Nguyễn Thảo My

Và mong ước truyền cảm hứng

Thảo My chia sẻ, cô muốn mình trở thành một Quang Hải ở môn golf, để tạo nên niềm cảm hứng chơi golf cho các VĐV trẻ, qua đó thúc đẩy phát triển phong trào golf trong nước và thực hiện giấc mơ lên chuyên nghiệp cho những ai đang theo đuổi, đam mê môn thể thao này.

Và mong ước truyền cảm hứng

Quyết định khó khăn

Người hâm mộ đã quen với hình ảnh một Nguyễn Thảo My nhiều năm khoác áo đội tuyển golf Việt Nam cũng như tham dự nhiều giải đấu tại Mỹ trong màu áo sinh viên Trường đại học North Carolina. Nhưng quyết định bỏ tư cách nghiệp dư để lên chơi chuyên nghiệp, Thảo My có thấy tiếc không khi mình không còn được khoác áo đội tuyển nữa, nhất là kỳ SEA Games sắp tới được tổ chức trên sân nhà?

Đây là quyết định của bản thân tôi chứ không phải chịu tác động từ ai cả. Đơn giản là vì tôi thích thú với việc được thi đấu chuyên nghiệp, tranh tài ở các giải đấu đỉnh cao. Hơn nữa, dù tham dự các giải chuyên nghiệp nhưng tôi vẫn có thể tham gia giảng dạy, phát triển phong trào golf trẻ.

Tôi cũng hơi tiếc vì mình đã có nhiều năm gắn bó với đội tuyển. Tuy nhiên tôi cho rằng việc mình lên chuyên nghiệp cũng là tạo cơ hội thi đấu cho các VĐV trẻ, các lứa sau.

Đâu là khó khăn khi quyết định lên chuyên?

Thời điểm này thế giới đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tôi không có cơ hội để tham dự các giải đấu quốc tế. Ngay như các giải của Đông - Nam Á cũng đang “đóng băng” tới năm 2021. Do vậy, tôi phải cố gắng tham dự các giải trong nước, tuy nhiên số lượng các giải này cũng rất hạn chế.

Thảo My thấy sao về sự khác biệt của một VĐV nghiệp dư với VĐV chuyên nghiệp?

Có lẽ, ngay cái tên đã cho thấy rõ nhất sự khác biệt. Để lên chuyên nghiệp, một VĐV phải tập luyện và thi đấu trong thời gian dài, có sự đầu tư mạnh về nhiều mặt. Để có thể tham dự Giải golf chuyên nghiệp châu Á - Asian Tour, các VĐV Việt Nam phải tập và thi đấu chuyên sâu ít nhất từ năm đến bảy năm. Hiện tại theo tôi biết Việt Nam cũng chỉ có một, hai người làm được điều này.

Vậy Asian Tour có phải là giải đấu mà chị hướng đến trong tương lai?

Đúng vậy, để tham dự được giải đấu đỉnh cao này là mơ ước của bất cứ người chơi golf Việt Nam nào. Tuy nhiên, như tôi nói ở trên, sẽ mất một thời gian dài để các golfer đạt được trình độ đủ để tham dự giải châu Á. Hiện tại, tôi xác định tham dự các giải trong nước và một số giải chuyên nghiệp của Thái-lan để tích lũy kinh nghiệm. Vừa qua, tôi đã đăng ký tham dự giải FLC Vietnam Masters, thi đấu cùng với các VĐV nam. Cả giải đấu này chỉ có hai VĐV là nữ.

Ở Việt Nam, golfer Trần Duy Nhất là người từng tham dự Asian Tour. Thảo My đã học hỏi được gì từ đàn anh của mình?

Tôi thường xuyên được anh Duy Nhất chỉ bảo, truyền đạt kinh nghiệm trong tập luyện, thi đấu. Anh Nhất chia sẻ với tôi bí quyết để trở thành một golfer chuyên nghiệp thực thụ, là phải thi đấu càng nhiều càng tốt ở những giải đấu đỉnh cao, không còn con đường nào khác tốt hơn.

Nhưng như vậy cũng đặt ra bài toán kinh phí?

Đúng thế. Để tham dự các giải tầm khu vực, châu lục thì sự hỗ trợ của gia đình là không đủ. Hiện tại tôi đang đi dạy golf, nhưng sắp tới phải tìm được tài trợ để có thể chuẩn bị kế hoạch cho mục tiêu “tấn công” các giải chuyên nghiệp.

Cân bằng học văn hóa - chơi golf

Với những thành công hiện tại, ngoài nỗ lực bản thân, Thảo My còn được sự giúp sức từ đâu?

Bố tôi (ông Nguyễn Huy Tiến, Phó trưởng bộ môn Bowling & Golf - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội - PV) đã giúp đỡ tôi rất nhiều về công tác chuyên môn. Để được như hôm nay sự thúc ép của bố tôi chiếm tới 80%.

Bên cạnh đó, anh trai Huy Thắng cũng hỗ trợ tôi những kiến thức chuyên sâu, bởi anh đang theo học ngành giáo dục thể chất và khoa học thể thao ở Tây Ban Nha. Chương trình học bao gồm các phương pháp dạy golf, tâm lý, dinh dưỡng..., những vấn đề mà các golfer ít lưu tâm khi theo đuổi đam mê thể thao.

