Những trải nghiệm đặc biệt

Dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh, thành phố đã khiến không ít vận động viên đành phải chấp nhận ở lại đội tuyển, mất cơ hội hiếm hoi được đoàn tụ, quây quần bên người thân và gia đình. Nhiều đội tuyển đã sớm bước vào chương trình tập luyện, chuẩn bị cho những mục tiêu lớn trong năm 2021.

VĐV Đinh Thị Bích miệt mài tập luyện sau Tết Nguyên đán.
VĐV Đinh Thị Bích miệt mài tập luyện sau Tết Nguyên đán.

“Mắc kẹt” ở Thủ đô
 
 Tết năm nay, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội nhộn nhịp hơn hẳn. Do dịch Covid-19 bùng phát, cho nên 30 vận động viên (VĐV) cùng nhiều huấn luyện viên (HLV), chuyên gia nước ngoài phải ở lại trung tâm. Tâm lý của những người phải ở lại “trực Tết” dĩ nhiên là khá buồn, nhưng tất cả đã vơi đi nỗi nhớ nhà, khi được đón một cái Tết ấm cúng, ý nghĩa, và cũng là trải nghiệm chưa từng có.
 
 Nhà vô địch SEA Games môn Cử tạ Phạm Thị Hồng Thanh chia sẻ: “Nhà tôi ở gần Chí Linh - là tâm dịch của tỉnh Hải Dương nên không thể về quê. Năm nay tôi không được đi mua đào, quất, không được quây quần, chúc Tết họ hàng. Để đỡ buồn, hằng ngày tôi vẫn gọi điện hỏi thăm gia đình, động viên nhau vượt qua khó khăn, cùng cả nước chống dịch”.
 
 “Chị em vàng” Đội tuyển Vật Việt Nam Mỹ Hạnh - Mỹ Trang là trường hợp đặc biệt, khi cả hai đều phải ở lại Trung tâm Nhổn trong kỳ nghỉ Tết chứ không về Huế đoàn tụ với gia đình. “Chúng tôi phải ở lại 10 ngày ở trung tâm. Ở khu B tại Nhổn chỉ còn chị em cùng một vài VĐV ở các đội khác. Đây là lần đầu trong đời ăn Tết xa nhà. Chúng tôi không dám gọi điện về nhà sợ bố mẹ khóc. 10 ngày này thật khó khăn nhưng cũng là trải nghiệm mới của bản thân. Chúng tôi vừa được lì xì, được nấu bánh chưng, chuẩn bị cành đào, cây quất, những món ăn truyền thống”, Mỹ Hạnh và Mỹ Trang chia sẻ.
 
 Giám đốc Trung tâm HLTTQG Hà Nội Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, ngoài các hoạt động giúp HLV, VĐV được vui vẻ ở trung tâm, trong thời gian này toàn bộ những ai ở lại đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm đã thực hiện cấm trại, nội bất xuất, ngoại bất nhập, giúp VĐV yên tâm.
 
 Không chỉ các HLV, VĐV Việt Nam, nhiều chuyên gia nước ngoài cũng “mắc kẹt” ở Trung tâm Nhổn vì dịch Covid-19. Ông Vladimir Simeonov - chuyên gia huấn luyện cho tổ chạy 400 m đội tuyển điền kinh Việt Nam, không thể về Bulgaria vì không có chuyến bay quốc tế. Trước khi chia tay các học trò xuất sắc như Trần Nhật Hoàng, Nguyễn Thị Hằng, Trần Đình Sơn, Quách Công Lịch, Quách Thị Lan về quê, ông đã giao “bài tập về nhà”, để các học trò đón xuân nhưng không quên nhiệm vụ tập luyện để duy trì thể lực.
 
 Sẵn sàng trước các giải đấu lớn
 
 Từ mồng 4 Tết, hầu hết các đội tuyển đều đã hội quân trở lại. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các VĐV ngoài việc phải tiếp tục tập luyện cho các nhiệm vụ năm 2021, còn tập trung để phòng, chống dịch. Cũng như năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các giáo án tập luyện của các đội tuyển như điền kinh, bơi, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn súng… phải linh hoạt thay đổi, nhằm đạt hiệu quả cao nhất nhưng cũng phải bảo đảm an toàn.
 
 Ngày mồng 6 Tết, chuyên gia Vladimir Simeonov cùng các HLV ở đội điền kinh sau khi lì xì khai xuân các VĐV, đã bắt tay ngay vào công việc. Ông và các học trò có nhiệm vụ rất quan trọng là cố gắng giành suất dự Olympic Tokyo 2021 ở nội dung 4 x 400 m tiếp sức hỗn hợp nam nữ mà đội Việt Nam đang nằm sát nhóm có khả năng đoạt vé. Bên cạnh đó, tổ chạy 400 m cũng có mục tiêu khá nặng là phải giành từ bốn đến năm Huy chương vàng (HCV) tại SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà vào cuối năm nay.
 
 VĐV Đinh Thị Bích (HCV SEA Games nội dung 800 m) thể hiện quyết tâm: “Mục tiêu của tôi trong năm 2021 chắc chắn là bảo vệ tấm HCV ở nội dung 800 m sở trường tại SEA Games 31 được tổ chức ở Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng sẽ hướng tới các giải đấu châu lục nếu giải được tổ chức và hy vọng có thể giành vé dự Olympic”.
 
 Nữ võ sĩ taekwondo Trương Thị Kim Tuyền cũng phấn đấu giành được tấm vé đến Olympic Tokyo năm 2021. Trước đó, cuối năm 2019, Kim Tuyền đã có được thêm hai HCV taekwondo hạng 49 kg nữ tại các giải đấu ở châu Âu, qua đó tích lũy thêm điểm số để cạnh tranh tấm vé dự Thế vận hội.
 
 Theo HLV Trương Minh Sang, dù dịch Covid-19 bùng phát trở lại nhưng các VĐV vẫn tập luyện bình thường, thậm chí là phải tăng giáo án để bù lại cho những giải đấu quốc tế không được tổ chức. “Ở đội tuyển Thể dục dụng cụ, chúng tôi đã có một suất dự Olympic của Thanh Tùng. Dù vậy, toàn đội tiếp tục nỗ lực tập luyện, nâng cao độ khó cho các động tác, sẵn sàng cho các giải đấu lớn trong năm nay, đặc biệt là SEA Games”, HLV Trương Minh Sang nhấn mạnh.
 
 Ngành thể thao đã có kinh nghiệm trong việc vừa chống dịch, vừa duy trì tập luyện, không để các VĐV có thời gian trống hay “đói giáo án”. Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao, ông Trần Đức Phấn cho biết: “Ngành thể thao phải chuẩn bị tốt cho việc tổ chức SEA Games, đồng thời cũng phải hướng tới Olympic 2021. Cả hai nhiệm vụ này cần được chuẩn bị song song. Tới thời điểm này, tất cả những VĐV dự kiến nằm trong nội dung thi đấu của cả hai đấu trường quan trọng đều đã sẵn sàng”.