Giữ mãi ân tình đất thép

Có được danh hiệu “Đất thép thành đồng”, Củ Chi đã chịu rất nhiều mất mát, hy sinh. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, vùng đất thép có hàng nghìn liệt sĩ. Nhiều tác giả với những tác phẩm đã khắc họa đậm nét kỳ tích anh hùng, cũng như khát vọng vươn lên của vùng đất cách mạng này.

Đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và huyện Củ Chi thăm, chúc thọ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lợi ở ấp Bến Đò 1, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.ảnh: Hải Sơn
Đại diện lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và huyện Củ Chi thăm, chúc thọ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lợi ở ấp Bến Đò 1, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi.ảnh: Hải Sơn

Khi chính quyền Mỹ - Diệm thiết lập ấp chiến lược tại các xã của huyện, mở rộng vùng kiểm soát và thẳng tay đàn áp bắt bớ và giết hại chiến sĩ cách mạng, không lùi bước trước kẻ địch, khẩu hiệu . “Một tấc không đi một ly không rời, bám sát thắt lưng địch mà đánh” đã được người dân Củ Chi áp dụng trong đấu tranh chống giặc. Hậu phương vững chắc cho các phong trào đấu tranh là các bà mẹ chiến sĩ ngày đêm sản xuất để có lương thực nuôi quân, nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng hoạt động. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Rành (1900-1979), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ở xã Phước Hiệp, có tám người con trai, hai người cháu hy sinh vì Tổ quốc. Mẹ Rành được biết đến như một biểu tượng sáng ngời về tinh thần cách mạng, tinh thần hy sinh gian khổ, kiên gan bám trụ chiến đấu chống quân thù, động viên chồng con ra trận và tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng của dân và quân Củ Chi. Ngoài Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Rành, vùng đất Củ Chi còn có Bà mẹ VNAH có chồng, con độc nhất hy sinh cho cách mạng. Có những Bà mẹ VNAH là sui gia với nhau mà không có cháu nội, ngoại vì cả hai dâu và rể đã hy sinh, khi các mẹ còn sống gọi “sui gia” với nhau cho đỡ tủi và đỡ nhớ con. Không những vậy mà còn nhắc nhở cháu con gọi người đã hy sinh là chú thím, cậu mợ, dì dượng, cho người nằm xuống ấm lòng hơn. Có xã dù dân số chỉ khoảng hơn 10 nghìn người thì cũng có đến hàng trăm Bà mẹ VNAH. Riêng đối với các xã vùng kháng chiến xưa như An Phú: có 92 Bà mẹ VNAH, xã Phú Mỹ Hưng có 124 Bà mẹ VNAH. Có ấp, khu phố của Củ Chi có năm đến bảy Bà mẹ VNAH là họ hàng ruột thịt với nhau. Sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, Củ Chi có 11.000 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh; toàn huyện có 3.000 thương binh, bệnh binh; hơn 10.000 gia đình liệt sĩ, gia đình có công cách mạng. Qua các lần phong tặng và truy tặng, huyện có 2.010 mẹ được tặng danh hiệu vinh dự cao quý của Nhà nước Bà mẹ VNAH. 55 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
 
 Phát huy tinh thần đất thép trong kháng chiến chống ngoại xâm, khơi dậy nghĩa tình quân dân trong xây dựng và phát triển vùng đất cách mạng, thời gian qua, Củ Chi đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm lo cho gia đình chính sách và xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau đối với sự hy sinh mất mát của họ. Từ căn nhà tình nghĩa đầu tiên được xây tặng cho thương binh 1/4 Đào Văn Của, ngụ tại xã Phước Hiệp, phong trào tặng nhà tình nghĩa có sức lan tỏa rộng khắp, nhận được sự quan tâm rất lớn của toàn xã hội. Củ Chi đã hoàn thành việc tặng nhà tình nghĩa cho hộ gia đình thương binh nặng và gia đình chính sách khó khăn vào những năm 90 của thế kỷ 20. Không dừng lại, phong trào tiếp tục duy trì, từ năm 1990 đến nay huyện đã xây tặng 4.485 căn nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách và hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng để duy tu sửa chữa các ngôi nhà bị xuống cấp, giúp gia đình chính sách an cư lạc nghiệp. Các chính sách ưu tiên về y tế, giáo dục, giải quyết công ăn việc làm, vốn vay ưu đãi được ưu tiên tạo điều kiện để gia đình chính sách tiếp cận.
 
 Riêng đối với 54 Bà mẹ VNAH còn sống, đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời, khi các mẹ đau yếu, các bệnh viện trú đóng trên địa bàn huyện nhận chăm sóc sức khỏe cho các mẹ tại nhà hoặc tại bệnh viện. Để tri ân và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, từ nguồn ngân sách của địa phương, đến nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Củ Chi đã hoàn thành việc xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ huyện được cải tạo và tu bổ sạch đẹp trở thành điểm đến tâm linh của thân nhân các liệt sĩ vào các dịp lễ, Tết của dân tộc. Mới đây, huyện cũng đã đặt tên 281 Bà mẹ VNAH cho 281 tuyến đường ở các xã và đang tiếp tục đề nghị đặt tên các Bà mẹ VNAH cho các tuyến đường còn lại.
 
 Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết: Hiện nay, hầu hết các gia đình chính sách tại huyện đã có cuộc sống ngang bằng với cộng đồng dân cư, nhà ở ổn định và không còn hộ nghèo; 100% số hộ gia đình là gia đình văn hóa ở cộng đồng. Điều đáng quý đó là tinh thần yêu nước hôm qua được các thế hệ con cháu hôm nay kế thừa thông qua học tập lao động để xây dựng làng quê ngày một phát triển hơn.