Ðổi mới sản xuất nông nghiệp ở đồng bằng sông Hồng (Kỳ 3) (*)

Bài 3: Nghịch lý trên đồng ruộng

Ruộng đất là một tư liệu sản xuất quan trọng và cần phải được trao cho người có nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều hộ sử dụng ruộng đất trồng lúa kém hiệu quả, thậm chí bỏ hoang hóa, trong khi đó nhiều hộ có điều kiện về nhân lực, khoa học - kỹ thuật muốn đầu tư mở rộng sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao lại không có ruộng để canh tác.

Người dân huyện Ðông Anh (TP Hà Nội) nỗ lực duy trì sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó khăn. Ảnh: MỸ HÀ
Người dân huyện Ðông Anh (TP Hà Nội) nỗ lực duy trì sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khó khăn. Ảnh: MỸ HÀ

Tâm lý giữ ruộng cùng những vướng mắc trong hành lang pháp lý đã và đang cản trở việc tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, hiện đại, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.

Chán nhưng không trả

Thực tế, có một tỷ lệ không nhỏ số hộ ở nông thôn hiện nay không còn trực tiếp sản xuất nông nghiệp mặc dù vẫn đứng tên sở hữu quyền sử dụng đất nông nghiệp. Những diện tích này được cho thuê, cho mượn hoặc chuyển quyền sử dụng cho các hộ khác, thậm chí bỏ hoang. Tuy nhiên, tại các địa phương chúng tôi đến làm việc, hầu như chưa có trường hợp nào xin trả lại ruộng đất cho chính quyền. Tâm lý giữ phần ruộng được chia như một thứ bảo đảm an toàn sinh kế vẫn còn rất nặng trong hầu hết nông dân hiện nay. Ðây chính là một trong những rào cản lớn cho việc thực hiện tích tụ đất đai, dẫn đến một nghịch lý tồn tại ở hầu hết các địa phương, đó là người không làm vẫn giữ ruộng, còn người cần ruộng để làm thì không có ruộng. Trường hợp của Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ HD Green (xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, Hải Dương) là một thí dụ. Giám đốc công ty Mai Xuân Thịnh vốn là một cán bộ ngân hàng nhưng đã xin nghỉ việc để thuê đất đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Anh chia sẻ: “Hiện công ty có 5 ha đất sản xuất, có nhu cầu thuê thêm vì thị trường tiêu thụ các sản phẩm rau quả sạch khá tốt, nhưng không thể thỏa thuận được với các hộ dân. Có những hộ, ruộng để đó, sản xuất chẳng hiệu quả nhưng nhất quyết không cho thuê. Trong khi đó, chúng tôi cần một diện tích lớn, liền nhau cho nên chỉ một vài hộ không đồng ý là không thể triển khai kế hoạch sản xuất được”. Chủ tịch xã Ngũ Hùng (huyện Thanh Miện, Hải Dương) Nguyễn Xuân Hoàng cũng chia sẻ một trường hợp điển hình trên địa bàn: Năm 2016, một doanh nghiệp muốn thuê 15 ha đất nông nghiệp của dân để thực hiện mô hình trồng cây giá trị kinh tế cao, với mức tiền thuê 650 nghìn đồng/sào/năm. Tuy nhiên có bốn hộ trong cùng khu không đồng ý cho thuê nên dự án không triển khai được. Ðiều đáng nói, bốn hộ này chỉ sản xuất cầm chừng và nhân lực đã chuyển hết sang các nghề phi nông nghiệp khác, nhưng họ vẫn không muốn cho thuê ruộng.

Về nguyên nhân của tình trạng này,Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ân Thi (Hưng Yên) Nguyễn Thúy Giang cho biết: Ngoài tâm lý giữ ruộng nhằm bảo đảm sinh kế có từ lâu đời nay trong nông dân thì việc giữ ruộng còn do họ hầu như không phải đóng góp gì trên phương diện tài chính, vì thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện được miễn, thủy lợi phí và các khoản đóng góp khác nhiều nơi cũng được miễn hoặc đóng không đáng kể. Chưa kể đến, nhiều người giữ ruộng vì chưa tìm được tiếng nói chung với chủ đầu tư thuê đất về lợi ích; giữ ruộng để mong được hỗ trợ, đền bù khi giải phóng mặt bằng làm khu công nghiệp hoặc các công trình khác. Chính vì vậy, hiện nay, người chán sản xuất nông nghiệp thì nhiều nhưng số hộ xin trả lại ruộng trên địa bàn huyện lại không có. Trong khi đó, nhiều hộ cũng không có ý định cho thuê quyền sử dụng đất vì khi cho thuê, nếu phải ký hợp đồng ba đến 5 năm thì họ e ngại trong thời gian đó, có dự án đầu tư có thể được hưởng tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc thỏa thuận chuyển nhượng thì khó đòi lại đất. Xét trên khía cạnh pháp lý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phân tích: “Hiện nay, theo pháp luật, việc thu hồi đất bỏ không cũng rất khó. Theo quy định tại Ðiều 64 Luật Ðất đai năm 2013, đất trồng cây hằng năm không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời hạn 18 tháng liên tục, sẽ bị thu hồi. Thực tế tại Thái Bình, có một số khu vực người dân không mặn mà với đồng ruộng, chỉ gieo cấy với tâm lý “được chăng hay chớ” để tránh bỏ đất hoang quá thời gian quy định cho nên cũng không thể thu hồi”.

