Xe buýt ở Ðồng Tháp xuống cấp trầm trọng

Nhiều năm qua, hành khách vô cùng khổ sở khi phải di chuyển trên các tuyến xe buýt ở Ðồng Tháp. Không chỉ thường xuyên hư hỏng dọc đường, chất lượng xe, cũng như cung cách phục vụ của lái xe đều rất kém. Ðiều đáng nói ở đây là nhiều xe buýt đã hết hạn khai thác từ lâu nhưng vẫn được tỉnh Ðồng Tháp cho gia hạn, gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

Hầu hết xe buýt đang hoạt động ở Ðồng Tháp đều đã xuống cấp.
Hầu hết xe buýt đang hoạt động ở Ðồng Tháp đều đã xuống cấp.

Chất lượng phục vụ yếu kém

Chúng tôi có mặt ở bến xe buýt của TP Cao Lãnh nằm trên địa bàn phường 1 và chọn đi tuyến Cao Lãnh - thị xã Hồng Ngự. Ngồi chờ tầm 20 phút, lái xe thông báo hành khách lên xe để khởi hành. Chúng tôi cùng hơn chục hành khách vội vã lên xe tìm cho mình một chỗ ngồi. Thế nhưng gần 20 phút sau xe vẫn chưa chạy, trên xe không có quạt, điều hòa, mồ hôi nhiều người đẫm lưng áo. Một chị đang bồng con nói trong bức xúc: "Chạy đi bác tài, bé đổ mồ hôi, khó chịu quá trời rồi". Phía trên, lái xe vẫn ngồi thản nhiên bảo: "Chờ chút, đang đợi hàng". Tầm 5 phút sau mới có người chở bốn thùng hàng tới. Ðó là những thùng cua biển, đều khoét lỗ để cua "thở". Một hành khách nam phàn nàn: "Hôi quá, cua để trên xe vầy sao chịu nổi". Nghe vậy, một phụ xe vênh mặt quát: "Hôi gì, cua chứ gì mà hôi!". Sau tiếng quát, hành khách trên xe sợ xảy ra chuyện không hay cho nên ai cũng ngồi im. Nhiều người chịu không nổi mùi hôi, phải thường xuyên dùng tay bịt mũi. Cứ ngỡ có hàng là xe chạy. Thế nhưng lái xe cho xe nán lại gần chục phút để điện thoại đôi co với chủ gửi hàng, nguyên nhân là do phí gửi hàng hôm nay ít hơn những ngày trước.

Do không có quạt và điều hòa cho nên suốt chuyến đi, tất cả cửa kính xe phải mở bung, khiến bụi đường bay tứ tung vào trong xe. Anh Phước, một hành khách quê tỉnh Vĩnh Long đi về thị xã Hồng Ngự, thường xuyên đi tuyến này cho biết, việc vận chuyển hàng hóa số lượng lớn chất đầy xe buýt đã diễn ra thường xuyên, suốt một thời gian dài. "Tôi hay đi công chuyện về Ðồng Tháp, thấy xe buýt ở đây quá tệ. Xe buýt gì mà chất đầy hàng hóa. Có cả tỏi, tương cà, tương xay, cua hôi chịu không nổi, nhồi nhét vào mấy chỗ trống dưới ghế, khiến khách không có chỗ để chân. Cộng thêm đường sá ở Ðồng Tháp rất xấu, mà đi xe buýt vậy rất mệt".

Xe buýt Ðồng Tháp xuống cấp, cung cách phục vụ của nhân viên cũng không tạo thiện cảm cho hành khách. Ðó không chỉ là chuyện phóng viên ghi lại được trên một trong những chuyến xe buýt đang chạy hằng ngày. Mà đó còn là nỗi bức xúc rất nhiều người dân đã nêu trong những lần các đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Ðồng Tháp tiếp xúc cử tri. Mới đây, tại một kỳ họp thường kỳ do UBND tỉnh Ðồng Tháp tổ chức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ðồng Tháp Phạm Văn Hòa chia sẻ: "Ði rất nhiều nơi, trong các buổi tiếp xúc cử tri, người dân phản ánh xe buýt của Ðồng Tháp quá tệ so với nhiều địa phương khác. Tôi thay mặt cử tri nêu vấn đề lên UBND tỉnh để UBND tỉnh có những chấn chỉnh đối với phương tiện này".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số tuyến xe buýt hết thời hạn khai thác, thế nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng lại ký văn bản cho chủ trương cho gia hạn thời gian khai thác. Phóng viên đã liên hệ UBND tỉnh, đặt lịch hẹn đồng chí Nguyễn Thanh Hùng để tìm hiểu nguyên nhân vụ việc này và được lãnh đạo tỉnh hướng dẫn liên hệ Sở Giao thông vận tải (GTVT) Ðồng Tháp để nắm thông tin. Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Ðồng Tháp Lê Hoàng Bảo, trong thời gian qua có ba tuyến xe buýt hết hạn đã được cơ quan thẩm quyền gia hạn, trong đó hai tuyến Bắc Cao Lãnh - An Hữu và Cao Lãnh - Trường Xuân của Hợp tác xã VTTB Tháp Mười được cơ quan quản lý tuyến cho gia hạn tạm thời vì đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị khai thác mới (hết hạn ngày 21-4-2018). Riêng đối với tuyến TP Cao Lãnh - thị xã Hồng Ngự của Công ty cổ phần vận tải Châu Mỹ được UBND tỉnh cho gia hạn đến hết ngày 31-12-2020 để công ty tạm thời cân đối thu chi giữa hai tuyến mà đơn vị đang khai thác và thanh quyết toán khoản nợ ngân hàng của Công ty cổ phần Quốc Ðạt để lại khi tiếp nhận tuyến từ năm 2012.

