Viết tiếp tình sử dưới chân núi Mẹ

Người Cơ Ho ở huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) gọi Lang Bian của họ là đỉnh núi Mẹ. Núi không chỉ là núi, đó là biểu tượng thiêng liêng, nơi khởi nguồn cho những cảm xúc và khát vọng của cư dân bản địa. Câu chuyện ngắn kể dưới chân núi hôm nay là huyền thoại mối tình vĩnh cửu trong ký ức tộc người, và câu chuyện tình mới như mạch tiếp nối thiên tình sử xưa cha ông viết dở. Chuyện nàng Ka Lang và chàng Ha Bian ngày xưa thật buồn, còn chuyện mới của cô gái Cơ Ho Cơliêng Rolan và chàng trai người Mỹ Gio-sơ Ghi-ke-ma là những dòng kể vui tươi...

Núi Lang Bian.
Núi Lang Bian.

1. Buôn B’Neur, buôn Đăng Ya, buôn Đưng... ở cả xã Lát và thị trấn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cách không xa ngọn núi mang tên Lang Bian. Cả mấy buôn cùng thoai thoải liền kề thung lũng dưới chân núi huyền thoại. Nhiều người già ở miền sơn cước này nói rằng, lâu lắm rồi mỏi gối, chồn chân không còn được leo lên núi như thời trai trẻ, sáng sáng ngước mắt nhìn lên hai chóp đỉnh như hai bầu vú của Ủr Yàng (tiên nữ) mà thấy nhớ vô cùng. Không nhớ làm sao được. Ngọn núi ấy đã trở thành máu thịt của cư dân nơi này, đã cho họ vồng ngực căng, giọng nói âm vang và lưu giữ ngọn lửa tâm linh sáng mãi từ hàng ngàn đời nay. 

Viết tiếp tình sử dưới chân núi Mẹ -0

Vợ chồng Cơliêng Rolan - Gio-sơ Ghi-ke-ma và sản phẩm Cơ Ho Coffee. 

Trong không gian ấm áp của một đêm dừng chân ở buôn B’Neur, tôi từng được nghe huyền thoại Lang Bian từ chính miệng già làng Pantinh Bốr kể: 

Chuyện cũ: Ngày xưa, ở vùng La Ngư Thượng (phía bắc tỉnh Lâm Đồng ngày nay) có hai bộ tộc lớn là Lát và Srê. Tộc Lát có người tù trưởng trẻ tên Ha Bian. Ha Bian đẹp như thân cây rừng trên đỉnh núi, dũng cảm trước phong ba, nhân hậu với cả loài thảo mộc. Còn tộc Srê có nàng Ka Lang là con gái của tù trưởng Jrềnh. Nàng xinh đẹp mà dịu dàng, thông minh mà khiêm nhường. Những ngày Ka Lang vào rừng hái hoa lượm quả, cây cỏ như thắm thiết và tươi vui hơn. Sau lần dũng sĩ Ha Bian giết rắn hổ tinh bên suối Datanla để cứu Ka Lang, đôi trai tài gái sắc đã bén duyên tình. Họ hẹn hò nhau, gặp gỡ nhau trong những đêm trăng sáng trên khắp các núi rừng xứ La Ngư Thượng. Khi tình yêu đã cháy nồng như lò lửa, Ka Lang quyết định bắt Ha Bian làm chồng. Cây cỏ và muông thú nghe tin vui đã chuẩn bị làm lễ cưới cho đôi tình nhân ấy. Nhưng đám cưới không thành vì tù trưởng Jrềnh không cho phép họ vượt qua những tập tục truyền kiếp và thù oán không đội trời chung giữa hai bộ tộc. 

Vượt qua khổ đau, vượt qua nước mắt, đôi trai tài, gái sắc quyết định tìm đến cái chết bên nhau. Ha Bian và Ka Lang ngồi lặng yên trên đỉnh núi. Mưa rừng tầm tã, bão nổi sấm rền. Từ lúc trăng lên như lưỡi liềm đến khi trăng tròn thì hai người trút hơi thở cuối cùng. Sương phủ trắng một vùng, cao nguyên khoác bộ áo tang ảm đạm. Muông thú, đất trời và con người của nhiều bộ tộc đã tiễn đưa linh hồn của họ. Thù hận được xóa đi, những con người của nhiều bộ tộc cùng tụ lại bên nhau. Họ đã lấy ngọn núi K’Bùng làm nơi mai táng hai người, ngôi mộ ấy cứ mỗi ngày mỗi lớn. Cũng từ ấy ngọn núi được mang tên của đôi trai tài gái sắc - núi Lang Bian, để truyền lại cho đời câu chuyện về mối tình của chàng Ha Bian và nàng Ka Lang...

