Những người đàn ông ngồi dưới gốc cây bàng...

Làng “Văn hóa xe lăn”

Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, hàng ngàn thương bệnh binh khắp mọi miền tổ quốc tụ về khu làng ven sông Đuống an dưỡng và điều trị vết thương, đa số là thương tật cột sống, nửa thân dưới bại liệt hoàn toàn, đồng nghĩa với quãng đời còn lại gắn bó trên xe lăn và những cơn đau bất tận.

Đọc báo, đánh cờ tướng, nghe đài là những thú vui giải trí
dành cho những thương binh.

Ngày ấy, có tới 90% cư dân trong làng chưa có gia đình. Tuy thân thể chẳng vẹn nguyên nhưng họ vẫn khát khao một mái ấm gia đình với tiếng ru hời, tiếng bi bô con trẻ. Có những buổi chiều gió heo may, hàng trăm chiếc xe lăn lặng lẽ ngồi dưới gốc cây bàng trút lá, bơ vơ ngóng chờ một điều gì đó rất xa xăm.

Thế rồi, như một lẽ tự nhiên, những thân phận con người cùng cảnh ngộ xích lại với nhau. Một khu gia đình với 20 mái ấm được dệt nên bởi 20 câu chuyện tình cảm động của những con người cùng cảnh ngộ,  của sự yêu thương và chia sẻ. Tình yêu đơm hoa, kết trái, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên những chiếc xe lăn.

Thấm thoắt gần 40 năm trôi qua, ngôi làng xuất hiện thế hệ thứ hai, rồi thứ ba. Con cái của cư dân trong khu làng không ít người tốt nghiệp đại học, cao học nhờ sự quan tâm của xã hội, của trung tâm và của chính bố mẹ họ. Có lẽ, họ là người hiểu hơn ai hết giá trị xương máu và những giọt mồ hôi của cha mẹ mình đã đổ xuống. Tiêu biểu như hai người con trai ông Hoàng Văn Uyên, bà Trần Thị Hồng,  đều là Thạc sĩ, là tấm gương sáng cho những gia đình trong khu tập thể noi theo.

Giờ đây, vào những buổi chiều, các ông bà thương binh lại tập trung ra hiên nhà hóng mát, nhìn đường xá, ngắm người qua lại. Một số đọc báo, chơi cờ, bàn luận những vấn đề thời cuộc. Trẻ con trong xóm lân la đến xem các ông chơi cờ, vòi vĩnh đọc báo, đọc truyện cho nghe, thi thoảng lại được chia những phần kẹo nhỏ bé nhưng thật đầm ấm và nghĩa tình.

Thi thoảng, người ta vẫn bắt gặp cảnh  những người đàn ông chở cháu đi quanh làng dạo mát trên những chiếc xe lăn. Bọn trẻ thấy khách lạ giơ tay vẫy chào rối rít. Hạnh phúc nơi đây bình dị và lặng lẽ, có một chút gì đó chưa thật đủ đầy, nhưng những cư dân khu làng thương binh luôn nâng niu và trân trọng, bởi để có được nó họ đã phải vươn lên rất nhiều, rất nhiều lần so với những người lành lặn khác.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Công Liên, cư dân khu làng ngân ngấn :“Ngôi làng đặc biệt, vị già nhất làng không quá 60 tuổi. Với thương tật hầu hết trên 90%, làm sao thọ được. Từ chỗ hàng ngàn người, nay chỉ còn 104 đồng đội. Khu làng dần vắng vẻ, chúng tôi nhiều đêm không ngủ, ngẩn ngơ, thao thức”.

Mỗi lần đưa tiễn đồng đội về nơi an nghỉ cuối cùng, là hàng trăm chiếc xe lăn chầm chậm lăn bánh theo sau linh cữu. Ngày nắng chang chang cũng như ngày mưa tầm tã, còn hình ảnh nào bi thương hơn thế. Khi ấy, sự mất mát được xẻ chia thành trăm lần.