Tìm hướng khắc phục

Liên quan việc nhiều hành khách đánh giá hệ thống xe buýt ở Ðồng Tháp đang xuống cấp, ông Lê Hoàng Bảo khẳng định, việc đánh giá của hành khách là đúng với thực tế. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động xe buýt vì hiện nay một số tuyến xe buýt đang ở cuối giai đoạn giao tuyến, một số tuyến đã được cơ quan quản lý gia hạn tạm thời và đang thực hiện thủ tục lựa chọn đơn vị khai thác mới... Một nguyên nhân khác là công tác quản lý của các đơn vị kinh doanh vận tải chưa được quan tâm đúng mức như: việc chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên phương tiện hằng ngày, việc theo dõi nhắc nhở và chấn chỉnh của đơn vị khai thác tuyến,… Ngoài ra, kết cấu hạ tầng một số tuyến đường xuống cấp đang trong giai đoạn đầu tư, nâng cấp, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động phương tiện. Mặt khác, các phương tiện hoạt động trên tuyến còn thời hạn đăng kiểm, cũng như các tuyến này còn thời hạn giao tuyến của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, việc chấm dứt thời gian khai thác trước thời hạn (đối với những xe buýt vừa gia hạn - PV) phần nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và mưu sinh của các chủ phương tiện khi họ đầu tư số tiền tương đối lớn để đưa phương tiện vào khai thác trên tuyến trong thời gian qua.

Xe buýt là phương tiện vận tải công cộng hoạt động nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của hành khách. Vậy mà loại phương tiện này ở Ðồng Tháp lại đang trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân trong, ngoài tỉnh. Tỉnh Ðồng Tháp bắt đầu phát triển và đưa xe buýt vào khai thác kể từ năm 2006. Quy mô hoạt động lúc đầu với ba tuyến xe buýt, được UBND tỉnh giao cho Công ty cổ phần Quốc Ðạt độc quyền khai thác và chấm dứt độc quyền khai thác kể từ tháng 10-2010. Thời gian này, xe buýt của Công ty cổ phần Quốc Ðạt cũng bị hành khách nhiều lần phản ánh chất lượng phục vụ kém, xe buýt xuống cấp.

Hiện nay mạng lưới xe buýt tỉnh Ðồng Tháp hình thành trên các trục chính của tỉnh, kết nối khu vực trung tâm với các huyện, thị xã và các tỉnh lân cận trong khu vực với tám tuyến xe buýt do hai đơn vị kinh doanh vận tải khai thác với tổng số hơn 80 phương tiện, trong đó Hợp tác xã VTTB Tháp Mười khai thác sáu tuyến, hai tuyến còn lại do Công ty cổ phần vận tải Châu Mỹ khai thác. Các đơn vị kinh doanh vận tải xe buýt xây dựng và kê khai giá cước, được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và tự cân đối trong hoạt động. Nhà nước đầu tư về kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động xe buýt như: trạm dừng, nhà chờ, vạch dừng đỗ xe,… Tỉnh Ðồng Tháp không có chính sách trợ giá xe buýt. Tuy nhiên, hiện nay UBND tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ như: miễn, giảm tiền thuê đất để xây dựng hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phương tiện vận tải; hỗ trợ giá vận chuyển đối với tuyến cửa khẩu, tuyến mới mở và miễn, giảm giá vé cho một số đối tượng,… được áp dụng từ đầu năm 2019 đến nay.

Xe buýt xuống cấp thì đã rõ và không thể để những xe buýt kém chất lượng, xuống cấp tiếp tục phục vụ hành khách. Trước thực tế này, tỉnh Ðồng Tháp cần sớm lựa chọn đơn vị vận tải có năng lực, đưa xe buýt mới, chất lượng cao vào khai thác các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần tăng cường việc tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các lỗi sai phạm của hoạt động xe buýt. Suốt một thời gian dài, xe buýt ở Ðồng Tháp hoạt động kém chất lượng, người dân phản ánh rất nhiều lần trong các buổi tiếp xúc cử tri nhưng UBND tỉnh không đưa ra được những giải pháp căn cơ để xử lý. Thế nhưng, khi nhận được công văn của Sở GTVT Ðồng Tháp về việc gia hạn khai thác một số tuyến xe buýt thì lãnh đạo UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho gia hạn thời gian khai thác tuyến. Không thể chỉ vì ảnh hưởng đến việc kinh doanh và lợi ích kinh tế của đơn vị vận tải mà để hành khách tiếp tục phải "chịu trận" trên những chiếc xe buýt kém chất lượng.