Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả dịp tết Nguyên đán

NDO -

NDĐT - Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 tiềm ẩn những diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng dịp cận tết tăng cao. Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Lịch, Cục phó Cục Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan về vấn đề trên.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục chống Buôn lậu, Tổng cục Hải quan.
Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục chống Buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

PV: Trong thời gian trước Tết Nguyên đán hằng năm, tình hình buôn lậu hàng cấm, hàng giả, hàng nhái… luôn diễn biến phức tạp trên địa bàn biên giới cả nước. Cục chống buôn lậu TCHQ đã có những kế hoạch gì để phòng chống hiệu quả tình trạng trên?

Ông Nguyễn Văn Lịch: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính, ngày 12-11-2019, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong đó tập trung chỉ đạo các đơn vị:

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Tập trung kiểm soát chặt nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng... Tăng cường công tác thu thập xử lý thông tin, chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, kịp thời xác lập chuyên án, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm.

Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng, Kiểm lâm, Quản lý thị trường... chia sẻ thông tin, nắm tình hình, tuần tra kiểm soát, xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống buôn lậu; Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm...

PV: Trong dịp tết Nguyên đán, cửa khẩu nào sẽ có diễn biến phức tạp về buôn lậu? những mặt hàng điển hình của từng cửa khẩu mà các đối tượng tập trung?

Ông Nguyễn Văn Lịch:

Tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ: Với đặc điểm đường biên giới trải dài, địa hình phức tạp, tiếp giáp với ba nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới với nhiều chủng loại hàng khác nhau. Trọng điểm là địa bàn các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang… Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép chủ yếu là các mặt hàng: Hàng bách hóa tiêu dùng, vật liệu xây dựng, đồ điện tử và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán như: thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, hoa quả, thực phẩm, gia súc, gia cầm... Đặc biệt, trước dịp Tết Nguyên đán, tình trạng vận chuyển trái phép, tàng trữ mặt hàng pháo nổ dự báo diễn phức tạp, các đối tượng ngày càng liều lĩnh khi vận chuyển pháo với số lượng lớn.

Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế: Địa bàn trọng điểm là các cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng; bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, mặt hàng vi phạm chủ yếu bao gồm: sản phẩm động vật hoang dã quý hiếm, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà,... Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển trái phép các chất ma túy tiếp tục diễn ra phức tạp.

Tuyến đường biển, cảng biển, cảng sông quốc tế: Địa bàn trọng điểm là khu vực cảng biển TP Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng biển Đông Bắc và miền trung. Tập trung vào các mặt hàng xăng, dầu, than, khoáng sản, gỗ, động thực vật và sản phẩm của động thực vật hoang dã; lá khát, phế liệu, khoáng sản, thiết bị điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng đã qua sử dụng.

PV: Trong năm 2019, Cục chống buôn lậu TCHQ đã điều tra, xử lý bao nhiêu vụ buôn lậu? Những mặt hàng nào là nhiều nhất? Những vụ điển hình?

Ông Nguyễn Văn Lịch: Tính đến tháng 11 năm 2019, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.784 vụ vi phạm pháp luật Hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.854 tỷ 401 triệu đồng; Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 448 tỷ 360 triệu đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 45 vụ. Chuyển cơ quan khác khởi tố 125 vụ.

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng Hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện và bắt giữ 150 vụ, 147 đối tượng, thu giữ 19,2 kg và 764 bánh Heroin; 1.668,8 kg và 308.539 viên ma túy tổng hợp; 24,3 kg cần sa; 21 kg thuốc phiện; 4 kg cocain…

Trong năm, lực lượng Hải quan cũng đã chủ trì và phối hợp đấu tranh thành công nhiều chuyên án lớn. Nổi bật là chuyên án MT619 đấu tranh với đường dây do đối tượng là người Đài Loan (Trung Quốc) điều hành, vận chuyển trái phép ma túy đi Đài Loan. Đây là chuyên án do Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì, phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) và lực lượng chức năng phía Đài Loan ( Trung Quốc) qua hợp tác quốc tế, tiến hành từ khâu điều tra cơ bản, trinh sát cho đến tổ chức kế hoạch phá án. Kết quả, ngày 3-11-2019, đã triệt phá thành công đường dây vận chuyển buôn bán ma túy xuyên quốc gia này, thu giữ 446 bánh Heroin.

