Đề cao chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế

Với chủ đề "Thúc đẩy và củng cố hòa bình thông qua việc tôn trọng luật pháp quốc tế", trong hai ngày 20 và 21-7, Hội nghị Bộ trưởng Phong trào không liên kết đã diễn ra tại thủ đô Caracas, dưới sự chủ trì của Venezuela, Chủ tịch Ủy ban điều phối không liên kết.

Các đại diện hơn 50 nước thành viên, cùng một số nước quan sát viên và khách mời đặc biệt đã tham dự hội nghị, nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết, diễn ra tại Azerbaijan tháng 10 tới.

Các nước thành viên đã trao đổi về tình hình thế giới, các thách thức và cơ hội đặt ra đối với Phong trào không liên kết. Nhiều nước lên án các biện pháp cưỡng ép đơn phương và bao vây cấm vận đối với các thành viên phong trào, như Cuba và Venezuela, là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), xâm phạm quyền con người, tác động tiêu cực đến quyền phát triển bền vững. Các nước cũng chỉ ra những thách thức với phong trào, như sự can thiệp vào công việc nội bộ các nước nhỏ, chính sách gây chia rẽ nhằm áp đặt ý chí của các nước lớn...

* Trong thông điệp qua vi-đê-ô phát tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào không liên kết tại Venezuela, Chủ tịch Ðại hội đồng LHQ Maria Fernanda Espinosa Garces nhấn mạnh, chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế là biện pháp quan trọng nhằm bảo đảm hòa bình cho thế giới. Chủ tịch Ðại hội đồng LHQ cảm ơn sự hỗ trợ của phong trào dành cho LHQ, đồng thời kêu gọi phong trào tiếp tục thúc đẩy và bảo vệ chủ quyền, quyền tự quyết, tinh thần đoàn kết quốc tế, cũng như hòa bình và phát triển của người dân trên thế giới.

* Phát biểu ý kiến tại Hội nghị Bộ trưởng Phong trào không liên kết tại Venezuela, Trưởng đoàn Việt Nam, Ðại sứ Ðặng Ðình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ khẳng định, Việt Nam cam kết đóng góp cho sự phát triển của phong trào trên tinh thần đề cao và kiên trì với nguyên tắc cơ bản của phong trào. Ðại sứ nhấn mạnh phong trào cần tiếp tục phát huy vai trò đi đầu thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tôn trọng các cam kết, thỏa thuận quốc tế, thúc đẩy cải tổ cấu trúc kinh tế, hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, minh bạch và dựa trên luật lệ, bảo đảm quyền lợi của các nước đang phát triển...