Tuyển nữ Việt Nam & giấc mơ World Cup

World Cup luôn là giấc mơ lớn của bóng đá Việt Nam nói chung và tuyển nữ quốc gia nói riêng. Và với việc Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) tăng số đội tham dự vòng chung kết World Cup nữ 2023 cũng như công bố chính thức Australia và New Zealand là đồng chủ nhà, cơ hội được dự World Cup 2023 đang mở ra với bóng đá nữ Việt Nam.

Đội tuyển nữ Việt nam rộng cửa tham dự World Cup 2023. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG
Đội tuyển nữ Việt nam rộng cửa tham dự World Cup 2023. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

Tối 25-6, FIFA đã quyết định trao quyền đăng cai sân chơi lớn nhất bóng đá nữ ba năm tới cho Australia và New Zealand với 22/35 phiếu ủng hộ, vượt qua Colombia (13/35 phiếu). Đây là hai quốc gia mà bóng đá nữ rất được yêu thích, vì vậy FIFA đánh giá rất cao yếu tố thương mại khi tổ chức giải đấu bóng đá danh giá nhất thế giới cấp độ đội tuyển nữ tại hai quốc gia châu Đại Dương này. Như vậy, đây là lần đầu tiên giải đấu này được tổ chức ở hai quốc gia có hai đội tuyển thi đấu ở hai hệ thống giải châu lục khác nhau. Bên cạnh đó, một thay đổi không kém phần quan trọng tại World Cup nữ 2023 là FIFA đã quyết định tăng số đội tham dự từ 24 lên 32. Điều này được kỳ vọng làm tăng sức hút của giải đấu thông qua việc sẽ có nhiều cái tên mới lần đầu được tham dự giải.

Theo kế hoạch mở rộng World Cup nữ của FIFA, châu Á sẽ có 8,5 suất trong số 32 đội tham dự. Đây là cơ hội lớn để tuyển nữ Việt Nam tranh tài ở sân chơi đẳng cấp. Australia là thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á nên với tư cách đội chủ nhà, đội bóng nữ của xứ Chuột túi nghiễm nhiên góp mặt ở sân chơi cuối cùng. Điều này cũng đồng nghĩa, số suất dự World Cup nữ 2023 từ vòng loại của châu Á vẫn giữ nguyên, trong khi các đội khác bớt đi một đối thủ cạnh tranh rất mạnh là Australia. Theo bảng xếp hạng của FIFA quý 1/2020, đội tuyển nữ Việt Nam đứng thứ sáu châu Á, trên Thái Lan và sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và Triều Tiên. Với trình độ quá vượt trội nên Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Triều Tiên chắc chắn sẽ giành vé đến Australia ba năm tới. Cuộc đua 4,5 suất còn lại dự báo sẽ diễn ra giữa những cái tên là Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Đài Bắc Trung Hoa, Philippines, Ấn Độ, Uzbekistan và Jordan. Và chỉ cần giữ vững được vị trí này tại giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2022 (vòng loại World Cup nữ 2023), thầy trò HLV Mai Đức Chung sẽ làm nên lịch sử.

Thời gian qua, tuyển nữ Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn ở các giải đấu quốc tế. Năm 2019, các cô gái Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup và bảo vệ “ngôi hậu” SEA Games 30 khi đều đánh bại kình địch Thái Lan để khẳng định vị thế số một khu vực. Đầu năm 2020 tuyển nữ tạo cú shock ở sân chơi châu lục khi lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng play-off Olympic Tokyo (thua Australia). Nhờ những thành công đó mà trong thời gian gần đây, sự quan tâm của người hâm mộ đối với bóng đá nữ ngày càng lớn, kéo theo sự ủng hộ tốt hơn của các doanh nghiệp, góp phần tạo ra các điều kiện thuận lợi hơn cho đội tuyển. Đặc biệt, tại vòng loại Olympic Tokyo hồi đầu năm, HLV Mai Đức Chung đã gọi lên tuyển nhiều cầu thủ trẻ ở đội U19 để thay thế các trụ cột đã lớn tuổi. Quyết định này đã mang lại sự tươi mới trong lối chơi của đội khi những Tuyết Ngân hay Vạn Sự đều ít nhiều để lại dấu ấn. Đó cũng là tín hiệu tích cực ban đầu trong hành trình trẻ hóa đội tuyển để tạo sự chuẩn bị lâu dài cho mục tiêu World Cup.

Tuy nhiên, như HLV Mai Đức Chung chia sẻ với báo giới, tin vui về World Cup 2023 không chỉ mang đến nhiều cơ hội hơn cho tuyển nữ Việt Nam mà cả các đội khác ở châu Á. Đó là kế hoạch về lâu dài, còn trước mắt tuyển nữ cần tập trung cho những mục tiêu gần như SEA Games 2021. Cách đây sáu năm, chúng ta đã từng tiến sát tới việc dự World Cup 2015 nhưng thất bại đáng tiếc trước Thái Lan trong trận đấu play-off tranh vé vớt đã làm cho thầy trò HLV Mai Đức Chung lỡ hẹn với giấc mơ tham dự World Cup. Giấc mơ ấy vẫn âm ỉ cháy và vẫn có thể trở thành hiện thực, nhưng để Quốc ca Việt Nam lần đầu được cất lên ở đấu trường World Cup, bóng đá nữ cần rất nhiều việc phải làm, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, để biến giấc mơ thành hiện thực.