Ngoài ra, cơ quan Hải quan đã phối hợp lực lượng C04 - Bộ Công an phá thành công đường dây vận chuyển ma túy từ Việt Nam đi nước thứ ba thuộc chuyên án LP218 của Bộ Công an, thu giữ tại TP Hồ Chí Minh 300kg ma túy đá và kịp thời chia sẻ thông tin với lực lượng chức năng của Philippines tiếp tục bắt giữ 276 kg ma túy đá; phối hợp với các lực lượng chức năng khác phá thành công chuyên án M918 thu giữ 507 kg Ketamin.

Thứ hai, trong năm 2019, lực lượng kiểm soát hải quan đã bắt giữ 26 vụ việc, khởi tố sáu vụ việc liên quan đến buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã qua biên giới. Điển hình:

Ngày 20 tháng 3 năm 2019 tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Chi cục Hải quan CK Cảng Đà Nẵng, Cục Hải quan TP Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Cảnh sát môi trường C05 – Bộ Công an kiểm tra lô hàng nhập khẩu gồm ba container. Kết quả khám xét phát hiện 9.124 kg ngà voi. Các đối tượng đã dùng thủ đoạn tinh vi, đóng trong các thanh gỗ tạo thành hộp, rỗng bên trong chứa ngà voi (gồm 9 hộp gỗ có chứa ngà voi và 1 hộp gỗ không chứa ngà voi). Cục Hải quan TP Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố vụ việc.

Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả dịp tết Nguyên đán ảnh 1

Lượng ngà voi buôn lậu lớn nhất từ trước đến nay đã bị Cục chống Buôn lậu TCHQ bắt giữ vào tháng 3-2019.

PV: Cục chống buôn lậu gặp những thuận lợi, khó khăn gì trong công tác phòng, chống buôn lậu?

Ông Nguyễn Văn Lịch: Một là, thẩm quyền điều tra theo thủ tục tố tụng hình sự của cơ quan Hải quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu còn bị hạn chế. Pháp luật hiện hành chỉ quy định cho cơ quan Hải quan có thẩm quyền điều tra theo tố tụng hình sự đối với ba tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự gồm: Tội "buôn lậu" - Điều 188; tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" - Điều 189; tội “sản xuất, buôn bán hàng cấm” - Điều 190. Tuy nhiên, trong thực tế hoạt động quản lý nhà nước về hải quan xuất hiện rất nhiều loại tội phạm xảy ra liên quan đến lĩnh vực hải quan, do cơ quan Hải quan trực tiếp phát hiện, xử lý như: Vận chuyển trái phép vũ khí, ma túy qua biên giới; trốn thuế, rửa tiền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, môi trường… Khi phát hiện, bắt giữ những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội này, cơ quan Hải quan phải chuyển cho cơ quan điều tra, mất rất nhiều thời gian về thủ tục, không bảo đảm được tính kịp thời trong phát hiện, điều tra tội phạm.

Hai là, trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự, việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra có ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên, cơ quan Hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng. Sau khi thu giữ vật chứng, cơ quan Hải quan phải gửi sang cơ quan Công an, dẫn tới ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án.

Ba là, công tác giám định, xác định tình trạng pháp lý của lô hàng, xác định trị giá hàng xâm phạm và tiêu hủy hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN chưa nắm được đầy đủ quy định pháp luật và quy trình thực thi sở hữu trí tuệ, chống hàng giả trong lĩnh vực hải quan, dẫn đến thiếu chủ động và thiện chí hợp tác với cơ quan Hải quan trong đấu tranh và xử lý cương quyết đối với các vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.

PV: Để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, thời gian tới, Cục Chống buôn lậu đã có kế hoạch như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Lịch: Để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kiểm soát Hải quan, trong thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

Bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo 389/QG, Ban chỉ đạo 138/CP, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế cho từng địa bàn.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về Hải quan nói chung và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng.

Tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo; tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cả bề rộng và chiều sâu về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả để mọi công dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này.

PV: Xin cảm ơn ông!