Thiếu hành lang pháp lý

Bên cạnh tâm lý giữ ruộng của nông dân, việc tập trung ruộng đất hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hành lang pháp lý, khiến nhiều người, nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích canh tác nhưng không thể thực hiện được. Hiện pháp luật chưa có chế tài quy định về việc xử lý tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất. Anh Phạm Văn Tính (thôn Ngọc Châu, xã Quang Vinh, huyện Ân Thi) kể: “Cách đây vài năm, gia đình tôi có thuê năm sào đất của một hộ gia đình với thời hạn 5 năm. Sau khi chúng tôi cải tạo đất và trồng cam được ba năm thì họ phá hợp đồng, kiên quyết đòi lại đất. Cực chẳng đã, gia đình buộc phải trả lại đất và bao nhiêu công sức, tiền bạc cũng theo từng gốc cam ra đi”. Ðây là một trong những nguyên nhân khiến cả cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp còn nhiều e ngại khi thực hiện tích tụ ruộng đất.

Trong khi đó, với hình thức thuê đất thông qua chính quyền cũng đang tồn tại nhiều vấn đề. Ðiển hình như trường hợp tập trung và cho thuê đất của tỉnh Hà Nam đã có nhiều ý kiến trái chiều về vai trò của chính quyền trong việc thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân, sau đó cho tổ chức, doanh nghiệp thuê lại. Quan điểm ủng hộ cho rằng đây là cách làm mới, phù hợp điều kiện thực tế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Vì ai cũng biết, câu chuyện không ít doanh nghiệp “vào” rồi lại “ra” khỏi địa phương do không thể thỏa thuận thuê được đất của tất cả các hộ dân. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác cũng có ý kiến lo ngại về cách làm này. Nguyên Viện trưởng Kinh tế chính trị (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) GS,TS Chu Văn Cấp cho rằng: “Chính quyền không tham gia trực tiếp vào “cuộc chơi” theo cách đứng ra ký hợp đồng thuê đất của nông dân rồi cho doanh nghiệp thuê lại bởi chính quyền không phải là doanh nghiệp cho nên không có tư cách pháp nhân ký hợp đồng thuê đất và cho thuê đất với nông dân và doanh nghiệp. Chính quyền chỉ nên làm trung gian hỗ trợ doanh nghiệp và hộ nông dân trong thỏa thuận mua, thuê đất. Doanh nghiệp tự thương thảo với nông dân theo cơ chế thị trường và chính quyền chỉ đứng ra làm chứng, xác nhận để đôi bên yên tâm hơn. Chính quyền không được ép buộc hộ nông dân nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất một khi họ chưa tự nguyện, nếu ép buộc sẽ biến tướng sang thu hồi đất bằng biện pháp hành chính”. Ngoài yếu tố pháp lý thì cách làm của tỉnh Hà Nam cũng còn có những vướng mắc về tài chính cho nên khó nhân rộng. Ðó là khi chính quyền trả trước toàn bộ tiền thuê đất của người dân để chờ khi nhà đầu tư vào có đất giao ngay thì cần phải có một lượng vốn lớn chi trả, nhưng nguồn lực tài chính của nhiều tỉnh lại có hạn, không thể đáp ứng được.

Trong khi việc thuê quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn thì việc tích tụ ruộng đất theo hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cũng vướng cả về pháp lý và các vấn đề xã hội dễ nảy sinh. Ðây là hình thức tích tụ mà chủ sử dụng đất nông nghiệp thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất để mở rộng quy mô sản xuất. Việc chuyển nhượng được tiến hành theo thỏa thuận thông qua thị trường chuyển nhượng đất đai có sự xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên hình thức này rất khó thực hiện với quy mô lớn vì chịu ảnh hưởng của chính sách hạn điền. Theo quy định tại Luật Ðất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Hồng là không quá 2 ha; hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, việc nhận chuyển quyền sử dụng đất lớn nhất là 20 ha. Bên cạnh đó, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hiện khá cao, khoảng 800 triệu đồng đến một tỷ đồng/ha tạo ra hạn chế lớn cho tích tụ theo cách này vì khó để sản xuất nông nghiệp có lãi với số vốn bỏ ra ban đầu lớn.

Tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại là một xu hướng tất yếu, song chắc chắn quá trình này sẽ không dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều, bởi xuất phát điểm của nền nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng vốn manh mún, nhỏ lẻ; lại cộng thêm thói quen giữ ruộng, canh tác truyền thống đã ăn sâu. Chính vì vậy, các địa phương cần xác định rõ, đẩy mạnh tập trung ruộng đất là một nhiệm vụ khó khăn và dài hơi nhưng không thể không làm, để từ đó có những giải pháp quyết liệt cho sự thay đổi này.

(Còn nữa)

* Bài 2: Ðịnh hình xu hướng mới

* Bài 1: Khi nông dân bỏ ruộng

--------------------------------------------------------------

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26, 27-11-2019.

Theo điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 2015, khó khăn về đất đai thường gặp đối với các doanh nghiệp nông nghiệp là thiếu đất cho vùng nguyên liệu, thiếu đất xây dựng trụ sở, khu chế biến… Có 50% số doanh nghiệp được điều tra cho rằng, việc thiếu đất và mặt bằng là cản trở lớn nhất để đầu tư và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Có 67,7% số doanh nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Trong khi đó, theo kết quả điều tra năm 2014, tỷ lệ hộ cho thuê đất nông nghiệp chỉ ở mức 10,5%. Cách thức cho thuê đất vẫn hạn chế, đối tượng cho thuê chủ yếu vẫn là gia đình, họ hàng, làng xóm (chiếm hơn 70%). Tính đến thời điểm này, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cả trực tiếp và gián tiếp đạt con số 60.800, chỉ chiếm 8% trong tổng số 750 nghìn doanh nghiệp của cả nước.