Tìm kiếm “biện pháp lòng tin” ở Lebanon

Lebanon hiện đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế sâu sắc sau khi làn sóng biểu tình phản đối tình trạng đời sống khó khăn đã buộc Thủ tướng S.Hariri phải từ chức. Liên hợp quốc (LHQ) hối thúc quốc gia Trung Đông nhanh chóng thành lập một chính phủ có đủ năng lực nhằm đưa đất nước sớm thoát khỏi khủng hoảng.

Phái đoàn của Liên hợp quốc làm việc với Ban lãnh đạo Li-băng. Ảnh UNSCOL
Phái đoàn của Liên hợp quốc làm việc với Ban lãnh đạo Li-băng. Ảnh UNSCOL

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Lebanon bắt nguồn chủ yếu từ sự suy giảm của dòng vốn, dẫn đến sự khan hiếm đồng USD và tạo ra một thị trường chợ đen, nơi đồng bảng Lebanon đã suy yếu dưới mức tỷ giá niêm yết chính thức. Nền kinh tế của quốc gia Trung Đông này bị bóp nghẹt do gánh nặng nợ công lớn nhất thế giới, là hệ quả của nhiều năm hoạt động thiếu hiệu quả, lãng phí và tham nhũng. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Lebanon thấp và hiện chỉ ở mức 0%. Trong khi đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc nội chiến 1975-1990,

Lebanon tiếp tục lún sâu vào tình trạng rối loạn khi xuất hiện làn sóng biểu tình lớn chưa từng có phản đối chính quyền. Thời gian gần đây, người dân đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối chính quyền không cung cấp các dịch vụ cơ bản và không có năng lực thực hiện các cải cách kinh tế sâu rộng nhằm cứu vãn nền kinh tế ngày càng trì trệ.

Trước áp lực của làn sóng biểu tình, Thủ tướng Lebanon S.Hariri đã phải tuyên bố từ chức. Chính trị gia này đã họp kín với đại diện các đảng phái khác nhau trong chính phủ liên minh vừa giải tán để tìm cách thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, đàm phán chưa có dấu hiệu đạt được thỏa thuận nào. Tổng thống Lebanon M.Aoun dự kiến tham vấn các thành viên của Quốc hội để lựa chọn tân thủ tướng, người sẽ chịu trách nhiệm thành lập chính phủ mới bao gồm cả các nhà kỹ trị. Theo Tổng thống M.Aoun, chính phủ mới sẽ bao gồm các bộ trưởng giàu kinh nghiệm, có năng lực và đủ khả năng điều hành đất nước. Ông cũng đồng thời tuyên bố triển khai các cuộc điều tra nhằm vào những chính trị gia đương nhiệm hoặc trước đây bị nghi ngờ tham nhũng. Tất cả các nhân vật có liên quan đến sai lầm và tham nhũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Điều phối viên đặc biệt của LHQ tại Lebanon G.Cơ-bít cảnh báo, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Lebanon không thể chờ đợi lâu hơn nữa để bắt tay vào giải quyết các vấn đề tài chính và kinh tế cấp bách hiện nay. Ông kêu gọi chính quyền Lebanon ưu tiên duy trì ổn định tài chính và tiền tệ, bao gồm các biện pháp mang lại niềm tin cho người dân và bảo vệ tài khoản tiết kiệm của họ. Hiện hệ thống ngân hàng tại Lebanon đã mở cửa trở lại, song khách hàng bị hạn chế chuyển khoản ra nước ngoài và rút tiền mặt. Hầu hết hoạt động chuyển tiền quốc tế vẫn bị chặn, trừ một số giao dịch bằng ngoại tệ như thanh toán các khoản thế chấp nước ngoài và học phí.

LHQ thông báo sẵn sàng hỗ trợ Lebanon thực hiện kế hoạch cải cách. Ngân hàng Thế giới (WB) tuyên bố sẵn sàng giúp chính phủ mới của Lebanon, đồng thời cảnh báo quốc gia này không còn nhiều thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang ngày càng trở nên tồi tệ. WB nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là Lebanon cần khẩn trương chấm dứt khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Tỷ lệ người dân Lebanon sống trong ngưỡng đói nghèo có thể tăng lên 50% nếu các điều kiện kinh tế trở nên tồi tệ hơn. Tỷ lệ thất nghiệp đối với nhóm người dưới 35 tuổi có thể tăng mạnh từ mức 37% hiện nay.

Tổng thống M.Aoun cam kết sẽ thực hiện các cuộc điều tra nghiêm túc tất cả các bộ phận của khu vực công nhằm xử lý các quan chức tham nhũng, lấy lại lòng tin của người dân. Ngoài ra, ông dự kiến tổ chức cuộc đối thoại nhằm đạt một thỏa thuận giải quyết các vấn đề mà người dân đang đối mặt.