Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp tiêu thụ thanh long

NDO -

NDĐT - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra đã và đang diễn biến hết sức phức tạp tại Trung Quốc. Các cửa khẩu của các tỉnh biên giới phía bắc đã tạm dừng các giao dịch trao đổi hàng hóa đến hết ngày 8-2-2020, dự báo có thể kéo dài thời gian tạm dừng thông thương hàng hóa. Do đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của Bình Thuận đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng hàng bị dồn ứ tại các cửa khẩu ở biên giới phía bắc vì hàng không được thông quan qua Trung Quốc.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo cuộc họp bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ thanh long bị ảnh hưởng do dịch bệnh nCoV.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo cuộc họp bàn giải pháp sản xuất, tiêu thụ thanh long bị ảnh hưởng do dịch bệnh nCoV.

Hiện nay, thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang trong thời điểm ra trái vụ, tuy nhiên sức mua thanh long tại các nhà vườn có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ, một số doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long đã ngừng mua hoặc có thu mua thì với giá rất rẻ. Chị Hồ Thị Mai, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay các thương lái cứ nói do dịch bệnh nên ép giá, thanh long giờ chỉ còn từ 2.000 đồng đến 4.000 đồng/kg, người dân cũng rất lo thanh long giá thấp...".

Anh Nguyễn Quốc Thắng, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận tâm sự: "Bà con nông dân trồng thanh long bây giờ ai cũng lo vì giá rất thấp, với thanh long chong đèn trái vụ như thế này thì người nông dân bị lỗ rất nhiều".

Bình Thuận có tổng diện tích trồng thanh long gần 30 nghìn ha, hiện có khoảng 10 nghìn ha thanh long đang xử lý chong đèn cho ra trái vụ, ước sản lượng thu hoạch đạt từ 85 nghìn đến 100 nghìn tấn. Trong khi đó, vẫn còn hơn 500 xe container chở khoảng 10 nghìn tấn thanh long bị dồn ứ tại các cửa khẩu biên giới đang chờ thông quan.

Với sản lượng thanh long của Bình Thuận lớn như vậy mà không thể bán được làm cho người nông dân trồng thanh long hết sức khó khăn. Để hỗ trợ, đồng hành cùng người nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tại Bình Thuận đã đứng ra thu mua hàng nghìn tấn trái cây này.

Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp tiêu thụ thanh long ảnh 1

Trong những ngày qua, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Kiên Kiên 1&2, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) đã thu mua 2.000 tấn thanh long trữ vào kho lạnh.

Bà Đinh Thị Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Kiên Kiên 1&2 đã 10 năm nay xuất khẩu thanh long cho biết, chưa bao giờ thấy tình trạng xuất khẩu thanh long gặp khó khăn như thế này. Hiện, lượng hàng của công ty Kiên Kiên ở bên Trung Quốc vẫn chưa tiêu thụ hết. Thế nhưng, bà Kiên vẫn quyết định thu mua hơn 2.000 tấn thanh long với giá từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg trữ vào kho lạnh hiện có để chia sẻ phần nào khó khăn cho người dân trong thời điểm hiện tại. Bà Kiên chia sẻ: "Chúng tôi chưa bán được hàng nhưng chúng tôi thấy mối lái và người nông dân sản xuất ra trái thanh long rất khổ mà nhà tôi có kho lạnh 2.000 tấn nên chúng tôi thu mua từ ngày hôm qua, mua để cho công nhân làm mỗi ngày 200 đến 300 tấn, mới hai ngày đã hơn 1.000 tấn rồi, mua để cắt dần chia sẻ với người dân".

Những ngày qua, không riêng Công ty TNHH TM-XNK Kiên Kiên 1&2, nhiều doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long tại Bình Thuận cũng đã mua trữ thanh long với hơn 1.000 tấn như Công ty TNHH Sơn Thủy, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nông sản Nguyên Thuận…

Chị Nguyễn Thị Anh Thi , quản lý Công ty TNHH Sơn Thủy, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cũng đồng cảm với nỗi khó khăn vất vả của người nông dân khi không bán được thanh long: “Mình mua để sẵn trong kho, hiện tại ở cửa khẩu còn rất nhiều, mình cũng chờ sẵn thôi, nếu không mua thanh long cho nông dân thì họ không giải quyết được số thanh long chín ở trên cây, để nó hư, giá đã rẻ lại không bán được rất là tội nông dân, nên mình cùng đồng hành với nông dân trong lúc dịch bệnh này”.

