Cú hích cho bóng đá nữ

“Cuộc sống có rất nhiều con đường, bạn muốn đi con đường như thế nào? Đường của tôi là chơi bóng ở Bồ Đào Nha”, đó là chia sẻ trên facebook của nữ tuyển thủ Phạm Hải Yến khẳng định quyết tâm xuất ngoại thi đấu của mình. Đây là cơ hội có một không hai với cá nhân cô và cũng là cú hích mạnh mẽ khẳng định sự tiến bộ của bóng đá nữ Việt Nam.

Huỳnh Như, Hải Yến, Tuyết Dung (từ trái qua) được mời sang Bồ Đào Nha thi đấu. Ảnh | NVCC
Huỳnh Như, Hải Yến, Tuyết Dung (từ trái qua) được mời sang Bồ Đào Nha thi đấu. Ảnh | NVCC

Lank FC là đội bóng mới được thành lập năm 2019 và đang trong chiến dịch tuyển quân, xây dựng lực lượng thi đấu tại giải hạng hai và cúp Quốc gia của Bồ Đào Nha. Với mục tiêu phấn đấu giành suất thăng hạng ngay trong mùa bóng 2020-2021, những nhà tuyển trạch của họ đang gấp rút chiêu mộ lực lượng, vì vậy mà các cô gái của đội tuyển Việt Nam hiện đang đứng đầu khu vực Đông - Nam Á đã được để mắt đến. Đó là ba cô gái trong tốp năm cầu thủ nữ xuất sắc nhất Việt Nam năm 2019.

Bóng đá Việt Nam đang rất rộn ràng khi chân sút Phạm Hải Yến đội Hà Nội được Lank FC mời sang thi đấu tại Bồ Đào Nha. Trước Hải Yến, Lank FC cũng đã gửi thư mời với mong muốn có được tiền đạo Huỳnh Như (TP Hồ Chí Minh) và tiền vệ Tuyết Dung (Phong Phú Hà Nam). Với màn trình diễn ấn tượng của các “cô gái vàng” Việt Nam tại AFF Cup 2020, SEA Games 30 và vòng loại Olympic Tokyo 2020, đội bóng đến từ đất nước của siêu sao Cristiano Ronaldo muốn có sự phục vụ của ba nữ tuyển thủ trụ cột không thể thiếu trong sơ đồ chiến thuật của HLV trưởng tuyển nữ Việt Nam Mai Đức Chung.

Cả ba đều háo hức và mong muốn được ra nước ngoài thi đấu, bởi đây là cơ hội có một không hai trong đời một cầu thủ. Sẽ là những trải nghiệm, kiến thức giúp nâng cao chuyên môn khi tiếp xúc với công nghệ hiện đại, nền y học phát triển, dinh dưỡng tốt hơn... và một điều rất quan trọng nữa chính là mức lương sẽ tốt hơn rất nhiều khi thi đấu ở Việt Nam.

Trong lịch sử, trước đó bóng đá nam có Lê Công Vinh (ở Leixoes một thời gian ngắn) và Nguyễn Việt Thắng (tập huấn tại Porto) sang Bồ Đào Nha chơi bóng. Gần nhất có Công Phượng (Sint Truidense, Bỉ) và Văn Hậu (Heerenveen, Hà Lan) cũng đã chơi bóng tại châu Âu. Tuy nhiên so với nam, câu chuyện ra nước ngoài thi đấu của các cầu thủ nữ lại có những đặc thù khác. Từ năm 2014 đến nay, đều có thông tin rằng các cầu thủ nữ gần như năm nào cũng có những lời mời của các CLB nước ngoài, nhưng chưa thực hiện được. Trước đó, Trần Thị Hồng Nhung là cầu thủ nữ đầu tiên ra nước ngoài khoác áo Chonburin (Thái-lan) một thời gian ngắn theo dạng cho mượn từ Phong Phú Hà Nam. HLV Mai Đức Chung cũng đã từng chia sẻ rằng, có khá nhiều các đội bóng nước ngoài đã gặp ông để “đánh tiếng” mời các tuyển thủ nữ của chúng ta xuất ngoại.

Điều này cho thấy các cầu thủ nữ Việt Nam được đánh giá khá cao trong mắt các nhà tuyển trạch nước ngoài với sự khéo léo, thông minh mặc dù thể hình và thể lực luôn là vấn đề với bóng đá nữ nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Tuy nhiên khác với nam, độ chênh về mặt thể lực của các cầu thủ nữ không quá rộng, vì vậy chúng ta có thể dùng kỹ năng khéo léo, kỹ thuật, sự nhanh nhẹn để lấp đầy khoảng cách này.

Cuối tháng 9, Giải Bóng đá nữ VĐQG 2020 Cúp Thái Sơn Bắc sẽ khởi tranh và việc CLB TP Hồ Chí Minh, Phong Phú Hà Nam và Hà Nội tạo điều kiện để quân chủ lực ra đi sẽ làm họ gặp rất nhiều khó khăn. Song, tất cả đều rất ủng hộ hành trình “du học” này của Huỳnh Như, Tuyết Dung và Hải Yến. Sự hy sinh này sẽ xứng đáng nếu được đánh đổi bằng những trải nghiệm quý báu, giúp bộ ba nữ tuyển thủ Việt Nam tích lũy thêm kinh nghiệm, kỹ năng cũng như đấu pháp chiến thuật thi đấu trong mầu áo của CLB châu Âu và trở về đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Khi cầu thủ tốt hơn thì đội tuyển sẽ tốt hơn. Và nếu họ thành công ở Bồ Đào Nha thì sẽ tạo thêm cơ hội cho các cầu thủ nữ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu, cũng là cú hích mạnh mẽ cho các cầu thủ nữ trẻ theo đuổi nghiệp “quần đùi, áo số” đầy vất vả này.