Bế mạc phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 12-8, tại Nhà Quốc hội (QH), sau ba ngày làm việc, phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) hoàn thành chương trình làm việc và bế mạc.

Phát biểu bế mạc, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH nêu rõ: Trong thời điểm cả nước đang nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban TVQH đã tổ chức phiên họp theo đúng tinh thần thực hiện giãn cách, chấp hành đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Trong mỗi nội dung làm việc, các đại biểu đều tham gia phát biểu thảo luận đóng góp nhiều ý kiến sôi nổi, với tinh thần làm việc trách nhiệm cao. Chủ tịch QH đề nghị, sau phiên họp, các cơ quan của QH phối hợp các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục bổ sung, hoàn thiện những nội dung mà Ủy ban TVQH đã cho ý kiến, chuẩn bị trình QH những nội dung đủ điều kiện; đồng thời chuẩn bị những nội dung trình Ủy ban TVQH cho ý kiến tại phiên họp thứ 48 và phiên họp thứ 49 theo đúng kế hoạch, không để dịch bệnh ảnh hưởng tiến độ công việc đã đề ra.

Trước đó, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2030 (giai đoạn 2021 - 2030). Theo Tờ trình chiến lược do Tổng KTNN Hồ Ðức Phớc trình bày, tầm nhìn của KTNN là xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; hội nhập, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới. KTNN thực hiện sứ mệnh là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công hoạt động độc lập, khách quan; góp phần quan trọng phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Nguyễn Ðức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra nêu rõ: Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với sự cần thiết ban hành chiến lược. Về giá trị cốt lõi, ủy ban nhất trí với nội dung "Ðộc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín" và đề nghị làm rõ nội hàm, thuyết minh rõ ý nghĩa cụm từ "không ngừng gia tăng giá trị" để phù hợp chức năng, nhiệm vụ của KTNN.

Ðể hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trong giai đoạn 2021-2030, KTNN cần tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN tạo đầy đủ căn cứ pháp lý cho KTNN thực hiện nhiệm vụ. Việc hoàn thiện hệ thống các quy trình kiểm toán, chuẩn mực KTNN vừa để phù hợp thông lệ quốc tế nhưng cũng cần phải đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong môi trường kiểm toán số. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định rõ cơ sở pháp lý để Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH tổ chức hoạt động giải trình về kết quả của các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện, phù hợp thông lệ quốc tế.

Qua thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá cao hiệu quả hoạt động của KTNN, nhất là từ khi Hiến pháp năm 2013 có quy định riêng về vị trí, vai trò của KTNN. KTNN đã cung cấp cho Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị kiểm toán nhiều thông tin, kiến nghị có giá trị; góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương tài chính công. Bên cạnh đó góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài sản công, tài chính công; góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí. KTNN cũng thực hiện hội nhập kinh tế rất sâu rộng. Hình ảnh, uy tín, vị thế, vai trò của KTNN trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao…

Tham gia đóng góp ý kiến, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nêu giá trị cốt lõi của KTNN là "Ðộc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng" và bỏ cụm từ "không ngừng gia tăng giá trị" như trong Tờ trình; bày tỏ đồng tình với đề xuất nâng Ban Tài chính thành Vụ Tài chính; nâng cấp Trường Ðào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán. Về mục tiêu "Nguồn nhân lực của KTNN ổn định từ 2.600 đến 2.700 người", qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị chỉ nên đưa ra định hướng chung về biên chế do Ủy ban TVQH quyết định sau khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền bảo đảm phù hợp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ và xu hướng phát triển trong từng thời kỳ. Cho ý kiến về biên chế trong Tờ trình, Chủ tịch QH và một số đại biểu cho rằng, chiến lược hiện nay đặt mục tiêu tổng biên chế là 3.600 người, nên việc nêu biên chế tối đa trong chiến lược 10 năm tới của KTNN là 2.700 người là hợp lý.

Kết thúc nội dung thảo luận, Ủy ban TVQH biểu quyết về nguyên tắc thông qua việc ban hành Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030).

Trong buổi sáng, Ủy ban TVQH cho ý kiến về báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Thảo luận về nội dung thuế, phí bảo vệ môi trường, một số ý kiến đề nghị những nội dung về mức thuế, khung thuế, phí bảo vệ môi trường cần thực hiện theo quy định của Luật Thuế bảo vệ môi trường, pháp luật về phí và lệ phí. Vừa qua, có một số ý kiến đề nghị cần quy định nguyên tắc về vấn đề này trong Luật Bảo vệ môi trường nhằm điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho môi trường. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban thẩm tra và Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất đề xuất hai phương án. Theo đó, phương án thứ nhất theo phương án Chính phủ trình tại dự thảo luật. Phương án thứ hai nêu tiếp thu chỉnh lý theo hướng luật quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về nội dung thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính. Việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định về thuế, phí bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, pháp luật về phí, lệ phí.

Trước phiên bế mạc, Ủy ban TVQH thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.