Ngăn chặn tình trạng “xé rào”

Dù đã có nhiều thu nhận lạc quan, thì thực tế mô hình tự chủ đại học vẫn còn không ít rào cản, bất cập, thậm chí những biểu hiện “xé rào” khi thực hiện, đòi hỏi phải có hệ thống chính sách phù hợp hơn nữa, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, nhất là ở lĩnh vực quan trọng và nhạy cảm: Tài chính...
Tiết mục văn nghệ của sinh viên Đại học Ngoại thương.
Tiết mục văn nghệ của sinh viên Đại học Ngoại thương.

Nhiều hạn chế, bất cập

So với trước khi tự chủ, cơ cấu các khoản thu của các trường ĐHCL chưa thay đổi rõ rệt: học phí vẫn là nguồn thu chính (chiếm hơn 70% tổng thu). Mức thu bị giới hạn bởi mức trần học phí, thu không đủ chi nên nhiều trường tìm cách hạ điểm chuẩn, dựa vào lợi thế ngành để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh vượt mức so với cơ sở vật chất, lượng giáo viên nhằm tăng nguồn thu, dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung. Chưa kể, một số ĐHCL thu vượt, thu sai quy định, thiếu công khai, minh bạch. Theo Kiểm toán nhà nước (KTNN), số liệu kiểm toán tại một số trường ĐHCL cho thấy, số thu học phí ngoài quy định như: thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, làm thẻ, tài liệu cho sinh viên, thu tiền cấp chứng chỉ QPAN ngoài quy định tại nghị định 86/2015/NĐ-CP là 14.567,6 triệu đồng. Một số trường tăng thêm nguồn thu từ các hoạt động đào tạo không chính quy nên thời gian đứng lớp của giảng viên phần lớn bị quá tải (hầu hết đều vượt định mức giờ giảng theo quy định, cá biệt vượt tới 150% - 200%, vi phạm Bộ luật Lao động), vì vậy không còn nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ nghiệp vụ, đổi mới nội dung bài giảng gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Một phần tác nhân do các quy định về tự chủ còn thiếu hoặc quá mở như chưa có quy định tự chủ về tài chính gắn với chế độ làm việc của giảng viên về giờ chuẩn và nghĩa vụ giảng dạy; về các khoản dịch vụ kèm theo như ký túc xá, thi lại, học lại, học thêm, thi chuyển điểm... trong khi nhu cầu là có thật, buộc các trường phải “vượt rào” cho sinh viên đỡ thiệt thòi.

Về tự chủ chi, các trường ĐHCL tự chủ cơ bản tính được chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp, tuy nhiên chi phí quản lý, khấu hao lại khó tính toán. Qua kiểm toán cũng thấy bộc lộ nhiều bất cập. Có trường đủ điều kiện mong muốn tự chủ nhưng chưa được chấp thuận, đôi khi văn bản này “mở” nhưng văn bản kia lại “đóng”. Khi KTNN áp dụng Luật Ngân sách để kiểm toán, có trường đã phản biện không phù hợp vì trường không dùng ngân sách, một số trường lại tư duy thái quá, cho rằng thực hiện tự chủ, không dùng tiền Nhà nước nên được toàn quyền quyết định, không cần xin phép, tuân thủ ai, thậm chí cơ quan kiểm toán không có quyền kiểm toán!

Rồi hàng loạt tồn tại như chi không đúng nguồn, không đúng đối tượng, chi vượt định mức, chứng từ chi không bảo đảm. Cơ cấu các khoản chi chưa phù hợp. Theo số liệu tổng hợp tại Bộ GDĐT giai đoạn 2013-2014 và 2017-2018 cho thấy tỷ lệ chi cho con người tăng từ 49% lên 55% trong tổng cơ cấu chi, tỷ lệ chi nghiệp vụ chuyên môn tăng từ 39% lên 43%; các khoản chi khác được cắt giảm từ 12% xuống còn 2%. Tỷ lệ chi cho con người chiếm phần lớn, trong khi tỷ lệ tích lũy để chi cho hiện đại hóa cơ sở vật chất, đầu tư cho đào tạo chưa tương xứng. Nhiều trường chi vượt giờ cho giảng viên cao hơn số giờ chuẩn theo quy định, lạm dụng trả lương cho giáo viên và các khoản thu nhập khác quá quy định, không trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc tỷ lệ trích lập không bảo đảm mức tối thiểu, trích quỹ khen thưởng, phúc lợi vượt theo quy định; không trích lập quỹ học bổng và có tỷ lệ chi học bổng thấp hơn quy định... Trong khi đó, chi cho đối tượng sinh viên cần được ưu tiên lại ít được quan tâm: ký túc xá, khu thể chất, thể thao, thư viện chưa đáp ứng được yêu cầu. Do các trường tự ban hành quy chế chi tiêu, thế nên xuất hiện tình trạng hai trường đại học cùng một địa bàn, quy mô sinh viên trường này gấp đôi trường kia nhưng tích lũy lại không bằng do “mạnh tay” chi trả cho người lao động. Nhiều trường hợp chi tiêu thiếu kiểm soát đến nỗi cán bộ kiểm toán cảnh báo “cách chi thế này thì tiêu hết tiền Nhà nước!”.

Mặt khác, rào cản cơ chế phân cấp, phân quyền trong lập kế hoạch và phê duyệt mua sắm, đầu tư theo Luật Đầu tư công... cũng khiến các trường ĐHCL chưa được chủ động trong sử dụng quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và phát triển dịch vụ. Vẫn còn hiện tượng đầu tư dàn trải, thiếu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước. Đơn cử, có trường lách luật bằng cách xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp phần mềm cũ nhưng thực tế là mua phần mềm quản lý mới, bỏ phần mềm cũ đi. Hàng loạt rủi ro tiềm ẩn như trường mở thêm các cơ sở đào tạo, đầu tư xây dựng trụ sở vượt quá khả năng tuyển sinh dẫn đến cơ sở vật chất bỏ hoang, không sử dụng hoặc hiệu suất thấp, lãng phí lớn, nếu trường ĐHCL tự chủ “nửa đường đứt gánh” thì hệ lụy rất nặng nề vì phải giải quyết hàng loạt vấn đề phức tạp liên quan đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, các khoản vay đầu tư công trong trường hợp trường không có khả năng chi trả. Các trường ĐHCL thực hiện tự chủ có xu thế thực hiện liên doanh liên kết, góp vốn liên doanh, tuy nhiên hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, chưa có các hướng dẫn cụ thể dễ dẫn đến nguy cơ mất đất, mất tài sản; sử dụng đất, tài sản đầu tư ngoài ngành không phù hợp với mục tiêu phát triển giáo dục đại học. Và cơ chế kiểm soát quyền lực thế nào để tránh tình trạng các trường lạm quyền là câu hỏi lớn đặt ra.

Một căn nguyên của những tồn tại, hạn chế là hệ thống văn bản quản lý, văn bản hướng dẫn quy định của Nhà nước thiếu cụ thể, chưa đồng bộ nên quá trình triển khai thực hiện cơ chế tự chủ còn chưa chủ động, còn bị động, lúng túng giữa quyền nhà trường được và không được tự quyết định. Qua kiểm toán, KTNN đóng góp nhiều ý kiến giúp hoàn thiện cơ chế chính sách về tự chủ (đóng góp xây dựng và kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, gần đây nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH), hướng dẫn cho các trường nắm rõ được và không được phép làm gì, giải trình ra sao và tuân thủ quy định của Nhà nước; tư vấn các trường hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật (nhất là quy chế chi tiêu nội bộ), hướng dẫn những sai sót thường gặp phát hiện qua kiểm toán để khắc phục; tuyên truyền về ưu việt, giá trị cốt lõi của việc tự chủ và thực hiện tốt tự chủ tài chính góp phần thực hiện hiệu quả và bền vững các nội dung tự chủ khác.

Những giải pháp cấp bách

“Đòi hỏi cấp bách đặt ra là hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống văn bản pháp luật về cơ chế tự chủ bảo đảm đồng bộ, thống nhất, giảm thiểu vướng mắc, bất cập khi thực hiện và xây dựng, ban hành Luật về các đơn vị sự nghiệp công lập là một hướng mở tháo gỡ”, TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III nhấn mạnh. Việc sửa đổi chính sách phí, lệ phí cho phù hợp điều kiện thực tế, đẩy nhanh lộ trình và sớm hoàn thành việc tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ giáo dục đại học; sớm có văn bản hướng dẫn về quản lý tài chính và hạch toán các nội dung có tính chất kinh doanh phát sinh tại các trường; thay đổi cách hỗ trợ của Nhà nước thông qua sản phẩm dịch vụ công sang hỗ trợ cho đối tượng sử dụng dịch vụ công; đổi mới phương pháp phân bổ kinh phí NSNN cho các trường theo kết quả đầu ra; giao ngân sách gắn với nhiệm vụ và sản phẩm cuối cùng; Nhà nước thực hiện cơ chế đặt hàng đối với đào tạo đại học đang là đòi hỏi tất yếu. Điều chỉnh hợp lý các quy định về một số tiêu chuẩn, định mức và mức chi về sử dụng xe ô-tô, nhà làm việc, chế độ công tác phí nước ngoài... cũng tạo nhiều thuận lợi, góp phần thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ.

Ngăn chặn tình trạng “xé rào” ảnh 1

Giờ học tiếng Anh tại Đại học Mở Hà Nội. Ảnh | ĐỨC ANH

Song song, cần đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường ĐHCL đi kèm trách nhiệm giải trình một cách tường minh thông qua công bố thông tin về đội ngũ, tài chính, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, việc làm của sinh viên sau khi ra trường... để sinh viên, phụ huynh, xã hội, các cơ quan truyền thông giám sát. Đó cũng là cơ chế kiểm soát quyền lực mềm tốt nhất. Trong bối cảnh lực lượng cán bộ KTNN còn mỏng, không thể thường xuyên kiểm toán, phát hiện sai phạm, các trường cần nâng cao trình độ về quản lý tài chính, năng lực quản lý, xây dựng cơ chế quản lý thu- chi bảo đảm công khai, minh bạch, có kiểm toán nội bộ hoặc thuê kiểm toán độc lập và công khai kết quả kiểm toán bởi khâu hậu kiểm, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát là yếu tố kiểm soát quyền lực, bảo đảm hoạt động theo đúng luật pháp. Cũng theo TS Lê Đình Thăng, việc ban hành chính sách quản lý tài chính quy định rõ cơ cấu chi của các trường ĐHCL tự chủ (có tỷ lệ cụ thể chi cho con người, cơ sở vật chất, trích quỹ...) sẽ là căn cứ để các trường thực hiện chi tiêu hợp lý, không vượt ngưỡng và là căn cứ để kiểm soát hiệu quả.