Kiên quyết xử phạt hành vi vi phạm về thương mại điện tử

Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phối hợp Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số đã kiểm tra, xử lý 20 website vi phạm kinh doanh TMĐT, như kinh doanh các sản phẩm nhập lậu, chưa thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định…

Các trang web bán hàng trên mạng nếu không đăng ký kinh doanh, buôn bán hàng giả, xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ… sẽ bị phạt hoặc bị truy tố theo pháp luật.
Các trang web bán hàng trên mạng nếu không đăng ký kinh doanh, buôn bán hàng giả, xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ… sẽ bị phạt hoặc bị truy tố theo pháp luật.

Trong số 20 website, có ba website đã bị xử phạt do kinh doanh các sản phẩm nhập lậu, chưa thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định. Cụ thể, kiểm tra tại website Shopnhatchaly.com có địa chỉ tại 220GH, hẻm 220 Hai Bà Trưng (phường Tân Định, quận 1), do ông Phạm Ngọc Đăng làm chủ, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện 117 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có dấu hiệu nhập lậu do Nhật Bản sản xuất. Tổng trị giá sản phẩm gần tám triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 1 đã ra quyết định xử phạt bốn triệu đồng đối với hành vi kinh doanh sản phẩm nhập lậu. Đội Quản lý thị trường số 3 cũng đã kiểm tra website ruouthuonghieu.com tại địa chỉ 31C Trần Quốc Toản (phường 8, quận 3), thuộc Công ty TNHH MTV Cái Thùng Gỗ, đã phát hiện công ty kinh doanh hàng hóa có điều kiện mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định. Công ty này đã bị xử phạt 15 triệu đồng. Còn Đội Quản lý thị trường số 14 khi thực hiện kiểm tra website ruoungoai.net tại địa chỉ 295B đường Lê Trọng Tấn (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú), thuộc Công ty TNHH Thương mại Rượu Ngoại.net, đã xử phạt 12 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Theo đó, ngoài bị xử phạt đối với hành vi kinh doanh sản phẩm nhập lậu, mỗi chủ website còn phải nộp 30 triệu đồng tiền phạt cho hành vi thiết lập website TMĐT bán hàng không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Ngoài ba website nêu trên, 17 website khác trên địa bàn thành phố kinh doanh các sản phẩm như thực phẩm chức năng, bánh kẹo, đồng hồ, rượu, đồ chơi kích dục… đang tiếp tục được Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp Cục TMĐT và Kinh tế số kiểm tra, xử lý.

Theo đại diện Tổng cục Quản lý thị trường, việc kiểm tra này nằm trong chiến dịch thanh tra, kiểm tra các mặt hàng kinh doanh TMĐT theo kế hoạch được Bộ Công thương phê duyệt nhằm chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý triệt để tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… trong TMĐT đến hết năm 2020. Qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường sẽ chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan chức năng thực hiện tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, có tính chất, quy mô, số lượng lớn, mang tính đường dây, ổ nhóm, tái phạm nhiều lần. Việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT kết hợp các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm đẩy lùi hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hành vi vi phạm quy định về thiết lập website, bị phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng đối với hành vi thiết lập website TMĐT mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ TMĐT đã đăng ký. Mức phạt sẽ từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi thiết lập website cung cấp dịch vụ TMĐT khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định; nhận chuyển nhượng website cung cấp dịch vụ TMĐT mà không đăng ký lại; cung cấp dịch vụ TMĐT không đúng với hồ sơ đăng ký; hoặc gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website; giả mạo thông tin đăng ký trên website cung cấp dịch vụ TMĐT. Đây chỉ là mức xử phạt hành chính đối với một trong những hành vi sai phạm trong lĩnh vực TMĐT do cá nhân thực hiện.

Với các trường hợp vi phạm do tổ chức thực hiện thì mức tiền phạt gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân. Ngoài các mức phạt tiền với cá nhân, tổ chức có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, các website cung cấp dịch vụ TMĐT vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 6 đến 12 tháng, bị tịch thu tang vật và phương tiện, thu hồi tên miền “.vn”, buộc chủ website phải khắc phục hậu quả và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm về TMĐT.

Thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước về chỉ số TMĐT trong ba năm 2017, 2018 và 2019. Hiện thành phố đã có 13.569 trang web TMĐT được Bộ Công thương xác nhận thông báo, đăng ký. Đồng thời, các doanh nghiệp bắt đầu thiết lập trang web trên nền tảng di động theo xu thế chung của thế giới, tăng từ mức 25,5% trong năm 2015 lên 27,8% trong năm 2018 và xây dựng các ứng dụng dùng trên thiết bị di động (mobile app). Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu TMĐT của thành phố là khoảng 20% mỗi năm. Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, TMĐT là lĩnh vực kinh doanh đang có sự phát triển đột phá, mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua từ 25% đến 30%/năm. Năm 2018, tổng doanh thu bán lẻ TMĐT tại Việt Nam đạt hơn tám tỷ USD.