Lựa chọn duy nhất

Siết chặt các biện pháp phòng ngừa, kéo dài thời hạn giãn cách, đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vắc-xin và thậm chí sẵn sàng áp dụng phong tỏa… Mọi quốc gia châu Âu đều đã “thấm đòn”, đủ để hiểu rằng họ sẽ không có nhiều lựa chọn trước những nguy cơ bùng phát của làn sóng tiếp nối đại dịch toàn cầu Covid-19. Cho dù, những gì sẽ phải chấp nhận “cắn răng thực hiện” cũng sẽ đi kèm những hệ lụy khá ngặt nghèo. 

Từ tối 4-1, nước Anh bắt đầu đợt phong tỏa với cấp độ cao nhất kể từ trước tới nay. Tuy nhiên, không chỉ đảo quốc sương mù, toàn bộ cựu lục địa cũng đều đang khẩn trương hết mức để sẵn sàng đối diện với những biến động mới. 

Bối cảnh gấp rút và nóng bỏng ấy xuất phát từ thông tin chính thức ngày 3-1: Có bốn trường hợp từ Anh đến Hy Lạp bị phát hiện nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2. Tất nhiên, họ đều đã lập tức được cách ly, nhưng vấn đề là bên cạnh họ, còn bao nhiêu người nghi nhiễm bệnh nữa chưa thể tìm ra? 

Biến thể mới của SARS-CoV-2, được phát hiện đầu tiên tại Anh, hiện lan truyền ra khắp thế giới và được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn nhiều so với chủng gốc được phát hiện tại Trung Quốc một năm về trước. 

Không chỉ Anh, Nam Phi cũng đã nhận diện một chủng biến thể khác. Các chuyên gia y khoa Ai Cập thậm chí còn tìm ra bốn chủng khác nữa của loại virus tai ác ấy, với những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Theo họ, SARS-CoV-2 hiện đã xác định được bảy chủng, mà chủng mới nhất tìm thấy có triệu chứng khá giống với bệnh cúm thông thường - điều sẽ khiến công việc chẩn đoán và điều trị trở nên khó khăn gấp bội. 

Chưa kịp phai nhòa, những ký ức u ám năm 2020 vừa trôi qua đã lại kịp dội về. Eo biển Măng-sơ (Manche) trở thành một “tuyến lửa” trong cuộc chiến đấu chống lại dịch bệnh, khi châu Âu gấp rút “đắp lũy xây thành”.

I-ta-li-a ban bố tình trạng khẩn cấp, hạn chế đi lại giữa các vùng từ ngày 7 đến ngày 15-1. Đan Mạch hạ số người được phép tụ tập từ 10 người xuống năm người. Thổ Nhĩ Kỳ (cùng hơn 40 quốc gia khác trên toàn thế giới) cấm mọi chuyến bay từ Anh cũng như từ các vùng phát hiện biến thể virus mới hạ cánh. Tổng thống Pháp E.Ma-crông (Emmanuel Macron) giận dữ chỉ trích chính phủ chậm triển khai việc tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19, và lập tức thúc đẩy tiến trình ấy, cũng như Tây Ban Nha. Cho dù đã hành động sớm hơn, nước Nga cũng không hề ung dung hơn. Ngày 4-1, Tổng thống Nga V.Pu-tin (Vladimir Putin) ký ban hành sắc lệnh ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đồng thời thành lập Hội đồng điều phối trực thuộc chính phủ.

Thực tế, đó là những lựa chọn không hề dễ dàng. Mọi nền kinh tế châu Âu đều đã và đang tiến dần đến giới hạn kiệt quệ, khi liên tục đông cứng và tê liệt với các hệ quả đáng sợ của đại dịch Covid-19 trong gần như suốt cả năm 2020. 

Những gói cứu trợ khẩn cấp được thông qua và giải ngân cho đến hiện tại gần như mới chỉ hoàn tất được một phần “sứ mệnh”: Giúp người dân các vùng dịch có phương tiện duy trì sinh hoạt, còn yếu tố kích thích phát triển sản xuất để bắt đầu chặng tái hồi phục cũng mới chỉ lóe lên được vài tín hiệu tích cực. Cơ bản, mọi thứ ánh sáng lạc quan hắt ra từ các kế hoạch đều phải gắn liền với ý niệm “sau dịch bệnh”. 

Nhưng, hiện tại, những nguy cơ của đại dịch đã trở lại. Hay nói đúng hơn, vẫn nguyên ở đó, để chắc chắn sẽ làm ngưng đọng hoặc trì trệ các guồng quay kinh tế châu Âu thêm một lần nữa. Có điều, khi thật sự đối diện với Covid-19, rất ít người còn có thể “nhấc lên đặt xuống” các biện pháp phòng vệ. 

“Tử thủ”, nghĩa là bắt buộc phải “thắt lưng buộc bụng”. Nhưng dù sao, điều đó cũng dễ chịu hơn nhiều so với viễn cảnh thấy tên mình hay những người thân yêu nhất trên bảng danh sách các ca nhiễm.