Phát huy sức dân trong chỉnh trang đô thị

Thời gian qua, công tác vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí để mở rộng hẻm, làm đường mới, cải tạo kênh rạch, làm công viên cây xanh... là một trong những giải pháp đem lại hiệu quả cao trong chương trình chỉnh trang đô thị ở TP Hồ Chí Minh.

Một hẻm ở phường 8, quận 3 thông thoáng, rộng rãi, sạch đẹp do người dân tự nguyện hiến đất làm đường. 
Một hẻm ở phường 8, quận 3 thông thoáng, rộng rãi, sạch đẹp do người dân tự nguyện hiến đất làm đường. 

Trong năm 2021, quận 7 phấn đấu vận động người dân hiến đất mở rộng 25 tuyến hẻm, trong đó ưu tiên nâng cấp các hẻm có chiều rộng nhỏ hơn 3 m, bảo đảm chiều rộng hẻm sau khi mở rộng đạt ít nhất 4 m. Đối với hẻm chính có chiều rộng hiện hữu, nhỏ hơn hoặc bằng 2 m mở rộng lên ít nhất 4 m thì vận động nhân dân hiến đất và sử dụng kinh phí Nhà nước để thực hiện đầu tư xây dựng mở rộng hẻm chính. Trong đó, có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đối với hộ ở đầu hẻm, hộ bị xẻ dọc nhà, hộ có diện tích đất còn lại dưới 15 m² và chi phí hỗ trợ vật kiến trúc cho hộ nghèo, gia đình chính sách... Đối với hẻm chính có chiều rộng hiện hữu lớn hơn 2 m mở rộng lên 4 m thì vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí hỗ trợ vật kiến trúc cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Riêng các hẻm nhánh, sẽ vận động nhân dân tham gia đóng góp toàn bộ kinh phí đầu tư nâng cấp hẻm, kết nối với hẻm chính.

Theo Chủ tịch UBND quận 7 Hoàng Minh Tuấn Anh, để thực hiện hiệu quả kế hoạch mở rộng, nâng cấp hẻm thì sức dân đóng vai trò then chốt. Để người dân tin, ủng hộ, ngoài việc công khai nội dung dự án như: Quy mô đầu tư, hạng mục đầu tư, cao độ thiết kế, kinh phí thực hiện... thì chính quyền địa phương phải hỗ trợ, hướng dẫn người dân xin phép xây dựng hoặc sửa chữa nhà, xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (đối với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận); thực hiện cập nhật, điều chỉnh biến động nhà, đất (đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở) khi người dân tự nguyện hiến đất để mở rộng hẻm.

Ở quận 3, qua hơn 5 năm thực hiện vận động nhân dân hiến đất, quận đã mở rộng khoảng 40 hẻm, với hơn 1.400 hộ dân tham gia hiến đất, tổng diện tích mở rộng là hơn 8.000 m² (tương ứng với số tiền khoảng 400 tỷ đồng). Trong năm 2021, quận 3 tiếp tục vận động nhân dân hiến đất mở rộng theo cụm hẻm nối thông nhau nhằm tạo sự kết nối giữa các hẻm; chỉnh trang đô thị tại từng khu vực phù hợp quy hoạch; bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và từng bước hoàn thiện chỉnh trang đô thị trên địa bàn...

Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Phong trào hiến đất mở hẻm được các cấp, các ngành thành phố triển khai từ năm 2005. Sau 15 năm thực hiện, hàng nghìn người dân thành phố đã hiến 2,2 triệu m² đất với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng, để mở hẻm, chỉnh trang, phát triển nhiều khu dân cư. Nhiều địa phương làm rất tốt công tác vận động người dân hiến đất mở hẻm, nâng cấp đường nông thôn như: Quận Phú Nhuận (98 tuyến hẻm), quận 9 (hơn 100 tuyến hẻm), quận 3 (45 tuyến hẻm), huyện Nhà Bè (hơn 4.000 m²)... Để phong trào hiến đất mở rộng hẻm lan tỏa sâu rộng đến từng hộ dân, từng địa bàn dân cư, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao và có cách làm sáng tạo. Ngoài công khai, minh bạch chi tiết dự án để người dân góp ý, kiểm tra thì cán bộ ở cơ sở phải làm cho người dân hiểu, tin tưởng và thấy lợi ích của việc mở rộng hẻm, không chỉ giải quyết vấn đề thông thoáng, giao thông thuận tiện, bảo đảm an ninh trật tự, thuận tiện cho phòng cháy, chữa cháy mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm đúc kết từ các địa phương thực hiện tốt phong trào cho thấy, cần phát huy vai trò của những người có uy tín trong xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp. Thí dụ, tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), có hộ dân, doanh nghiệp hiến cả nghìn mét vuông đất để mở rộng đường giao thông, xây dựng các công viên, khu vui chơi giải trí cho người dân. Ở quận 3 có vị linh mục trực tiếp đi vận động giáo dân hiến từng mét vuông đất, góp từng viên gạch, bao xi-măng để mở rộng hẻm. Ở quận 7, chính quyền còn hỗ trợ người dân di dời đồng hồ điện nước, điều chỉnh giấy tờ nhà và thủ tục cấp phép có tính đến phương án tăng tầng cao, mật độ xây dựng theo đúng quy định. Khi chính sách tạo được sự đồng thuận của người dân, khó khăn đến mấy cũng vượt qua, mục tiêu nào cũng có thể hoàn thành, đem lại giá trị lớn cho cộng đồng, xã hội. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh khẳng định: Cốt lõi của công tác dân vận chính là làm sao cho người dân tin mình, nghe mình mà làm theo vì sự phát triển chung.