Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

NDO -

NDĐT - Ngày 9-1, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và phát biểu ý kiến chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN HẢI
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TRẦN HẢI

Tham dự hội nghị, có Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường; Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp; Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài. Hội nghị còn có sự tham dự của Thống đốc Ngân hàng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Sitphaxay.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Trong năm qua, hệ thống ngân hàng đã có đóng góp quan trọng trong thành tựu chung của Chính phủ.

“Nhưng những thành tựu của ngành ngân hàng có được trong năm qua trước hết là nhờ việc Chính phủ đã kiên định tạo lập một môi trường vĩ mô ổn định để từ đó hệ thống ngân hàng có môi trường kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện khuôn khổ thể chế pháp lý,… là những nhân tố nền tảng then chốt tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động thuận lợi”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Năm 2018, NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với năm 2017. Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng. Thị trường ngoại tệ được điều hành thông suốt và tỷ giá giữ được ổn định, từ đó cũng giữ ổn định được đồng tiền VND trong khi nhiều đồng tiền trên thế giới biến động mạnh. Tín dụng tăng trưởng ở mức hợp lý đi đôi với chất lượng tín dụng. Theo đó, dù tăng trưởng thấp hơn nhưng đóng góp hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế thể hiện ở GDP tăng hơn 7% trong khi tín dụng chỉ tăng 14%. Công tác tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu được triển khai rất tích cực. Cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm mạnh về mức 1,89%.

Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, năm 2019 được xác định là một năm có ý nghĩa quan trọng bảo đảm hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế của Chính phủ. Do vậy, NHNN sẽ tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát dưới 4%; duy trì ổn định nền kinh tế tăng trưởng ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối...

Một số chỉ tiêu cụ thể cũng được NHNN nêu ra trong hội nghị như: định hướng tín dụng cả năm 2019 tăng 14% có linh hoạt điều chỉnh theo điều kiện thị trường (trong đó ưu tiên các ngân hàng thực hiện Basel 2 sớm); tổng phương tiện thanh toán tăng 13%; bảo đảm xử lý nợ xấu, đẩy mạnh xử lý theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu phát sinh, đưa nợ xấu xuống dưới 2%; tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an toàn trong thanh toán, an ninh thanh toán,…

Đánh giá cao những kết quả trong điều hành hoạt động ngân hàng thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Năm 2018, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt có liên quan đến điều hành CSTT của Việt Nam. Nhưng chúng ta hợp lực cùng nhau đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh đối ngoại một cách xuất sắc, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao với 12 chỉ tiêu hoàn thành toàn diện. Đặc biệt, chỉ tiêu quan trọng nhất chúng ta hoàn thành tốt cả về số lượng và chất lượng, trong đó một điều rất đáng mừng là nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và tăng trưởng. Điều này rất quan trọng về lâu dài. Và để đạt được nền tảng vĩ mô như vậy thì có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có vai trò rất quan trọng của hệ thống ngân hàng. “Tôi đặc biệt đánh giá cao NHNN và các bộ ngành đã tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng trong đó có CSTT và hoạt động tín dụng. Và như chúng ta đã biết trong bất cứ một quốc gia nào thì vai trò của hệ thống ngân hàng đều rất quan trọng. Nhiều NHTM đã chia sẻ khó khăn với nền kinh tế, với doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới thiếu bền vững thì hệ thống ngân hàng đã góp hoạt động chia sẻ với nền kinh tế và người dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Một số điểm sáng trong hoạt động ngân hàng năm 2018 cũng được Thủ tướng một lần nữa nhắc lại tại hội nghị như: Năm qua, NHNN đã mua vào 10 tỷ USD, tăng dự trữ ngoại hối lên con số kỷ lục hơn 60 tỷ USD. Tăng trưởng tín dụng 14% thấp hơn năm 2017, nhưng GDP tăng 7,08% cho thấy dòng tín dụng từ hệ thống ngân hàng đã được “bơm” vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt các ngành ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu. Gần 900 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được toàn ngành xử lý trong năm, góp phần giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu xuống còn 1,89% trên tổng dư nợ. “Nợ xấu đã giảm rất mạnh và với tỷ lệ nợ xấu như vậy thì về cơ bản nợ xấu ngân hàng rất thấp, trong khi mấy năm trước còn là cục máu đông”, Thủ tướng chia sẻ.

Bên cạnh ghi nhận, biểu dương Ban lãnh đạo NHNN, nhất là cá nhân Thống đốc Lê Minh Hưng trong điều hành và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt lưu ý những vấn đề còn tồn tại của hệ thống ngân hàng. Theo đó, thời gian qua, các NHTM hoạt động tốt hơn nhưng năng lực chưa cao, sản phẩm dịch vụ còn chưa đa dạng, cơ cấu tổ chức còn cồng kềnh, trình độ quản lý chưa cao, công nghệ ngân hàng còn khoảng cách đáng kể so với thế giới, xử lý nợ xấu vẫn còn tồn tại,… “Đặc biệt, tín dụng đen còn xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn, làm mất niềm tin người dân. Các đồng chí cần chủ động hơn trong phối hợp Bộ Công an trong xử lý vấn đề tín dụng đen; cần kịp thời tạo điều kiện hơn cho người dân có cơ hội tiếp cận tín dụng”, Thủ tướng Chính phủ lưu ý. Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị ngành ngân hàng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm soát nội bộ, công tác thanh tra giám sát cần kịp thời hơn và phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ảnh 1

Ảnh: TRẦN HẢI.

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương của Chủ tịch nước tặng các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong ngành ngân hàng thời gian qua.

* Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính qua các thời kỳ lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp nhất. Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành tài chính đạt được, góp phần vào thành công chung của đất nước năm qua. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, bất cập để có giải pháp khắc phục.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính cần nhất quán chính sách tài chính với mục tiêu hướng đến để người dân và DN làm giàu ở nông thôn; hướng tới sự phát triển doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (DNVVN), hộ kinh doanh; cụ thể Luật Hỗ trợ DNVVN và có chế độ kế toán đơn giản cho những đối tượng này ngay trong năm 2019 để phát triển đội ngũ DN Việt Nam đạt con số một triệu DN hoạt động vào năm 2020; có các chính sách tài chính phù hợp để không gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đất đai, tài sản của Nhà nước; có chính sách hấp dẫn các DN thúc đẩy đầu tư công nghệ hiện đại, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, tạo bước phát triển nhảy vọt, bảo đảm xung lực phát triển kinh tế số Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đây chính là dư địa lớn để kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Thủ tướng đề nghị năm 2019, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, ngành tài chính phải bứt phá, đạt thành tích cao hơn năm 2018. Bộ Tài chính, các địa phương phải đi đầu trong thực hiện phương châm hành động của Chính phủ với nỗ lực, quyết tâm cao nhất để điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, nhất là phấn đấu thu ngân sách cao hơn; thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại ngân sách và nợ công là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt cũng như lâu dài. Chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, hiệu quả hơn; tăng thu nội địa, giảm bội chi, hướng tới cân bằng ngân sách, đẩy mạnh đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; nuôi dưỡng nguồn thu; đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử; quản lý chặt việc hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng pháp luật...