Bình Thuận triển khai nhiều giải pháp tiêu thụ thanh long ảnh 2

Đồng hành cùng nông dân trong lúc khó khăn, Công ty TNHH Sơn Thủy, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) vẫn tiếp tục thu mua thanh long trữ vào kho lạnh.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 170 doanh nghiệp và cơ sở thu mua thanh long với 120 kho lạnh có sức chứa khoảng 7.000 tấn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chính ngạch vào thị trường: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ đã huy động các kho lạnh này, cùng với đó tận dụng các container lạnh làm kho chứa để mua và trữ thanh long hỗ trợ nông dân.

Trước thực tế này, UBND tỉnh Bình Thuận cùng các sở, ngành, cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp triển khai các giải pháp để xuất khẩu tiêu thụ thanh long trong tình hình dịch bệnh do nCoV. Theo đó, đẩy mạnh tiêu thụ thanh long ở thị trường trong nước; kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ cho tỉnh trong việc tiêu thụ thanh long tươi trong hệ thống, chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất chế biến trong cả nước và lưu kho tại các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logistics. Các sở, ngành chức năng của tỉnh trực tiếp làm việc với các tập đoàn, công ty bán lẻ, trung tâm thương mại lớn ở trong nước để hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản hiện đang lưu kho và đến kỳ thu hoạch. Đến ngày 7-2, đã có một số đơn vị như: Big C, VinMart, Lotte Mart, Co.op Mart thông báo sẽ mua thanh long Bình Thuận với số lượng dự kiến 120 tấn/ngày. Ngoài ra, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng đang giới thiệu ba chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Môn, Hóc Môn và các doanh nghiệp thành viên hỗ trợ tiêu thụ thanh long Bình Thuận.

UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân, các cơ sở trồng, sản xuất thanh long có kế hoạch sản xuất hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ trong thời gian tới. Các hộ trồng thanh long không có hợp đồng tiêu thụ thanh long ổn định nên hạn chế hoặc không chong đèn trái vụ trong thời điểm tháng 2 này nhằm hạn chế thiệt hại khi không có đầu ra cho sản phẩm; xử lý bằng kỹ thuật chăm sóc thanh long phù hợp với sản lượng gần tới kỳ thu hoạch. Tiếp tục tuyên truyền vận động nông dân tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ truyền thống khác hiện có ngoài Trung Quốc; tăng cường liên kết doanh nghiệp với nhau nhằm tạo được các chuỗi giá trị quy mô lớn đủ sức cạnh tranh và tiêu thụ ổn định; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ thanh long nhằm phát huy hết công suất nhà xưởng như bồn chứa, công nghệ, mở rộng nhà xưởng, đồng thời giảm áp lực tiêu thụ trái tươi.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, trước mắt để kịp tiêu thụ hơn 45 nghìn tấn thanh long sẽ thu hoạch trong tháng 2 này, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, Hiệp hội thanh long Bình Thuận, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua thanh long phải phối hợp nghiên cứu ngay việc đề xuất chính sách hỗ trợ thuê những kho lạnh đủ điều kiện tạm trữ thanh long, chính sách hỗ trợ tiền điện cho các chủ kho lạnh. Rà soát các đơn vị, người dân trồng thanh long vay vốn ngân hàng bị rủi ro do ảnh hưởng dịch bệnh nCoV để hỗ trợ kịp thời; tổ chức củng cố lại sản xuất theo chuỗi liên kết trên tinh thần phát huy bảo quản, chế biến, thu mua xuất khẩu thanh long. Phải kết nối để các doanh nghiệp kinh doanh thanh long trong tỉnh với các đơn vị mua thanh long ký kết hợp đồng ba bên ngay trong một vài ngày tới.