Barcelona

Vĩ đại từ sự sụp đổ

Hơn bốn năm kể từ khi “Thánh” Johan Cruyff qua đời, câu chuyện về sự hồi sinh của Barca vẫn được nhắc đến như một điều kỳ diệu. Barcelona vĩ đại được hồi sinh và bắt đầu một chặng đường lịch sử huy hoàng cho đến ngày nay được bắt đầu bởi một cuộc đại khủng hoảng. Và giữa đống tro tàn, một vĩ nhân xuất hiện, tái thiết một Barca vĩ đại.

Johan Cruyff, người tạo ra Barca hiện tại.
Johan Cruyff, người tạo ra Barca hiện tại.

1. Đó là 19h ngày 28-4-1988, tại khách sạn Hesperia trên đường Carrer dels Vergos, một con phố nhỏ ở phía bắc trung tâm thành phố Barcelona, chỉ cách SVĐ Nou Camp năm phút chạy xe, 21 cầu thủ cùng HLV trưởng CLB là ông Luis Aragones ngồi quanh chiếc bàn lớn trong một hội trường sang trọng. Đội trưởng Alexanko đứng lên phát biểu: “Chủ tịch Josep Lluis Nunez đã lừa dối tất cả chúng ta. Yêu cầu của chúng tôi là Chủ tịch Nunez hãy từ chức ngay lập tức”. Đó là một tuyên bố gây sốc. Một cuộc chiến chính thức nổ ra giữa lòng đội bóng mới hai năm trước còn là Á quân châu Âu. Cạn kiệt tiền bạc, các khoản chi cho chuyển nhượng bị điều tra, các hoạt động tài chính bị nghi ngờ gian lận, lợi ích cầu thủ bị xâm phạm, mọi thứ hùa nhau chống lại Barca trong một cuộc đấu không cân sức.

HLV Aragones ngồi họp cùng 21 cầu thủ, nhưng gần như không phản bác điều gì từ các học trò, bởi ông đang đối mặt với chứng trầm cảm nặng và sẽ rời CLB vào cuối mùa giải năm đó. Tưởng như quyền lực từ cầu thủ và các quyền lực ngầm trong bộ máy lãnh đạo sẽ đẩy Nunez ra khỏi chiếc ghế Chủ tịch, nhưng một lá bài đã cứu ông và cứu cả Barca.

Chỉ sáu ngày sau cuộc họp tại khách sạn Hesperia, Johan Cruyff được bổ nhiệm vào chiếc ghế HLV trưởng, thay Aragones. Hàng loạt danh hiệu liên tiếp đến với Barca trong một hình hài mới.

2. Công việc sắp xếp lại mớ hỗn độn ở Barca được Cruyff bắt đầu ngay khi nhậm chức và kế hoạch được Chủ tịch Nunez ủng hộ tuyệt đối. 15 cầu thủ trong số 21 người tham gia cuộc họp ở khách sạn Hesperia bị bán đi, trong đó có những trụ cột như Victor Munoz, Ramon Caldere hay Bernd Schuster (người sau đó chuyển sang Real Madrid)... Thay vào đó là những cái tên lạ lẫm nhưng sau này đều là những huyền thoại như Txiki Bergiristan, Bakero, Salinas... Tuy nhiên, kẻ tuyên chiến Alexanko vẫn được giữ lại, dù sau đó trong trận đấu đầu tiên mùa giải 1988-1989, cầu thủ này bị la ó giữa một rừng người chật cứng tại Nou Camp.

Đội hình mới của Barca lần đầu tập hợp vào tháng 7-1988 chuẩn bị cho mùa giải mới. Và tất cả các cầu thủ đã há hốc mồm với lối chơi, đội hình chiến thuật mà Cruyff đưa ra. Ba hậu vệ, bốn tiền vệ, hai tiền vệ chạy biên dâng cao và một tiền đạo. Các cầu thủ tự hỏi: “Cái quái gì vậy?”. Sơ đồ 4-4-2, 3-5-2 thịnh hành bị ném bỏ. Cuộc cách mạng của Cruyff bắt đầu mà không ai hiểu nó là cái gì, ngoại trừ chính ông, với sơ đồ 3-4-3 hoàn toàn mới mẻ. Cruyff sau đó giải thích rằng, sẽ chẳng có giá trị gì khi để tới bốn hậu vệ kèm hai tiền đạo đối phương, trong khi số lượng người giữa sân ít hơn đối thủ. Điều quan trọng nhất với ông là lấp đầy khu giữa sân với câu nói nổi tiếng: “Tôi thích thắng 5-4 hơn là 1-0” và cách chơi đó phục vụ mục tiêu mà Cruyff tuyên bố.

