thể là do: viêm loét giác mạc, giác mạc hình chóp, loạn dưỡng giác mạc di truyền, bỏng mắt, chấn thương...

Ghép giác mạc là sự thay thế giác mạc bị mờ đục bằng giác mạc lành trong suốt, giúp bệnh nhân nhìn tốt hơn. Ghép giác mạc là phẫu thuật cấy ghép được thực hiện tại Việt Nam hơn 50 năm qua với tỷ lệ thành công cao. Hiện nay, ghép giác mạc được coi là phẫu thuật đem lại hiệu quả cao trong việc chữa trị cho các bệnh nhân bị bệnh về giác mạc.

Giác mạc dùng để thay thế cho bệnh nhân được lấy từ những người tình nguyện hiến tặng mắt sau khi họ qua đời. Bất cứ ai cũng có thể hiến tặng giác mạc khi qua đời. Những người cao tuổi, người có thị lực kém và ngay cả những người mắc bệnh nan  y như ung thư hay đái tháo đường... vẫn có thể hiến tặng giác mạc.

Việc thu nhận giác mạc được tiến hành nhanh chóng, không hề ảnh hưởng đến kế hoạch tổ chức tang lễ của gia đình người hiến. Kỹ thuật viên  chỉ bóc lớp giác mạc mỏng phía trước của mắt nên hoàn toàn không làm ảnh hưởng dến khuôn mặt của người quá cố.

Giác mạc được lấy trong vòng 6 giờ, sau đó được kiểm tra huyết thanh loại trừ các bệnh có thể lây truyền qua đường máu như viêm gan B và C, HIV... Ngân hàng Mắt sẽ thu nhận, bảo quản giác mạc trước khi phân phối cho người bệnh cần ghép.

Giác mạc được hiến tặng là một món quà vô giá. Việc hiến tặng giác mạc là một hành động mang ý nghĩa nhân đạo cao cả. Người hiến tặng giác mạc sẽ được ghi danh, thân nhân của người hiến tặng sẽ được ưu tiên trong việc khám chữa mắt và được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ mắc bệnh về giác mạc cần phải thay thế.

Hiện nay, nguồn giác mạc để ghép rất khan hiếm, vì vậy người bệnh chờ ghép có thể nhận được giác mạc để ghép từ chính những người thân trong gia đình, họ hàng không may qua đời. Trong trường hợp này, cần báo ngay cho nhân viên Ngân hàng Mắt để kịp thời tiến hành lấy và bảo quản giác mạc đúng kỹ thuật.
Mọi tư vấn và thủ tục, xin liên hệ Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt trung ương, 85 Bà Triệu, Hà Nội. Điện thoại: 04.9454799.