Những khi gia đình trong xóm có việc vui như dự đám cưới con đồng đội, là hình ảnh hàng trăm chiếc xe háo hức lăn bánh đến chia vui. Những dãy bàn phải kê rộng hơn rất nhiều lần so với bình thường để có chỗ cho sáu chiếc xe lăn, vừa vặn một mâm cỗ. Khi ấy, hạnh phúc được nhân lên hàng trăm lần.

Thoát khỏi dòng tâm tưởng, ông Liên chiêm nghiệm: “Cô đã đi nhiều nơi, liệu có nơi nào mật độ xe lăn dày đặc như ở đây? Chúng tôi tự hào đã sản sinh ra nền “văn hóa xe lăn" này đấy.”

Hạnh phúc trong ngôi nhà mới

Sinh hoạt hằng ngày của thương bệnh binh trung tâm.

Bà Mai Thị Hường đang ngồi trên chiếc xe lăn  hong tóc, thấy chúng tôi, bà niềm nở mời vào nhà. Bà khoe mới chuyển về ở khu nhà mới một tháng. Căn phòng rộng khoảng 30 mét vuông còn thơm mùi vôi ve, chia thành hai khu: phòng ở và khu nhà bếp có nhà vệ sinh khép kín.

Anh Vũ Văn Như, trưởng phòng Tổ chức hành chính giới thiệu: “ Sáu khu nhà ở với 70 gian dành cho thương binh được xây dựng từ dự án xây nhà cho thương bệnh binh với nguồn kinh phí 10 tỷ đồng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Khi công trình hoàn tất, mỗi thương bệnh binh được ở trong một căn hộ khép kín. Ngoài ra, khu khám chữa bệnh cũng đang được xây dựng mới”.

Bà Hường là một trong hai nữ thương binh độc thân ở khu nhà này. Bà gắn bó với trung tâm từ những năm còn đóng tại Ba Vì. Bà nói: Bà đã cống hiến một phần xương máu cho sự nghiệp giải phóng đất nước, bản thân có thiệt thòi nhưng quanh bà còn bao nhiêu đồng đội khác cũng như vậy. Thời kỳ bao cấp, cả đất nước chịu cảnh vất vả nhưng riêng thương binh vẫn được hưởng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước. Bà  bảo cuộc đời bà nay đã thật sự nở hoa.

Bà Hường kể, từ khi chuyển về nhà mới, bà được phát ti vi, bếp từ, giường, ghế, tủ, bình lọc nước. Chiếc tủ lạnh thì bà tự sắm. Bây giờ, bà yên tâm sống nốt cuộc đời còn lại.

Đội ngũ nhân viên, y bác sĩ luôn túc trực 24/24h
phục vụ tận tình thương bệnh binh.

Từng căn hộ luôn sạch sẽ và thoáng mát bởi sáng nào cũng có nhân viên vệ sinh lau chùi bóng loáng. Những thương bệnh binh không có người nhà chăm sóc,  lúc ốm đau đã có nhân viên y tế phục vụ 24/24. Họ giúp từng thương binh nấu nướng, đút cơm, tắm rửa, giặt quần áo...

Chả vậy mà ông Nguyễn Văn Sán, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Thông thường những người đến tuổi xế chiều, muốn quay về quê cha đất tổ sống những năm tháng cuối cùng. Nhưng ở đây thì ngược lại. Lúc còn nhúc nhắc, các anh về quê với gia đình, vợ con. Nhưng khi có tuổi, đều muốn quay về trung tâm. Hầu hết các anh khi ở quê nhà, điều kiện chữa trị không có. Trong khi ở trung tâm, lúc ốm đau, bệnh tật, đã có đội ngũ y bác sĩ, nhân viên trung tâm tận tình chăm sóc, thuốc thang”.

Cháu giúp ông nào.

Không khí ở khu gia đình tấp nập và đầm ấm hơn bởi tiếng cười đùa của lũ trẻ, lại có mùi thơm của thức ăn xào nấu quyện lên không trung. Hình ảnh thường thấy trước cửa mỗi căn nhà là chiếc xe lăn dựng bên cạnh những xe máy. Bữa trưa, những vị khách không mời như chúng tôi được chứng kiến người vợ gắp từng miếng thức ăn vào bát chồng, hay cô con dâu chải tóc và cài khuy áo cho mẹ chồng, thật xúc động biết bao.