Cruyff muốn cầu thủ chuyền bóng nhanh, với phương châm: đơn giản là điều khó nhất trong bóng đá và di chuyển là nghệ thuật đỉnh cao.

Cách chơi bóng dài, thể lực, tận dụng chiều cao, sút mạnh... triệt tiêu ở Barca từ khi Cruyff nắm quyền. Đó là cơ hội cho những Xavi, Iniesta, Messi... xuất hiện. Bởi trước đó, Barca có một nguyên tắc, chỉ giữ lại cầu thủ có khả năng cao trên 1m80. Một câu chuyện được kể lại như sau, năm 1986, một cậu bé 15 tuổi đã được đo thể chất và được chấm có thể sẽ cao trên 1m80. Cậu bé đó đã nhảy cẫng lên vui sướng và nói: “Tôi sẽ cao trên 1m80, tôi sẽ là cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp”. Tên của cậu bé ấy là Pep Guardiola. Về sau ông cao đúng 1m80. Nếu như không được dự đoán cao 1m80, Pep đã không thể là huyền thoại của bóng đá Tây Ban Nha và cũng không là một HLV danh tiếng như lúc này.

Hàng loạt những cầu thủ nhỏ bé xuất hiện ở Barca như A.Ferrer, Sergi, G.Amor... và đỉnh cao là Iniesta, Xavi, Messi. Họ không có thể hình cao to nhưng sự nhanh nhẹn, khả năng quan sát, giữ thăng bằng và kỹ thuật cá nhân, sự sáng tạo thì khỏi cần bàn cãi. Mọi tuyến trẻ của Barca từ đó đều tuân theo một lối chơi, được đào tạo từ tám tuổi với một triết lý bóng đá duy nhất.

Cruyff thay đổi Barca và thay đổi cả những thói quen ở đây. Các cuộc họp hằng ngày bị hủy bỏ, những cuộc tiếp xúc báo chí vốn là thói quen đã bị Cruyff gây khó khăn. Những câu hỏi được đáp lại bằng những câu trả lời ngày càng khó hiểu, đến nỗi báo chí không thể viết được nội dung là gì. Những khó khăn đến với Cruyff ngay trong những mùa giải đầu tiên, đến mức mùa giải 1989-1990 kết thúc, ông suýt bị sa thải khi kém Real Madrid tới 11 điểm và chiếc ghế của Cruyff chỉ được cứu bằng chiếc cúp Nhà vua. Nhưng mùa giải 1990-1991 là mùa giải Barca thật sự mạnh mẽ với những nhân tố trẻ từ lò La Masia, nơi gặt hái thành quả đầu tiên nhờ sự thay đổi của Cruyff.

3. Thành công đến cũng là lúc Cruyff gặp rắc rối. Ông buộc phải bỏ thuốc lá để điều trị bệnh tắc nghẽn động mạch. Trải qua cuộc phẫu thuật dài bốn tiếng, Cruyff sống sót, dù có lúc tim đã ngừng đập. Ông vắng mặt chín trận của Barca, nhưng không sao cả, đội bóng vẫn vững vàng dưới sự chỉ đạo của trợ lý Rexach.

Hàng loạt ngôi sao đến Nou Camp như Stoichkov, Romario... cùng với những tài năng La Masia, Barca mạnh mẽ thống trị mọi giải đấu mà họ tham gia. Lối chơi, triết lý bóng đá mà Cruyff xây dựng tồn tại ở La Masia và Barca như một công thức chiến thắng không thể đánh bại. Nó kéo dài đến tận thời điểm hiện tại, dù rằng thế hệ vàng Iniesta, Xavi đã giải nghệ. Nhưng chỉ cần còn đó Messi, triết lý Cruyfff vẫn còn có giá trị. Chưa biết vài năm nữa, khi Messi giải nghệ, Barca sẽ ra sao, tiki-taka có còn phát huy giá trị hay không, nhưng chắc chắn rằng, ở Barca, cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng, sẽ có một vĩ nhân xuất hiện để tái tạo một CLB vĩ đại.

Vĩ đại từ sự sụp đổ ảnh 1

Triết lý bóng đá mà Johan Cruyff xây dựng khiến mọi đối thủ phải nể sợ khi gặp Barca. Ảnh trong bài: GETTY