Khoảng cách giàu - nghèo gia tăng do đại dịch

Trước tác động của dịch Covid-19, khoảng cách giàu - nghèo tại nhiều nơi trên thế giới ngày càng nới rộng, với sự bất bình đẳng về thu nhập, giáo dục, y tế... Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, đại dịch để lại hậu quả cho thế hệ sau nếu các biện pháp không được đưa ra kịp thời nhằm thu hẹp khoảng cách giữa nước giàu và nước nghèo.
 

Học sinh Ha-i-ti tham gia một buổi học giữ gìn vệ sinh để phòng, chống dịch. Ảnh Liên hợp quốc
Học sinh Ha-i-ti tham gia một buổi học giữ gìn vệ sinh để phòng, chống dịch. Ảnh Liên hợp quốc

Theo dự báo của IMF, kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 12 nghìn tỷ USD giai đoạn 2020 - 2021, trong đó các quốc gia nghèo nhất sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Báo cáo “Covid-19 và Phát triển con người” công bố tháng 4-2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng cho thấy sự chênh lệch lớn trong khả năng ứng phó dịch bệnh giữa nước giàu và nước nghèo. Cụ thể, các quốc gia phát triển và có chỉ số phát triển con người (HDI) cao có trung bình 55 giường bệnh, hơn 30 bác sĩ và 81 y tá cho mỗi 10.000 người, trong khi các quốc gia kém phát triển chỉ có trung bình bảy giường bệnh, 2,5 bác sĩ và sáu y tá.
 
 Các lệnh phong tỏa đã làm lộ rõ sự bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ số. Khoảng 85% dân số thế giới gặp hạn chế trong duy trì học tập, làm việc và liên lạc với người thân do không có đường truyền in-tơ-nét ổn định. Trước thực trạng trường học đóng cửa và chênh lệch trong khả năng học trực tuyến, UNDP ước tính có khoảng 86% số trẻ em tiểu học ở các quốc gia có HDI thấp không được tiếp cận giáo dục, so con số 20% ở các quốc gia có HDI cao.
 
 Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhóm lao động có thu nhập thấp và lao động thuộc các ngành, nghề không thể làm việc từ xa. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, dịch Covid-19 đã đe dọa khả năng mưu sinh của gần 1,6 tỷ lao động thuộc nền kinh tế phi chính thức, vốn là nền kinh tế của những người làm thuê ngắn hạn, thời vụ. Chỉ riêng tại Ấn Độ, gần 400 triệu lao động thuộc nhóm này đối mặt nguy cơ trở nên nghèo hơn trước các biện pháp phong tỏa chống dịch. Tại Mỹ, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch, sự tương phản giàu - nghèo càng được thể hiện rõ. Từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 6-2020, tỷ lệ mất việc của nhóm lao động có thu nhập thấp nhất là lớn nhất, trong khi tỷ lệ này của nhóm lao động có thu nhập cao nhất là nhỏ nhất.
 
 Trong bối cảnh bất bình đẳng gia tăng, Tổng Giám đốc IMF C.Gioóc-giê-va nhấn mạnh bốn ưu tiên nhằm ngăn tổn thất lâu dài về kinh tế và xã hội tại những quốc gia nghèo. Thứ nhất, các chính phủ cần ưu tiên y tế để đẩy lùi dịch bệnh, với trọng tâm là người già và những người dễ bị tổn thương nhất. Thứ hai, ngân sách cần được phân bổ tập trung cho các lĩnh vực then chốt, như giáo dục. Thứ ba, các nước cần chuẩn bị cho tương lai bằng cách xem xét chuyển đổi sang các nền kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu, ít các-bon và kỹ thuật số. Thứ tư, các nước giàu cần tăng cường các nguồn viện trợ bằng hình thức trợ cấp, cho vay ưu đãi và xóa nợ.
 
 Đáp lại lời kêu gọi của IMF, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Câu lạc bộ Pa-ri đã nhất trí về Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất. Kể từ tháng 3-2020, IMF cũng cấp hơn 102 tỷ USD cho 83 quốc gia để ứng phó hệ quả kinh tế. Ở cấp độ quốc gia, I-ta-li-a đã mở rộng hỗ trợ thu nhập cho người lao động của các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, cho mọi lĩnh vực kinh tế và cho những doanh nghiệp có dưới 15 lao động. Tây Ban Nha cũng hỗ trợ thu nhập cho các cá nhân tự kinh doanh, thành viên hợp tác xã và người lao động bị mất việc tạm thời.
 
 Cơ quan Các vấn đề kinh tế xã hội (DESA) của LHQ nhận định, cuộc khủng hoảng Covid-19 đang làm suy yếu nghiêm trọng các nỗ lực toàn cầu nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030. Sự phối hợp giữa các quốc gia là cần thiết để ứng phó hệ quả trước mắt và phục hồi dài hạn. Giải quyết tình trạng bất bình đẳng cần là ưu tiên hàng đầu, bởi điều này không chỉ giúp người dân thoát nghèo và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia, mà còn tạo ra năng lực chống đỡ những cú sốc như đại dịch này.