Điểm thời sự

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ tăng tốc

Covid-19 tác động sâu rộng tới đời sống người dân Mỹ, trong đó có cả cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra. Các ứng cử viên Tổng thống Mỹ liên tục phải điều chỉnh kế hoạch tranh cử để vừa phù hợp tình hình dịch bệnh, vừa tạo bứt phá trong cuộc đua vào Nhà trắng.

Cử tri tham gia bầu cử sơ bộ tại bang Gioóc-gi-a (Mỹ). Ảnh BUSINESS INSIDER
Cử tri tham gia bầu cử sơ bộ tại bang Gioóc-gi-a (Mỹ). Ảnh BUSINESS INSIDER

Tổng thống Đ.Trăm, ứng cử viên của đảng Cộng hòa đang đối mặt nhiều bất lợi trong cuộc đua. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Mỹ, những thành tựu về kinh tế mà “xứ cờ hoa” đạt được trong nhiệm kỳ bốn năm qua là cơ sở để Tổng thống Đ.Trăm kêu gọi sự ủng hộ của các cử tri. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát dần phá đi yếu tố được coi là “lợi thế” này của Tổng thống Đ.Trăm. Theo nhiều thống kê, cùng với số ca nhiễm và chết do Covid-19 liên tiếp ở mức cao nhất thế giới, tỷ lệ người dân không đồng tình với cách xử lý dịch bệnh của lãnh đạo Nhà trắng đương nhiệm cũng tăng theo, đồng nghĩa với việc tỷ lệ cử tri ủng hộ ông tái cử giảm dần.

Tổng thống Đ.Trăm nỗ lực “đảo ngược” tình thế đó, cố gắng giành lại niềm tin của cử tri khi ban hành một loạt sắc lệnh nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Tổng thống thứ 45 của Mỹ cũng thay đổi hình ảnh bản thân với những hành động được cho là mang chiều hướng tích cực như cẩn trọng hơn trong các phát ngôn về dịch bệnh, khuyến khích người dân đeo khẩu trang, điều mà trước kia ông cho rằng không thật sự cần thiết...

Việc các sự kiện vận động tranh cử bị hoãn, hủy, thu hẹp, hoặc chuyển sang hình thức trực tuyến cũng làm giảm cơ hội thu hút cử tri của các ứng cử viên, nhất là với người được đánh giá có khả năng “truyền lửa” tại các cuộc tiếp xúc trực tiếp như Tổng thống Đ.Trăm. Nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Đ.Trăm ráo riết đẩy sớm tổ chức các cuộc tranh luận giữa ông với ứng cử viên của đảng Dân chủ G.Bai-đơn, trước khi hàng triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu. Nhóm này cho rằng, nhiều cử tri có thể bỏ lỡ cơ hội lắng nghe quan điểm của các ứng cử viên về tương lai đất nước, bởi nếu diễn ra theo kế hoạch, 16 tiểu bang sẽ bỏ phiếu sớm trước khi cuộc tranh luận đầu tiên được tổ chức.

Nhiều cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy, cựu Phó Tổng thống G.Bai-đơn giành được nhiều sự ủng hộ hơn từ các cử tri so với Tổng thống đương nhiệm Đ.Trăm. Nhiều người Mỹ tin ông G.Bai-đơn sẽ có cách xử lý dịch bệnh hiệu quả hơn nếu là lãnh đạo Nhà trắng. Trong khi nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Đ.Trăm tăng cường tiếp xúc cử tri bằng cách “gõ cửa từng nhà”, thì đội ngũ của ông G.Bai-đơn lại đẩy mạnh các phương thức tiếp cận cử tri trực tuyến. Đầu tháng 8, nhóm vận động tranh cử của ông G.Bai-đơn tuyên bố kế hoạch chi 280 triệu USD cho các hoạt động quảng cáo trên truyền hình và mạng xã hội, gấp đôi so với số tiền của ứng cử viên Đ.Trăm dành cho các hoạt động tương tự. Do lo ngại dịch bệnh, ông G.Bai-đơn cũng tuyên bố sẽ chọn cách phát biểu trực tuyến chấp nhận đề cử trở thành đại diện chính thức của đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ thay vì tới một sự kiện gặp mặt trực tiếp như kế hoạch trước.

Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ chính thức diễn ra. Quan điểm khác biệt giữa Tổng thống Đ.Trăm và ứng cử viên G.Bai-đơn, cũng như khả năng xuất hiện các yếu tố bất ngờ như thường thấy trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến cuộc bầu cử lần này được quan tâm đặc biệt hơn, không chỉ từ người dân Mỹ mà cả dư luận thế giới.