Giảm nghèo nhanh nhờ tín dụng chính sách

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh cải cách hành chính trong giao dịch, giúp người nghèo vay vốn để sản xuất.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh cải cách hành chính trong giao dịch, giúp người nghèo vay vốn để sản xuất.

Vươn lên thoát nghèo

Nhiều năm trước, gia đình chị Trần Thị Lành (thôn An Hòa, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) luôn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2012, được Hội Phụ nữ xã giới thiệu vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) bảy triệu đồng, chị mua hai con cừu về nuôi. Ðến nay, đàn cừu đã phát triển lên gần hai chục con, chị Lành xuất chuồng bán đi hơn chục con cừu đực, trả hết nợ ngân hàng và có tích lũy để nuôi bò sinh sản. Chị Lành tâm sự: "Năm 2009, tui dứt ruột bán một sào ruộng là tài sản duy nhất để chữa bệnh thận cho đứa con trai đầu. Từ đó, vợ chồng đi làm thuê, cuộc sống rất vất vả. Nhờ vay vốn của NHCSXH làm ăn, nay đỡ hơn nhiều, nuôi các con ăn học đàng hoàng. Giờ, tui có thêm vốn để chăn nuôi cừu và bò sinh sản". Tương tự, gia đình anh Nguyễn Ngọc Khoa, ở thôn Phước An 1, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước có ba người con. Không có đất sản xuất, hai vợ chồng làm thuê để mưu sinh, vất vả quanh năm. Với mong muốn các con được đi học để thoát cảnh nghèo túng, giữa năm 2014, chị được Chi hội Nông dân thôn giới thiệu vay 25 triệu đồng từ vốn chương trình hộ nghèo tại NHCSXH huyện để đầu tư sản xuất. Ngoài ra, chị còn vay thêm 55 triệu đồng để trang trải chi phí cho hai đứa con trúng tuyển vào học tại Trường cao đẳng Công nghệ và Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật. Ðến cuối năm 2017, hai con của chị đều ra trường, có việc làm và thu nhập ổn định, hằng tháng gửi tiền về cho gia đình trả lãi và trả nợ đầy đủ. Ðến nay, gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng được cải thiện.

Nhờ nguồn vốn tín dụng CSXH, nhiều hộ gia đình tại Ninh Thuận còn vươn lên làm giàu, có cuộc sống khá giả, no ấm. Mô hình sản xuất tổng hợp gần 4 ha trồng lúa, táo, dừa, chăn nuôi cừu và bò của chị Ðạo Thị Ðậy (dân tộc Chăm, ở thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) hiện đem lại thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Năm 2010, chị Ðậy được Chi hội Phụ nữ thôn giới thiệu vay từ nguồn vốn giải quyết việc làm 20 triệu đồng, chị mua một con bò cái giống nuôi sinh sản, đến nay cả bò mẹ và bò con tiếp tục sinh hằng năm từ hai đến ba bê con. Mỗi năm, chị bán vài con vừa lấy tiền trả nợ ngân hàng, vừa tích lũy đầu tư sản xuất khác. Hiện chị giữ đàn bò tám con, trị giá gần 200 triệu đồng, nuôi 200 con cừu giống, cừu thịt và trồng táo, dừa… Thu nhập khá, chị đủ điều kiện nuôi hai đứa con là Hứa Minh Tuấn và Hứa Thị Mỹ Trinh ăn học, hai con chị đã tốt nghiệp và có việc làm ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Gia đình cũng đã trả xong khoản nợ, vươn lên khấm khá.