Viết tiếp tình sử dưới chân núi Mẹ -0
 Vợ chồng Cơliêng Rolan và Gio-sơ Ghi-ke-ma.

2. Huyền thoại về mối tình vĩnh cửu chứa mỹ cảm bi kịch của nàng Ka Lang và chàng Ha Bian đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm tâm linh cư dân cao nguyên qua suốt tháng năm dài. Họ coi đó là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng niềm tự hào về mạch nguồn văn hóa chảy mãi trong ký ức các tộc người cư trú ngàn đời dưới chân núi Mẹ. Ngày xưa, đôi trai tài gái sắc Ka Lang và Ha Bian phải tìm đến cái chết bởi oán thù sắc tộc, mượn thân xác mình để hóa giải những định kiến truyền kiếp. Ngày nay, núi rừng rộng mở, ở xứ sở này có những mối tình vượt ra ngoài không gian đại ngàn. Tình sử mới đang được kể tiếp dưới chân đỉnh núi huyền thoại, như chuyện tình tuyệt đẹp giữa Cơliêng Rolan và Gio-sơ Ghi-ke-ma mà tôi sẽ kể sau đây:     

Chuyện mới: Dù đã có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ, nhưng máu phiêu lưu đã thôi thúc bước chân của Gio-sơ Ghi-ke-ma mang ba-lô chu du nhiều nơi trên thế giới. Năm 2009, Gio-sơ đến Việt Nam. Đó là lần đầu anh gặp sơn nữ người dân tộc Cơ Ho tên là Cơliêng Rolan trong một đêm lửa rừng khi rượu cần đã ngấm, vòng xoang đã mở. Vẻ đẹp hoang dã và bí ẩn của cô gái miền sơn cước Việt Nam đã làm trái tim của chàng trai người Mỹ thổn thức. Đó là cuộc gặp gỡ định mệnh để rồi một ngày anh trở thành chàng con rể ngoan hiền của buôn làng Cơ Ho. Về sống với gia đình Rolan, Gio-sơ đã bắt đầu nếm trải công việc của một nông phu ở xứ sở cà-phê, cùng mọi người chăm sóc, thu hái và nhất là hằng ngày được thưởng thức hương vị cà-phê Arabica nức tiếng thơm ngon chỉ ở độ cao 1.500 m trên xứ sở ba-dan này mới có. Ban đầu, bố mẹ Rolan chưa thật sự tin chàng trai “Tây” mà con gái dẫn về nhà giới thiệu. Nhưng sau một thời gian, thấy người thanh niên mắt xanh, da trắng sống như người bản xứ và không ngại ngần vào vườn cà-phê tỉa cành, cuốc cỏ, bố mẹ Rolan mới dần xiêu lòng trước mối tình vượt biên giới của cô con gái yêu và chàng trai đến từ bên kia bán cầu. Đầu năm 2014, đám cưới của họ đã được tổ chức ở buôn B’Neur, thị trấn Lạc Dương. Gio-sơ đã chính thức tạm biệt tiểu bang Mi-chi-gân, Mỹ để gắn bó cuộc đời mình với quê hương người vợ bản địa dưới chân núi Lang Bian huyền thoại. 

Là một kỹ sư nông nghiệp, ý định tạo thương hiệu cà-phê riêng cho buôn làng bắt đầu nhen nhóm. Và với quyết tâm của chàng rể Mỹ, Cơ Ho Coffee ra đời. Bước đầu, hơn 20 hộ đồng bào Cơ Ho bản địa đã trở thành cộng sự của Cơ Ho Coffee. Gio-sơ đã cùng bà con xây dựng quy trình trồng cà-phê sạch, thay vì bón phân hóa học, thuốc trừ sâu, anh hướng dẫn mọi người dùng phân hữu cơ; thay vì chế biến cà-phê khô, anh chế biến cà-phê quả tươi để nâng cao chất lượng, giữ hương vị tự nhiên ngay từ lúc quả chín lìa cành. Cà-phê Gio-sơ tạo ra không đen sẫm mà có mầu nâu sóng sánh, “như màu mắt của Rolan”, Gio-sơ nói. Cặp vợ chồng trẻ đã lấy tên tộc người để đặt tên cho thương hiệu của mình, để chuyển đi thông điệp rằng, đây là sản phẩm của những người Cơ Ho, chủ nhân của mảnh đất tốt tươi dưới chân núi Mẹ Lang Bian tạo ra. Đó cũng là cách để ghi dấu tình yêu của đôi trai gái đến với nhau từ hai đầu trái đất... 