May mắn cũng đã giúp Nguyễn Thảo My giành được học bổng tại Trường đại học North Carolina, để thi đấu tại hệ thống NCAA (Mỹ). Đây có phải là con đường ngắn nhất để lên chuyên nghiệp?

Thật ra không phải chỉ đạt học bổng các trường đại học nước ngoài, mà còn nhiều hướng đi khác nữa. Chẳng hạn như ở Hàn Quốc, các VĐV được đưa vào một lò đào tạo. Họ vẫn được học văn hóa nhưng golf vẫn là số một. May mắn của tôi là ngay khi vào môi trường đại học ở Mỹ, đã được thi đấu cọ xát nhiều với các đối thủ mạnh. Ở Mỹ, sân chơi đại học luôn quy tụ các golfer giỏi, có đẳng cấp cao, nên tiến bộ rất nhanh.

Như vậy có vẻ mô hình phát triển của Việt Nam đang đi ngược so với thế giới?

Tôi thấy rằng ở Việt Nam thường các VĐV khi thi đấu đỉnh cao xong mới đi học đại học để có tấm bằng để làm HLV hay công việc khác. Chúng ta chưa có sự cân bằng trong việc học văn hóa và chơi golf cũng như các môn thể thao khác. Chẳng hạn như môn cờ vua, hầu hết các gia đình không muốn con em mình chơi cờ mà định hướng học văn hóa nhiều hơn.

Tuy nhiên, dù con đường thế nào thì tôi vẫn luôn khuyến khích các VĐV trẻ theo đuổi golf chuyên nghiệp, nếu các bạn có đam mê, có điều kiện. Điều kiện ở đây là đầu tư thời gian, kinh phí để thuê HLV, người quản lý, di chuyển, ăn uống, thể lực...

Muốn trở thành Quang Hải của golf

Sau nhiều năm học tập, rèn luyện và thi đấu ở Thái-lan và Mỹ, hai đất nước có nền công nghiệp golf rất phát triển, Thảo My đang là niềm cảm hứng cho các golfer trẻ, để thúc đẩy phát triển phong trào golf trong nước. Chị có thể chia sẻ về công việc của mình?

Tôi bắt đầu hiện thực hóa ước mơ bằng hành động, thông qua việc mở các lớp dạy golf miễn phí cho trẻ em, với quan điểm “tương lai của golfer trẻ chính là tương lai của golf Việt Nam”. Tôi thấy hình ảnh của mình ở các em nhỏ. Nhìn các em thích thú với golf, giúp tôi có thêm nhiều sự hứng thú. Với những gì đã học được, tôi muốn giúp các em phát triển, có thêm nhiều sự lựa chọn trên con đường theo đuổi môn golf.

Nhưng có một thực tế rằng so với Thái-lan, có lẽ golfer Việt Nam phải 50 năm nữa mới đuổi kịp. Tôi xác định đây là con đường lâu dài, nên rất cần sự hỗ trợ về cơ sở vật chất như sân tập luyện, gậy golf cho trẻ em, bóng golf... để các em có thể chuyên tâm tập luyện, theo đuổi đam mê.

Vậy Thảo My đánh giá có bao nhiêu % để một VĐV trẻ có thể theo đuổi tới cùng môn golf?

Tôi nghĩ tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 5% thôi cũng là thành công. Trên thực tế, nhiều VĐV thường chỉ cố gắng đạt học bổng để có tấm bằng, có những người chơi golf tốt ở môi trường đại học, nhưng sau đó lại làm công việc khác. Cá nhân tôi khi tầm 15-16 tuổi cũng bắt đầu có nhiều sở thích, sợ phải sống xa nhà. Hơn nữa, golf vẫn là môn kén chọn người chơi, không phổ biến và tốn rất nhiều tiền của để theo đuổi.

Có nhiều khó khăn như vậy, thì vai trò của những người truyền lửa như Thảo My là rất cần thiết. Trong bóng đá có Quang Hải, còn golf liệu sẽ có một Thảo My trở thành tấm gương, là niềm cảm hứng với các VĐV trẻ?

Tôi đang mong muốn điều đó. Tôi muốn được giáo dục, truyền cảm hứng với các VĐV trẻ và phụ huynh. Golf đem lại quá nhiều lợi ích, như việc phát triển bản thân, công việc, học tập...

3_1-1608702578602.jpg
Ảnh trong bài: QUYẾT NGUYỄN

Bảng thành tích đáng mơ ước

Ở tuổi 22, Nguyễn Thảo My đã sở hữu chức vô địch trẻ quốc gia mở rộng 2014, 2015, 2016; Vô địch nghiệp dư nữ quốc gia (năm 2014, 2015 và 2019); Vô địch đối kháng quốc gia 2016; VĐV tuyển quốc gia dự ASIAD 2014, SEA Games 2015, 2017. Tuyển thủ chính thức Đại học North Carolina thi đấu tại hệ thống NCAA (Mỹ), từng lọt Top 250 trên BXH các golfer nghiệp dư thế giới (WAGR).