Nhiều hộ ở xã miền núi Phước Kháng, huyện Thuận Bắc cũng có những cách làm hay, đem lại hiệu quả kinh tế. Ðiển hình như hộ chị Chamaléa Thị Diếm, ở thôn Ðá Mài Dưới. Năm 2009, chị được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện vay vốn bảy triệu đồng, mua hai con bò cái nuôi sinh sản và trồng 2,5 sào (2.500 m2) lúa nước. Áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, chị đã biến vùng đất cằn cỗi cho năng suất lúa hơn 400 kg/sào; đàn bò tăng lên 12 con. Năm 2017, chị Diếm bán bốn con bò và bán lúa tiếp tục đầu tư cải tạo đất, trồng xen canh tám sào ngô và đậu xanh; mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng, ra khỏi danh sách hộ nghèo. Còn vợ chồng chị Pôpô Liên, ở thôn Ðá Liệt, xã Phước Kháng, đã xây được một ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, các con được ăn học đàng hoàng. Chị Liên nói: "Ban đầu, gia đình tôi có 1 ha đất rẫy. Năm 2012, vay 12 triệu đồng của NHCSXH huyện, vợ chồng tôi tận dụng nguồn nước từ công trình hồ thủy lợi Bà Râu, đào một con mương dẫn nước trữ vào ao để phục vụ sản xuất, đồng thời khai hoang, mở rộng 1,5 ha trồng ngô, chuối và cỏ chăn nuôi, sau ba năm, thu nhập đủ trả nợ ngân hàng". Năm 2015, chị tiếp tục vay 20 triệu đồng dành cho hộ mới thoát nghèo để tái đầu tư phát triển chăn nuôi; tới nay chị có tám con bò, ba con dê, hai con lợn đen sinh sản, mỗi năm cho thu nhập hơn 70 triệu đồng.

Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc Nguyễn Dâng Tuyển cho biết, Chamaléa Thị Diếm và Pôpô Liên là hai trong số hàng nghìn hộ tiêu biểu tại địa phương vượt khó thoát nghèo từ sản xuất nông nghiệp. Từ đồng vốn tín dụng chính sách, Ninh Thuận đã có hàng chục nghìn hộ nghèo, thanh niên vươn lên làm giàu, gây dựng được cơ nghiệp lớn từ trồng nho, nuôi bò sinh sản, kinh doanh, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.

Phát huy hiệu quả đồng vốn chính sách

Ninh Thuận có 28 xã miền núi và 21 xã đặc biệt khó khăn (chiếm gần 35% số xã trong tỉnh), đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 23% số dân, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chiếm 8,34%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình, kiêm Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh cho biết, hằng năm, Ninh Thuận dành một phần ngân sách để chuyển cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay, tổng số tiền ủy thác đến nay đạt 45 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2014-2019, NHCSXH đã giải ngân cho hơn 150 nghìn lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay gần 3.300 tỷ đồng; giúp hơn 16.800 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết cho 30.642 học sinh, sinh viên vay vốn đi học; 6.411 người được tạo việc làm từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm; xây dựng 21.400 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hơn 13 nghìn hộ ở các xã thuộc vùng khó khăn có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm bình quân từ 1,5% đến 2%. Các đối tượng vay vốn được tổ chức bình xét theo địa bàn dân cư công khai và dân chủ. Trước khi NHCSXH xét duyệt cho vay, Hội đoàn thể nhận ủy thác phối hợp các cơ quan khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi theo hướng có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ. Qua đó, nhiều hộ mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế theo hướng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trang trại, đem lại thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận Hà Anh Quang, qua ba năm thực hiện chính sách giảm nghèo, toàn tỉnh có 9.376 hộ thoát nghèo. Cuối năm 2015, toàn tỉnh còn gần 24 nghìn hộ nghèo, đến cuối năm 2018 đã giảm xuống còn hơn 14.300 hộ (bình quân giảm 2,19%/năm). Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới cao hơn, do đó, số hộ nghèo sẽ gia tăng, cho nên việc triển khai tín dụng chính sách xã hội được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch của tỉnh. Nguồn vốn cân đối hằng năm của một số chương trình hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm, vay hộ sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn giải quyết cho vay hằng năm chủ yếu đến hộ gia đình, chiếm 99,4%, trong khi cho vay cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ có 450 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,6% dư nợ cho vay là chưa phù hợp thực tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đánh giá: Sau 5 năm triển khai, Chỉ thị số 40-CT/TW đã thật sự đi vào cuộc sống và thu được những kết quả quan trọng. Các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn. Ðể thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã kiến nghị T.Ư, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, NHCSXH nâng mức cho vay tối đa của các chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn lên mức 100 triệu đồng/hộ, đồng thời nâng thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp các đối tượng đầu tư dài hạn. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định (31-12-2020); đồng thời kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm và nâng thời hạn cho vay tối đa bằng thời gian cho vay hộ nghèo; tiếp tục ban hành cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo; giúp đối tượng tham gia bảo vệ và phát triển rừng được vay ưu đãi để tổ chức sản xuất; bổ sung đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hộ cận nghèo được thụ hưởng chính sách tín dụng theo chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020.