Bây giờ thì vợ chồng Gio-sơ - Rolan và cậu con trai nhỏ tên là Li Hen-ri Cơliêng - kết quả của một tình yêu đẹp, đang sống trong căn nhà gỗ nhỏ xinh ấm áp do chính Gio-sơ thiết kế và xây dựng giữa vườn cà-phê Arabica xanh mát. Ngôi nhà của họ trở mặt về hướng núi Lang Bian. Nghe hỏi về niềm vui trong cuộc sống mới, Gio-sơ cười sảng khoái: “Tôi yêu vợ con tôi và mọi thứ ở miền đất này. Tôi cũng thích những ngày làm việc như người nông dân ở vườn cà-phê, hoặc những ngày mưa ngồi nhâm nhi Cơ Ho Coffee, nhìn những rẫy Arabica bạt ngàn. Tôi yêu văn hóa, những sản vật, cà-phê và nụ cười con người nơi đây”. Anh cũng nói rằng, rất xúc động khi được nghe vợ kể về huyền thoại mối tình chàng Ha Bian và nàng Ka Lang, mối tình ấy luôn hiện hữu trên đỉnh núi trước mặt nhà anh. Nói rồi, ông bố người Mỹ ôm con trai nhỏ vào lòng và ru, bài hát ru bằng tiếng Cơ Ho mà người vợ Rolan của anh đã dạy: “Yàng pơcih tơ jơng lòt brơi. Yàng pơcih tờtơi lơh kòi. Yàng pơcih tờ yòi hỏi Yàng... Mi at gỡ ui jơng. Mi kơđơng gỡ ui tơi. Mi kơlơi gỡ nuih tồr...” (Yàng ghi ở bàn chân để con đi rừng. Yàng ghi ở bàn tay để con trồng lúa. Yàng ghi ở bờ môi để con ơn Yàng... Con cầm kỹ tấm choàng chân. Con vịn kỹ tấm choàng tay. Con giữ kỹ nếp nghĩ tấm lòng...”. Dù giọng ru bằng tiếng bản địa của Gio-sơ Ghi-ke-ma còn chưa trôi chảy lắm, nhưng tôi thấy nao lòng khi cảm nhận ánh mắt ấm áp của anh với đứa con trai bé nhỏ Ghi-ke-ma Cơliêng mà anh nhất mực thương yêu... 

Từ câu chuyện mối tình xuyên biên giới của chàng trai Mỹ và cô gái Cơ Ho, tôi càng thêm ấn tượng về vùng đất dưới chân đỉnh núi huyền thoại. Vùng đất ấy ngày xưa đói nghèo và lạc hậu, định kiến lịch sử càng tạo nên không gian u ám và bế tắc của các tộc người. Còn giờ đây, dưới chân núi Mẹ Lang Bian là miền quê bình yên, tươi mới, đang khởi sắc từng ngày với một vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đứng đầu toàn tỉnh Lâm Đồng và một địa chỉ du lịch văn hóa sắc tộc nổi tiếng cả nước. Cuộc đổi đời hôm nay như vẫn được hòa từ dòng mạch trầm tích buồn vui trong quá khứ. Tình sử “Ka Lang - Ha Bian” đầy bi kịch ngày xưa đã được những người Cơ Ho dưới chân núi Mẹ thời nay viết thêm những dòng mới đầy tươi sáng. Câu chuyện về mối tình vượt đại dương giữa cô gái người Cơ Ho Cơliêng Rolan và chàng trai người Mỹ Gio-sơ Ghi-ke-ma đang đơm hoa kết trái mà tôi vừa kể trên đây như một minh chứng về tinh thần cởi mở, lạc quan. Họ đang xây đắp “thiên tình sử mới”, nuôi lớn từng ngày những khát vọng kết nối, hội nhập, phát triển bằng chính tình yêu đôi lứa, bằng chính tổ ấm trong ngôi nhà nhỏ và những sản vật quý giá gặt hái từ mảnh đất lành dưới chân đỉnh núi Mẹ thiêng liêng...