Điểm sáng phát triển khoa học - công nghệ

Xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đến nay, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu của cả nước. Cùng với đó, SHTP cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là hạt nhân động lực phát triển của thành phố và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.

Học viên thao tác quy trình tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật (VJTC) thuộc SHTP.
Học viên thao tác quy trình tự động hóa tại Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật (VJTC) thuộc SHTP.

Hiện nay, SHTP là một trong những khu công nghệ cao dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển khoa học - công nghệ (KHCN), ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất, nghiên cứu, hỗ trợ thương mại hóa, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp hỗ trợ. SHTP đã thành lập năm phòng thí nghiệm thu hút hơn 30 tiến sĩ, thạc sĩ làm việc. Qua đó, đã có hơn 40 bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Quốc tế ISI (Viện Thông tin khoa học ISI) và trong nước; năm sở hữu trí tuệ đã được công bố, tám sản phẩm được thương mại hóa...

Quyền Trưởng ban Quản lý SHTP Lê Bích Loan cho biết: "Thực hiện theo định hướng SHTP sẽ trở thành một "Ðô thị Khoa học công nghệ" có không gian khoa học sáng tạo, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện đề án "Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành Ðô thị thông minh", SHTP đã xây dựng kiến trúc tổng thể về công nghệ thông tin, khoa học sáng tạo. Ðây là cơ sở để SHTP thu hút các tập đoàn công nghệ hình thành các trung tâm cơ sở dữ liệu và cung cấp hạ tầng mạng như Tập đoàn CMC, Tập đoàn FPT telecom, Tập đoàn Viettel… cùng các tập đoàn phát triển phần mềm có tích hợp các ứng dụng công nghệ IOT, Trí tuệ nhân tạo (AI), Bigdata… Thực hiện mục tiêu lấy phát triển KHCN là then chốt, SHTP đã kêu gọi và thu hút đầu tư hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển và đào tạo nhân lực CNC với hơn 20 dự án được cấp phép, trong đó có các dự án có ứng dụng rất tốt, là nền tảng để xây dựng đô thị thông minh".

Trung tâm đào tạo SHTP là nơi để chuyển giao KHCN, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trung tâm đào tạo SHTP đã đầu tư và đưa vào hoạt động Trung tâm đổi mới sáng tạo SHTP-Microsoft (SMIC); Xưởng thực hành tự động hóa Factory Automation; Trung tâm Ðào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Nhật (VJTC); Viện Nghiên cứu đào tạo Hutech, Ðại học Fulbright Việt Nam... Mục tiêu trong vòng 10 năm tới, xây dựng VJTC trở thành nơi đào tạo và huấn luyện về rô-bốt, tự động hóa hàng đầu khu vực Ðông - Nam Á.

Thạc sĩ Ðỗ Tân Khoa, Phó Giám đốc VJTC cho biết, "sứ mệnh" của VJTC là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn vững và kỹ năng thực hành tốt nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp CNC không chỉ riêng SHTP mà cho tất cả các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Sinh viên năm cuối Huỳnh Minh Nhật, Khoa Cơ khí, Trường đại học Bách khoa (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đang thực tập tại VJTC cho hay: "Ðến đây thực tập, chúng em tiếp cận được với nhiều máy móc tiên tiến, hiện đại. Tại đây có nhiều rô-bốt tự động hóa giúp chúng em biết được quy trình lập trình, thao tác trên những thiết bị tự động hóa hiện đại. Quy mô của VJTC khá lớn, có đầy đủ công nghệ, thiết bị để học viên thực hành gắn với đòi hỏi của công việc mà các doanh nghiệp CNC yêu cầu sau này".

Mục tiêu của VJTC là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong đó, VJTC tập trung triển khai đào tạo theo chương trình Tổ chức Ðánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Các lĩnh vực mà VJTC đã và đang đào tạo là rô-bốt tự động hóa, lập trình xử lý ảnh tích hợp hệ thống tự động hóa, lập trình điều khiển rô-bốt Nachi, phương pháp phân tích xử lý lỗi hệ thống trong nhà máy... Chỉ tính riêng năm 2018, VJTC đã triển khai 24 lớp đào tạo về kỹ thuật cao, trong đó có 141 kỹ sư của các nhà máy lớn như: Unilever, Lixil, Colgate… VJTC cũng đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho 80 kỹ sư của các doanh nghiệp tại SHTP theo chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh đến năm 2020...

Quyền Trưởng ban Quản lý SHTP Lê Bích Loan cho biết, SHTP đang đẩy mạnh việc liên kết giữa viện nghiên cứu - đại học - doanh nghiệp và các nhà khoa học trong nước, ngoài nước để phát triển CNC; đào tạo nguồn nhân lực CNC, góp phần tạo ra một lực lượng sản xuất mới có trình độ hiện đại làm hạt nhân cho ngành công nghiệp phát triển theo xu hướng của thế giới.

Theo thống kê, giá trị sản xuất toàn SHTP hằng năm đều tăng trưởng: Năm 2010 đạt 0,5 tỷ USD; năm 2011 đạt một tỷ USD; năm 2012 đạt hơn hai tỷ USD; năm 2013 đạt 2,85 tỷ USD; năm 2014 đạt 3,25 tỷ USD; 2015 đạt
4,6 tỷ USD; 2016 đạt 7,6 tỷ USD; năm 2017 đạt 12 tỷ USD; năm 2018 đạt 14 tỷ USD và dự kiến đến năm 2020 sẽ vượt mốc 20 tỷ USD.