Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngành ngân hàng

NDO -

NDĐT - Ngày 2-1, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 ngành ngân hàng

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước năm qua, phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ (CSTT) với các chính sách khác, vừa giúp bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa có mặt bằng lãi suất giảm và kiểm soát lạm phát. Bên cạnh những kết quả tích cực đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế để ngành ngân hàng nhận thức rõ và có giải pháp khắc phục.

Đề cập phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ mà Thủ tướng vừa ký ban hành; theo dõi sát tình hình để kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biến động vĩ mô tiền tệ, tín dụng quốc tế và trong nước.

Nhấn mạnh, ổn định vĩ mô vẫn là trung tâm trong điều hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu NHNN phải bảo đảm mức tăng trưởng tín dụng hợp lý phù hợp, đáp ứng các mục tiêu của nền kinh tế. Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý là yêu cầu đối với CSTT mà Nghị quyết 01 đề ra. Tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm chất lượng tín dụng; ngăn chặn tín dụng đen; có chiến lược phát triển ngành đến năm 2030.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN phải đồng thời thực hiện hai mục tiêu kép, một là tạo môi trường thuận lợi cho các ngân hàng thương mại (NHTM), tổ chức tín dụng (TCTD) phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, cạnh tranh quốc tế; hai là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, với phương châm dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tín dụng trong thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, có giải pháp, đối sách ứng phó biến động quốc tế khu vực phải đặc biệt chú ý. Các bộ phận nghiên cứu chiến lược của từng NHTM lớn và NHNN phải đặt ra quyết liệt vấn đề này. Phải chú ý hơn nữa phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, thảo luận đề xuất quyết sách hằng tháng trước Chính phủ.

NHNN tiếp tục tập trung xử lý các TCTD yếu kém, hạn chế nợ xấu phát sinh. Mong muốn nước ta có những ngân hàng lớn tầm khu vực và thế giới, Thủ tướng tán thành việc đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy chuyển đổi mô hình NHNN điện tử và mô hình NHTM số.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng chín tập thể thuộc ngành ngân hàng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và sự nỗ lực của hệ thống các TCTD, ước tính đến tháng 12-2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD ở mức 1,89% (hoàn thành mục tiêu dưới 2%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 12-2019, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý 1.064 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến cuối tháng 12-2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý 305,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt). Tính trung bình từ 15-8-2017 đến tháng 12-2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý khoảng 10,5 nghìn tỷ đồng/tháng…