Ðưa điện lên vùng cao Lào Cai

Những năm qua, tỉnh Lào Cai tập trung phát triển lưới điện nông thôn, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, nhất là vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính điều này đã góp phần tạo sinh kế và thu nhập, góp phần xóa nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ðóng cầu dao, đưa điện về vùng sâu Tà Moòng ở xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn (Lào Cai).
Ðóng cầu dao, đưa điện về vùng sâu Tà Moòng ở xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn (Lào Cai).

Ðiện về “sáng mắt, sáng lòng”

Chúng tôi về Tà Moòng, cách trung tâm xã Nậm Chày gần 20 km, giao thông cách trở, là bản vùng sâu khó khăn nhất của huyện Văn Bàn, nơi có 27 hộ dân tộc H’Mông sinh sống và vừa mới có điện lưới hơn một tháng nay. Bên ấm trà San Tuyết đậm hương vị núi rừng, Trưởng thôn Giàng A Chứ  khoe: “Có điện, mình lấy tiền tiết kiệm mua cái ti-vi màn hình lớn này để nghe tin tức, xem ca nhạc văn nghệ, biết ở nhiều nơi khác làm ăn như thế nào để học và làm theo, giúp bà con mình ở đây xóa nghèo, vươn lên có cuộc sống tốt hơn”.  Niềm vui có điện lưới như vẫn còn đọng lại trong căn nhà sáng choang ánh điện và nụ cười rạng rỡ của chủ nhân còn rất trẻ. Anh Chứ kể, ngày 15-10, bản Tà Moòng vui như hội Gầu Tào của người H’Mông ngày Tết. Cả bản nghỉ lên nương, ở nhà xem cán bộ Ðiện lực Văn Bàn đóng cầu dao nối dòng điện sáng về từng ngôi nhà bám trên núi cao chót vót, bao năm phải dùng đèn dầu, nhà nào khá hơn và gần nguồn nước chảy thì lắp được “củ điện nước” chỉ đủ sáng lập lòe vài ba bóng đèn đỏ quạch.

27 hộ dân ở “ốc đảo” Tà Moòng được Ðiện lực Văn Bàn đầu tư 12,9 tỷ đồng, kéo 13,65 km đường dây 35 kV, 4,3 km đường dây hạ thế; lắp đặt năm trạm biến áp 35/0,4 kV, đồng hồ đo điện, mắc dây đến tận nhà. Ở phía cuối bản, gia đình chị Giàng Thị Súa cũng sáng trưng ánh điện thay đèn dầu tù mù trước đây, ngỡ như trong mơ. Chị phấn khởi cho biết: “Có điện, buổi tối con cái học bài chăm chỉ, mình thêm “sáng mắt, sáng lòng”, từ nay sẽ chịu khó lao động sản xuất để mua sắm thêm tiện nghi sinh hoạt chạy điện để cuộc sống ngày càng đầy đủ, tốt hơn”. Chứng kiến niềm vui mong đợi bao năm của đồng bào H’Mông ở Tà Moòng khi điện lưới về bản, càng thấy khát vọng vươn lên phát triển sản xuất, xóa nghèo của người dân là rất lớn bởi sau đường giao thông, điện lưới là “mũi nhọn đột kích” đẩy lùi tăm tối và nghèo đói ở vùng cao này.

Ðến bản Mà Sa Phìn xa xôi, nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, quanh năm mây mù gió núi, hơn 130 hộ người H’Mông, Dao ở đây cũng được sử dụng điện lưới, xóa đi cảnh đèn dầu tù mù bấy lâu nay. Trưởng thôn kiêm Bí thư Chi bộ Cù Thị Xuân cho biết, có điện lưới về từng nhà đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nơi cách xa trung tâm xã hơn 20 km, lọt thỏm giữa rừng già, giáp ranh với huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái. Ðây là kết quả của chủ trương xã hội hóa, xóa thôn bản “trắng” điện của tỉnh Lào Cai đã và đang được tích cực triển khai thực hiện. Chung tay cùng với tỉnh, Công ty cổ phần Ðầu tư và Phát triển năng lượng Vidifi đang xây dựng và kinh doanh thủy điện trên địa bàn đã hỗ trợ 5,7 tỷ đồng, kéo 6 km đường dây vượt núi cao khe sâu, lắp đặt hai trạm biến áp có tổng công suất 350 kVA đưa điện lưới đến “vũng lõm” Mà Sa Phìn. 

Vượt sông Chảy, đến bản Mo 2, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, gồm 86 hộ, chủ yếu là  dân tộc Phù Lá bám trụ sinh sống trên núi cao chất ngất, chúng tôi gặp trưởng thôn Hầu Mìn Phủ đang chạy máy xay xát điện ba pha để xát gạo và nghiền ngô cho bà con trong bản. Trước đây, anh phải đi xe máy hoặc đi bộ ra tận thị trấn Phố Ràng cách xa mấy chục cây số mua từng can dầu về chạy máy nổ xay xát thóc, nghiền ngô cho gia đình và bà con trong bản, vất vả và tốn kém; nay chạy điện ba pha nhàn và chi phí rẻ hơn nhiều. “Tôi chạy máy xay xát, còn một số hộ khác đầu tư làm các loại dịch vụ phục vụ nhu cầu của bà con trong bản, đời sống khá lên nhiều so với trước”- anh Mìn Phủ chia sẻ. Có điện lưới lên non cao, theo chỉ đạo của tỉnh, ngành văn hóa đã cấp tận tay mỗi hộ một ti-vi và đầu thu sóng, hệ thống loa truyền thanh cho nhà văn hóa dân cư, nhờ vậy 100% số hộ ở đây đã được phủ sóng truyền hình và phát thanh. Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa Vũ Thành Công cho biết, đến nay, tất cả thôn, bản đã có điện lưới, người dân địa phương đã mua sắm thêm nhiều tiện nghi sinh hoạt, nhất là đầu tư thêm một cơ sở sản xuất ván bóc gỗ rừng trồng, giải quyết việc làm và thu nhập cho nhiều lao động tại chỗ, cùng 42 máy xay xát và nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ, nhờ vậy đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. 

