Bắt đầu từ những chiếc vỏ chai…

Chỉ cần tham gia tái chế chai nhựa, người dân và du khách ở Thủ đô Roma (Italia) có thể được miễn phí sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Bắt đầu từ những chiếc vỏ chai…

Italia đang nỗ lực để trở nên thân thiện môi trường hơn, bằng cách khuyến khích người dân tái chế các chai nhựa qua hệ thống các máy thu gom thử nghiệm, được đặt tại ba nhà ga lớn. Với sáng kiến này, Thủ đô Roma là thành phố đầu tiên của Italia nói riêng và châu Âu nói chung, thúc đẩy sáng kiến thân thiện môi trường - dùng rác thải đổi chuyến đi trên phương tiện công cộng.

Bắt đầu từ những chiếc vỏ chai… ảnh 1

Để nhận được một tấm vé miễn phí trị giá 1,5 Euro, mỗi người dân cần tái chế 30 chai nhựa. Một ứng dụng chuyên biệt trên điện thoại di động sẽ cập nhật số lượng vé quy đổi tương ứng số chai nhựa mỗi cá nhân bỏ vào các máy tái chế. Số tiền tái chế thông qua ứng dụng sẽ được chuyển vào tài khoản giao thông của mỗi hành khách.

Thời gian đầu, khi chính quyền địa phương triển khai dự án, nhiều người tỏ ra hoài nghi về tính khả thi và hiệu quả của phương pháp này. Liệu có ai đủ kiên nhẫn thu thập vỏ chai nước và nhét từng chiếc vào cỗ máy thu nhặt kia?

Con số 350.000 chai nhựa được tái chế chỉ trong vài tháng thử nghiệm khiến Công ty vận tải công cộng ATAC lên kế hoạch sẽ mở rộng hệ thống này trên toàn quốc. Thậm chí, một vài người hăng say đến mức thu lượm được 3.500 chai nhựa trong chưa đầy 20 ngày và thu về tới 175 vé tàu điện ngầm. Với công suất xử lý tối đa 20.000 chai nhựa mỗi ngày, lượng rác thải nhựa ở khu vực các nhà ga đang giảm xuống đáng kể.

Dù sáng kiến này được người dân và du khách hưởng ứng nhiệt tình vì góp phần bảo vệ môi trường, giáo sư Anne Marinen, tại Trường đại học Paris VIII, nhận định: “Thủ đô Roma vẫn còn một chặng đường dài trước khi bắt kịp các thành phố khác ở châu Âu. Công tác thu gom và xử lý rác thải tại đây đòi hỏi một cuộc cách mạng thật sự. Chương trình thí điểm đổi chai nhựa lấy vé tàu miễn phí ở Roma cho thấy hiệu quả khi làm thay đổi thói quen vứt rác của mọi người. Tuy nhiên, những vỏ chai này cũng chỉ là một phần của rác thải nhựa (chiếm khoảng 40%), còn nhiều loại bao bì và dụng cụ nhựa khác chưa thể được tái chế theo cùng một cách”.