Mở sẵn “cửa thoát hiểm”

Hai tuần, bắt đầu từ ngày 5-5, vòng đàm phán đầu tiên về một thỏa thuận thương mại tự do giữa nước Anh và nước Mỹ đang diễn ra. Một vòng đàm phán trực tuyến, với sự tham dự của khoảng 100 thành viên trong phái đoàn mỗi nước. Luân Đôn sẽ cố gắng làm tất cả những gì có thể, để bảo đảm cho sự an toàn của nền kinh tế “xứ sở sương mù”.

Thỏa thuận thương mại tự do này sẽ là “lợi ích kinh tế lớn nhất của nước Anh”, sau khi “đảo quốc sương mù” đã chính thức chia tay Liên hiệp châu Âu (EU), có lẽ không chỉ khá nhiều quan chức trong Chính phủ Anh mà không ít người dân Anh cũng sẽ nghĩ như vậy.

Như Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh L.Trớt (Liz Truss) khẳng định: “Oa-sinh-tơn (Washington) là đối tác thương mại lớn nhất của Luân Đôn”, và hơn thế, “việc thúc đẩy các hoạt động thương mại với cường quốc kinh tế số 1 thế giới có thể giúp kinh tế Anh tăng trưởng trở lại, sau những hậu quả mang tính tàn phá mà đại dịch Covid-19 gây ra”.

Và ở chiều ngược lại, Đại sứ Mỹ tại Anh - ông U.Giôn-xơn (Woody Johnson) cũng tán đồng với quan điểm đó. Cuộc thương thảo đầu tiên đã bắt đầu như thế, trong một bối cảnh có thể nói là khá thuận lợi, với sự đồng thuận được biểu đạt rất rõ.

Tuy nhiên, vẫn còn là quá sớm để dự đoán một chặng đàm phán suôn sẻ, với kết quả thu được nhanh chóng. Từ cả hai phía, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại có thể gây trắc trở cho những cuộc thảo luận, như những gì đã diễn ra từ khi nước Anh vẫn còn là thành viên EU.

Khi ấy, Anh cũng như các quốc gia EU khác đều đã khá “riết róng” với nước Mỹ, về tiêu chuẩn chất lượng của các loại hàng hóa nhập cảng. Bây giờ cũng vậy. Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn (Boris Johnson) khẳng định Luân Đôn vẫn sẽ duy trì quan điểm “đàm phán cứng rắn”, trong khi Bộ trưởng L.Trớt hé lộ rằng Anh sẽ không hạ thấp các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của mình, với các sản phẩm nông nghiệp. Thị trường Anh vẫn phản đối các loại cây trồng biến đổi gen, và cả việc các bác sĩ thú y Mỹ dùng thuốc kháng sinh để trị bệnh cho gia cầm.

Nông nghiệp, như giới quan sát quốc tế nhận định, sẽ là “vấn đề gai góc nhất của chặng đàm phán lần này”.

Vấn đề là, sau khi đã bày tỏ thái độ kiên quyết không đề nghị kéo dài thời hạn chuyển tiếp của tiến trình đưa nước Anh rời EU (Brexit), nghĩa là vẫn nhất quyết kết thúc tất cả mọi thủ tục liên quan đến Brexit trước ngày 31-12-2020, Luân Đôn thật sự có đầy đủ điều kiện để “đàm phán cứng rắn” với Oa-sinh-tơn hay không?

Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, nhưng Anh lại chỉ là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Mỹ (với kim ngạch thương mại song phương hai chiều đạt khoảng 275 tỷ USD trong năm 2019). Thêm vào đó, việc không còn được thâm nhập thị trường EU theo quy chế dành cho một thành viên (thậm chí là một thành viên quan trọng) lại khiến những lựa chọn của Luân Đôn trở nên “eo hẹp” hơn.

Nhượng bộ, do đó, là khó có thể tránh khỏi. Câu hỏi đặt ra chỉ còn là Luân Đôn sẽ chấp nhận hạ thấp các hàng rào tiêu chuẩn của mình xuống đến mức nào, để cả hai phía cùng “vui vẻ” tiến tới viễn cảnh dỡ bỏ toàn bộ các hàng rào thuế quan - điều có thể dẫn đến hệ quả là hàng hóa Mỹ tràn ngập thị trường Anh?

Và bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc đến một khả năng: Các điều khoản trong thỏa thuận thương mại tự do Mỹ - Anh cũng rất có thể sẽ phải nhận những phản ứng từ EU, qua đó tác động trực tiếp đến tiến trình đàm phán nhằm kết thúc thời hạn chuyển tiếp của Brexit.

Trước khi thời hạn chuyển tiếp đó kết thúc, mọi hoạt động thương mại quốc tế của Anh vẫn phải tuân thủ các quy định chung của EU. Do đó Luân Đôn không mặn mà gì với việc kéo dài “thời gian thử thách” thêm nữa. Song, các nhà lãnh đạo EU cũng như phái đoàn đàm phán EU có “tạo điều kiện” cho dự định đó của Luân Đôn không thì lại là một việc khác.

“Cánh cửa thoát hiểm” này mở được hay không còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Năm ngoái, chẳng phải Oa-sinh-tơn cũng đã lên tiếng ngay khi cảm thấy những thỏa thuận Brexit sơ bộ có thể ảnh hưởng đến hoạt động thương mại Anh - Mỹ đó hay sao?