Nếu như không ngồi nghe chủ nhân của căn nhà kể về những năm tháng vất vả mà họ phải trải qua để có được phút giây bình yên và hạnh phúc này thật khó có thể tưởng tượng được.

Có gia đình, những người thương binh phải lăn lộn để kiếm sống. Người chạy xe ôm bằng loại xe gắn máy dùng cho người khuyết tật, người phụ gia đình chăn nuôi gia  súc, gia cầm. Cũng nhờ Trung tâm mời thầy giáo ở trường Đại học Bách khoa về dạy nghề điện tử nên nhiều thương binh sống được nhờ nghề chữa máy điện tử, điện cơ.

Những người đàn bà vật lộn với mảng ruộng, chuồng heo, gấp phong bì thư, dán hộp cát tông thuê, nuôi con, chăm sóc chồng liệt, giặt quần áo, cơm nước... tất cả bằng đôi chân. Người tháo vát một chút thì chạy chợ tại các bến tàu, bến xe liên tỉnh. Cách bán hàng của họ cũng khác lạ lắm. Cứ bày hàng ra, người mua tự cân, tự tính tiền rồi bỏ vào túi cho người bán…

Bà Nguyễn Thị Phong để lại đôi cánh tay ở tuyến đường Trường Sơn khi mới 20 tuổi. Tại trại thương binh, bà gặp ông Hà Văn Chuẩn, liệt cả hai chân. Họ yêu nhau, nên vợ nên chồng, rồi lần lượt ba đứa con chào đời. Khi chồng ốm nặng, bà phải đứng chênh vênh trên miệng giếng dùng cùi tay múc nước để sinh hoạt, tưới rau và nuôi lợn, gà. Mỗi khi dùng đôi chân giặt xong chậu quần áo, bà lấy cùi tay nâng cậu con trai chưa đầy ba tuổi lên  giúp mẹ phơi quần áo.

Nghĩ lại những đoạn trường đã qua, bà rưng rưng nước mắt. “Đến hồi sung sướng, an nhàn thì ông ấy không được hưởng”. Trái tim tôi thắt lại khi nhìn thấy bà Phong dùng cùi tay gạt nước mắt. Chính hai cánh tay không còn vẹn nguyên ấy xoa đầu và vỗ về tôi như thể đứa con đi xa mới trở về nhà: “Thế hệ cha anh đã hy sinh để các cháu có cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, hãy sống xứng đáng để thế hệ chúng tôi không ân hận, tiếc nuối”.

Ngày mới đã về

Ông Sán chỉ tay ra phía xa xa nói: “Dự án cải tạo Trung tâm chia thành bốn khu khang trang và bài bản trên tổng diện tích gần bốn ha sẽ được tiến hành trong thời gian sớm nhất. Sau khi xây xong khu độc thân, năm 2009 sẽ tiến hành xây mới những căn hộ khu gia đình. Điều đó chứng tỏ Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho thương bệnh binh được hưởng những gì tốt nhất, xứng đáng với cống hiến của họ”.

Đầy tự hào và vui sướng, ông bật mí: Nhân dịp 27-7, trung tâm sẽ vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm. Đây sẽ là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với toàn thể cán bộ nhân viên và thương bệnh binh của trung tâm.

Dịp này, khu làng tấp nập và đông vui hơn bởi từng đoàn người từ khắp các tỉnh tìm đến tri ân và chia xẻ. Những người thương binh lại nén cơn đau từ những vết thương tái phát ngồi dậy nở những nụ cười tươi rói chào đón khách quý.

Ngày mới, ở khu làng thương binh, đâu đâu người ta cũng dễ dàng bắt gặp sự lạc quan, tin tưởng thể hiện trên từng ánh mắt, từng nụ cười, từng căn nhà và trên từng những vần thơ của người cựu chiến binh Phạm Công Liên:

Làng vui dần lên
Những người đàn ông ngồi dưới gốc cây bàng khẽ hát
Lớp trẻ lớn lên đi khắp miền đất nước
Những người cha ngồi xe lăn bồi hồi
Ngậm ngùi- cười
Ngậm ngùi-yêu
Ngậm ngùi…hạnh phúc!