Nỗ lực đưa điện đến thôn, bản vùng cao, biên giới

Tính đến thời điểm cuối năm 2018, tỉnh Lào Cai còn 87 thôn bản chưa có điện lưới, sản xuất chậm phát triển, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư cấp điện cho các thôn bản chưa có điện do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh làm trưởng ban. Theo đồng chí Khánh, khó khăn lớn nhất để đưa điện về với người dân hiện nay là thiếu vốn, do suất đầu tư rất cao. Ðể giải bài toán này, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Sở Công thương và Công ty Ðiện lực Lào Cai xây dựng kế hoạch bài bản, phối hợp chặt chẽ để “tạo vốn” và triển khai thi công nhanh, bảo đảm chất lượng, với mục tiêu đến hết năm 2020, toàn bộ các thôn bản đều có điện. Giải pháp huy động vốn từ các nguồn: ngân sách tập trung, ngân sách tỉnh, nguồn vốn của Liên hiệp châu Âu (EU). Về huy động vốn xã hội hóa, Lào Cai tổ chức hội nghị với các chủ đầu tư thủy điện trên địa bàn, kêu gọi chung tay đóng góp bằng tiền hoặc trực tiếp nhận xóa “trắng” điện thôn bản theo danh mục. Nhờ vậy đã có 14 chủ đầu tư thủy điện nhận hỗ trợ đầu tư cấp điện cho 11 thôn bản chưa được sử dụng điện trên địa bàn; 26 chủ đầu tư thủy điện cam kết đóng góp 15,4 tỷ đồng để đầu tư cấp điện cho bốn thôn bản đặc biệt khó khăn.

Với vai trò nòng cốt, trách nhiệm cao, Công ty Ðiện lực Lào Cai đã khẩn trương lồng ghép các nguồn vốn chống quá tải mạng lưới điện để xây dựng hạ tầng, đưa điện đến tận nhà dân cho gần 30 thôn bản. Giám đốc Ðiện lực Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn cho biết, do địa bàn rộng lớn, dân cư phân tán, nhiều khu vực vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, có những nơi chưa có đường giao thông, có những nơi phải đi qua rừng tự nhiên, rừng phòng hộ... dẫn đến suất đầu tư lớn lên tới hàng trăm triệu đồng/ hộ. Ðơn cử như dự án đưa điện về các thôn Trát 1, 2 (Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng) có tổng mức đầu tư 10,4 tỷ đồng cấp điện cho 128 hộ, tính ra suất đầu tư là 81,2 triệu đồng/hộ. Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác, tổng mức tiêu thụ điện tháng 6-2020 là 1.396 kW giờ, tương ứng doanh thu 2,1 triệu đồng, như vậy, còn rất lâu mới thu hồi được vốn, chứ chưa nói đến việc có lãi. “Chúng tôi xác định, đó là nhiệm vụ chính trị, vì an sinh xã hội, vì cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, cho nên nỗ lực cao nhất đưa điện đến vùng cao, vùng sâu, biên giới” - đồng chí Tuấn nhấn mạnh.

Trên cơ sở quy hoạch đã phê duyệt, Công ty Ðiện lực Lào Cai phối hợp Sở Công thương tiến hành xây dựng hạ tầng hệ thống điện nông thôn gắn với triển khai Ðề án rà soát, sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng giảm các thôn, bản dưới 50 hộ nhằm giảm suất đầu tư. Công ty cũng tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc huy động hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư mở rộng diện cấp điện cho các hộ dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 10 năm qua, Công ty Ðiện lực Lào Cai đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng phát triển hạ tầng điện lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào việc chống quá tải và đưa điện lưới đến các thôn bản vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ tính từ năm 2016 đến 2020, Công ty Ðiện lực Lào Cai đã thực hiện 57 dự án với tổng mức đầu tư hơn 610 tỷ đồng, đưa điện lưới về 35 thôn, bản vùng sâu, biên giới, góp phần tích cực thực hiện tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai.

Bên cạnh đó, Sở Công thương đảm nhận làm chủ đầu tư xóa 29 thôn bản, UBND huyện Bảo Thắng đảm nhận xóa ba thôn bản, các chủ đầu tư thủy điện nhận xóa 11 thôn bản “trắng” điện. Ðến hết tháng 10-2020, đã có bốn thôn bản được cấp điện, còn lại 39 công trình hạ tầng điện ở các thôn bản này đã và đang bám sát tiến độ triển khai theo kế hoạch. Trao đổi với chúng tôi về những vướng mắc cần tháo gỡ ngay, Phó Giám đốc Sở Công thương Lào Cai, Phan Văn Cương nhấn mạnh, các chủ đầu tư thủy điện cần có trách nhiệm cao hơn thực hiện đóng góp 13,7 tỷ đồng theo cam kết vào kho bạc để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình điện ở bốn thôn bản đặc biệt khó khăn. Về phần mình, chính quyền các xã, huyện có thôn bản được đầu tư, cần khẩn trương, quyết liệt giải phóng mặt bằng để bảo đảm hoàn thành việc đưa điện đến tất cả các thôn bản trong năm nay.