Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Thành phố Hồ Chí Minh đặt kế hoạch đến hết tháng 7-2019 sẽ giải ngân được 50% vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ này mới đạt 26% trong tổng số 33.170 tỷ đồng của năm 2019. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên đã được lãnh đạo thành phố phân tích, tìm giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Công trình giao thông được đầu tư hiện đại ở phía nam thành phố.
Công trình giao thông được đầu tư hiện đại ở phía nam thành phố.

Chậm từ quận, huyện đến thành phố

Thống kê cho thấy, tính đến nay đã có 13 quận, huyện giải ngân hơn 50% và 11 quận, huyện giải ngân dưới 50%. Cụ thể như: quận 11 đạt tỷ lệ giải ngân 4%, huyện Cần Giờ đạt hơn 31%, quận 5 khoảng 33%, huyện Nhà Bè hơn 34%, quận 9 khoảng 35%...

Lý giải về việc giải ngân vốn đầu tư công thấp, lãnh đạo quận 11 cho biết, tổng vốn đầu tư công của quận trong năm 2019 là 101 tỷ đồng, tập trung cho bốn dự án lớn về xây trường học và nhà thiếu nhi. Tuy nhiên, do địa phương mới nhận vốn đợt 2 hồi tháng 7 cho nên có sự chậm trong giải ngân. Tương tự, quận Phú Nhuận có ba công trình lớn chưa được giải ngân vốn. Nguyên nhân chủ yếu do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng, vướng thủ tục hành chính, chậm quyết toán… dẫn đến toàn quận mới giải ngân được 13 trong số 88 tỷ đồng vốn đầu tư công.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến việc giải ngân đầu tư công của thành phố năm 2019 chậm, trong đó có nguyên nhân từ đầu năm UBND thành phố đã giao kế hoạch vốn cho 120 dự án bồi thường hoặc có thực hiện công tác bồi thường, tổng vốn đã giao 4.215 tỷ đồng (chiếm 15% kế hoạch vốn). Tuy nhiên, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp quỹ đất, đơn giá bồi thường… dẫn tới tình trạng chậm, kéo dài phổ biến. Nhiều dự án phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, tổng vốn giảm 3.200 tỷ đồng. Đơn cử như với các dự án bồi thường phục vụ xây dựng tuyến metro, hiện nay, giá bồi thường cho tuyến metro số 2 chưa được phê duyệt điều chỉnh, nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý. Do đó, UBND các quận đề xuất giảm kế hoạch vốn được giao. Ngoài ra, hồ sơ thẩm định dự án điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên và tuyến Bến Thành - Tham Lương cũng trong giai đoạn rà soát. Vì vậy, UBND các quận chưa có cơ sở giải ngân vốn kế hoạch năm 2019 để triển khai bồi thường theo quy định. Tương tự, một số công trình giao thông trọng điểm của thành phố chưa thể triển khai do công tác bồi thường, chưa có mặt bằng phục vụ thi công.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Tại cuộc họp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thu chi và phối hợp giữa các đơn vị thuộc ngành tài chính do UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 21-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo, có bốn đầu việc mà các chủ tịch UBND quận, huyện không được ủy thác cho các phó chủ tịch, trong đó có việc quản lý vốn ngân sách và tài sản công. Do đó, 11 quận, huyện giải ngân dưới 50% phải có báo cáo do chính chủ tịch UBND ký, gửi UBND thành phố kết quả giải ngân cụ thể từng dự án; giải trình nguyên nhân, khó khăn và đề xuất. Ông Tuyến cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do trách nhiệm của người đứng đầu, có sự chủ quan của chính quyền địa phương. Việc giải phóng mặt bằng chậm là do địa phương chỉ tư duy tính toán cho đủ vốn để bồi thường cho người dân nhưng không tính được thủ tục pháp lý của từng dự án.

Để đẩy nhanh tiến độ, UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp rà soát từng dự án giải phóng mặt bằng để giải quyết khúc mắc đơn giá, chính sách bồi thường, đề xuất xin Trung ương phê duyệt cơ chế giải phóng mặt bằng đặc thù để có những chính sách linh hoạt hơn. Sở cũng phải điều chỉnh việc bố trí vốn dự án, dự án nào triển khai tốt đề xuất bố trí tăng vốn, còn các dự án khó khăn sẽ điều chỉnh giảm đến mức thấp nhất, từ đó điều hòa nguồn vốn, bảo đảm thực hiện kế hoạch vốn được giao. Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi, đôn đốc Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến cơ chế rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Bởi nếu cơ chế này sớm được Chính phủ thông qua sẽ rút ngắn được thời gian, tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân đầu tư công.