Nâng cao chất lượng Lễ hội trái cây Nam Bộ

Lễ hội trái cây Nam Bộ lần thứ 15 - năm 2019 đang diễn ra tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, quận 9, TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những hoạt động xúc tiến du lịch nổi bật của thành phố vào dịp hè nhiều năm qua. Tuy nhiên, những năm gần đây Lễ hội đang đi vào lối mòn, đòi hỏi ban tổ chức cần có sự thay đổi để nâng “chất” cho lễ hội độc đáo ở vùng đất phương nam này.
Một hoạt động trong Lễ hội trái cây Nam Bộ 2019.
Một hoạt động trong Lễ hội trái cây Nam Bộ 2019.

Từ sáng sớm 1-6, đông đảo du khách đã đổ về Khu du lịch văn hóa Suối Tiên để chuẩn bị đón xem chương trình khai mạc Lễ hội trái cây Nam Bộ năm 2019. Tại một số khu vực diễn ra những hoạt động chính của lễ hội đã có đông đảo người dân đến tham quan trước khi chính thức khai mạc lễ hội.

Chị Nguyễn Thị Út, quê ở Tiền Giang cho biết, năm nào chị cũng cùng gia đình tham quan Lễ hội trái cây Nam Bộ. Không chỉ cho con tham gia những trò chơi giải trí, chị Út và những người thân còn có dịp thưởng thức các loại trái cây ngon, đặc sắc của nhiều vùng đất ở phương nam. “Tại đây, tôi biết thêm các loại trái cây ngon ở nhiều tỉnh, thành phố khác như mít, chôm chôm Long Khánh, nhất là những loại trái cây lạ, quý hiếm được giới thiệu tại lễ hội”, chị Út chia sẻ.

Năm nay, bên cạnh những hoạt động quen thuộc đã trở thành “thương hiệu” của Lễ hội trái cây Nam Bộ như: Chợ nổi trái cây; Hội thi trái cây ngon, an toàn Nam Bộ; Nghệ thuật tạo hình bằng trái cây; Khu vườn kỳ hoa dị thảo; Làng nghề truyền thống Việt Nam; Trình diễn nghệ thuật pha chế thức uống từ trái cây; Món ngon chế biến từ trái cây, củ, quả…, Ban tổ chức cũng đưa vào một số hoạt động mới để tạo sự đa dạng cho lễ hội. Một trong những điểm mới đó là hoạt động “Chung tay bảo vệ môi trường”.

Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch TP Hồ Chí Minh Trương Minh Hậu cho biết thêm, Lễ hội trái cây Nam Bộ lần thứ 15 hưởng ứng tích cực Ngày Môi trường thế giới 5-6. Chính vì thế, Ban tổ chức đã đặt tiêu chí cho lễ hội là mang đến cho du khách những sản phẩm sạch, thân thiện với thiên nhiên, an toàn, tốt cho sức khỏe.

Ban tổ chức ưu tiên sử dụng và giới thiệu đến du khách sản phẩm túi cói thủ công truyền thống Nam Bộ trong các hoạt động của lễ hội. Điểm đặc biệt nữa là sẽ tổ chức lễ ký kết thỏa thuận, hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây ngon, an toàn giữa các nhà vườn đoạt giải trong Hội thi “Trái ngon, an toàn Nam Bộ” với các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. Hoạt động này nhằm mục đích thu hút, từng bước nâng cao thị phần, sản lượng trái cây ngon, an toàn của các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Dù đã có nhiều cố gắng tạo thêm những nét mới, nhưng nhiều du khách cảm thấy không còn háo hức như những lần đầu tham quan khi Lễ hội trái cây Nam Bộ đang đi vào lối mòn, các hoạt động cứ lặp đi, lặp lại hằng năm. Chị Trần Thị Thanh Xuân, ở quận 9, TP Hồ Chí Minh cho rằng, du khách đến lễ hội không chỉ mua trái cây ngon của vùng Nam Bộ mà còn muốn tìm hiểu thêm những câu chuyện đằng sau những thương hiệu trái cây nổi tiếng đang trở thành niềm tự hào của người dân phương nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều đó du khách vẫn chưa tìm thấy ở Lễ hội trái cây Nam Bộ nhiều năm nay. “Chúng tôi muốn lễ hội có thêm nhiều hoạt động liên quan đến trái cây như làm đẹp từ trái cây, tham gia các trò chơi mang tính trải nghiệm, tương tác với các nhà vườn để hiểu thêm công việc của họ, thấy được nỗi vất vả, sức lao động sáng tạo của các nhà vườn. Như thế, du khách sẽ tin tưởng, ủng hộ trái cây Việt nhiều hơn”, chị Trần Thị Thanh Xuân chia sẻ thêm.

Trong buổi giới thiệu Lễ hội trái cây Nam Bộ lần thứ 15, nhiều nhà báo có chung nhận định: Ban tổ chức lễ hội đã thiếu sự đầu tư về xây dựng ý tưởng, chủ đề cho lễ hội hằng năm. Chính vì thế, mỗi năm diễn ra, Lễ hội trái cây Nam Bộ lại dùng “bổn cũ soạn lại”, không có sự đột phá.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban tổ chức Lễ hội trái cây Nam Bộ lần thứ 15, từ lễ hội năm 2020, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu, đầu tư hơn về ý tưởng cũng như đa dạng hóa các hoạt động để nâng tầm lễ hội lên, tạo sức thu hút cho du khách nhiều hơn. Có như thế, Lễ hội trái cây Nam Bộ mới tiếp tục trở thành sự kiện văn hóa, du lịch độc đáo, quan trọng của thành phố; là nơi để du khách trong nước và nước ngoài tìm hiểu nét đặc sắc, phong phú và đa dạng các chủng loại trái cây vùng sông nước Nam Bộ.

Nâng tầm lễ hội này cũng là cách chúng ta trân trọng hơn thành quả lao động của những nhà vườn, góp phần đẩy mạnh quảng bá nông sản Nam Bộ, nâng tầm giá trị thương hiệu cho trái cây Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung…