Phát huy hiệu quả kết nối cung cầu hàng hóa

TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức kết nối giao thương hàng hóa từ năm 2011. Nhiều loại đặc sản của Đồng Tháp đã có chỗ đứng trong hệ thống phân phối hiện đại và sự đón nhận của người tiêu dùng thành phố. Đây là tiền đề xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa, thực hiện hiệu quả chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố…
Cơ sở sản xuất và kinh doanh gạo an toàn Đồng An (Đồng Tháp) tiếp thị sản phẩm tại TP Hồ Chí Minh.
Cơ sở sản xuất và kinh doanh gạo an toàn Đồng An (Đồng Tháp) tiếp thị sản phẩm tại TP Hồ Chí Minh.

Mới đây, hàng chục doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh đã tiếp tục ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các nhà vườn, hợp tác xã của tỉnh Đồng Tháp.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hương Sen Việt (Đồng Tháp) Nguyễn Thị Lài phấn khởi cho biết: “Công ty tôi có các loại sản phẩm trà sản xuất từ lá, hoa, hạt sen; gừng tươi sấy dẻo với mật ong… Các sản phẩm đều đã được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù mới chào hàng, nhưng các loại sản phẩm được sản xuất theo quy trình hút chân không trong môi trường lạnh, giữ được hương vị tự nhiên, đã được người tiêu dùng đón nhận. Hiện, công ty đang đàm phán với Satra và Saigon Co.op để đưa vào hệ thống siêu thị; riêng LOTTE Mart đang dự định hợp tác với công ty để sản xuất nhãn hàng riêng bán trong siêu thị và tiến tới xuất khẩu”.

Giới thiệu khách hàng dùng thử sản phẩm, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Bảy Nữa (Đồng Tháp) Nguyễn Văn Nữa thông tin, công ty chuyên sản xuất các loại sản phẩm khô ếch, chà bông ếch, sản phẩm đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hiện đã phân phối rộng khắp trên thị trường trong nước. Hiện, Bảy Nữa có khả năng cung ứng cho thị trường từ 100 đến 200 kg chà bông ếch mỗi ngày. Sản phẩm đang được chào bán tại các khu du lịch, điểm dừng chân… “TP Hồ Chí Minh là một thị trường lớn, công ty mong muốn đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, nhất là kênh bán lẻ hiện đại để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiếp cận người tiêu dùng… Từ đó, từng bước mở rộng thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu”, ông Nữa bộc bạch.

Chủ doanh nghiệp tư nhân Sản xuất - Thương mại Nông sản Hùng Tấn (Đồng Tháp) cũng mong muốn kết nối và đưa được sản phẩm vào kinh doanh tại các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi tại TP Hồ Chí Minh. Đơn vị này chuyên chế biến nông sản sấy khô từ nguồn nhiên liệu sạch của trái cây tự nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long như chuối, mít, khoai lang vàng, khoai lang tím… Sản phẩm được sản xuất từ dây chuyền khép kín với công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không dùng các chất hóa học trong quá trình sản xuất.

Đại diện chợ đầu mối Bình Điền khẳng định, nhu cầu về trái cây của thị trường TP Hồ Chí Minh rất lớn, nhiều cửa hàng tại chợ mua sỉ hàng chục tấn mỗi ngày nhưng có thời điểm các sạp tại chợ bị hụt hàng, phải “chạy” các nơi liên hệ tìm nguồn cung. Đây là cơ hội rất tốt để chợ liên kết với nhà vườn Đồng Tháp đưa hàng vào chợ. Tương tự, ông Bùi Thanh Vân, tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho hay đang có nhu cầu tìm nguồn trái cây sấy để phục vụ xuất khẩu.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp Võ Phương Thủy, Đồng Tháp hiện có 500 nghìn héc-ta đất gieo trồng, trong đó diện tích lúa chiếm 200 nghìn héc-ta. Bình quân mỗi năm, sản lượng lúa hàng hóa đạt hơn hai triệu tấn, xuất khẩu qua 20 quốc gia với kim ngạch khoảng 100 triệu USD/năm. Đồng Tháp còn có đặc sản nông phẩm tươi như xoài: 9.300 ha, sản lượng 93.000 tấn; sen: 857 ha, sản lượng 4.626 tấn/năm; 5.900 ha diện tích cây có múi đạt sản lượng 92.000 tấn/năm. Ngoài ra, Đồng Tháp còn có 44 làng nghề tiểu thủ công nghiệp như làng nem Lai Vung, làng bột Sa Đéc, làng chiếu Định Yên, làng hoa Tân Quy Đông với những sản phẩm độc đáo.

Số liệu từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, mỗi năm thành phố tiêu thụ khoảng 700.000 tấn gạo, 216.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm và hai triệu tấn rau, củ quả các loại. Tuy nhiên, nguồn cung tại chỗ chỉ cung ứng 10 đến 15%, còn lại phải nhập từ các tỉnh. Do đó, yêu cầu liên kết để cung cấp lượng hàng cho thành phố là rất cần thiết. Dù nhu cầu rất lớn nhưng thành phố vẫn đặt ra yêu cầu cao về an toàn thực phẩm. Theo đó, nhà cung ứng cần lưu ý chất lượng thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.

Đến nay, nhiều loại đặc sản của Đồng Tháp đã có chỗ đứng trong hệ thống phân phối hiện đại và được đông đảo người tiêu dùng thành phố đón nhận. Tuy nhiên, nhiều loại đặc sản có chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ bền, đẹp, sắc sảo có xuất xứ từ Đồng Tháp… sau những bản hợp đồng đã ký kết nhưng nhà sản xuất lại không có đủ hàng để giao, mẫu mã, bao gói lại không đúng theo yêu cầu của người mua. “Để có được sản phẩm hàng hóa, doanh nghiệp, người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư thêm công nghệ, liên kết nhiều thành phần kinh tế trong chuỗi sản xuất hàng hóa mới tạo ra được sản phẩm chất lượng và có tính cạnh tranh cao”, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Huỳnh Trang đề xuất…