Tăng cường hợp tác quốc tế

Sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Cô-rô-na (nCoV) bùng phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và lan rộng ra hàng chục quốc gia làm hàng trăm người chết, Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đã chung tay chống dịch.

Tính tới ngày 5-2, trên toàn Trung Quốc đại lục đã có tổng cộng 490 ca tử vong do nhiễm nCoV. Trong khi đó, thế giới ghi nhận hơn 24 nghìn ca nhiễm bệnh.

Sau khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán, một loạt biện pháp quyết liệt đã được chính quyền địa phương và Chính phủ Trung Quốc triển khai. Công tác cách ly người bệnh và khoanh vùng để dập dịch được đặt lên hàng đầu. Cùng với nỗ lực chống dịch, Trung Quốc đã chú trọng ngăn chặn thiệt hại kinh tế do dịch viêm phổi cấp gây ra. Nếu như dịch bệnh có thể nhanh chóng được ngăn chặn và chấm dứt vào tháng 4, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 6,1% vào năm 2019 xuống còn 5,4% trong năm nay. Nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và ngăn kinh tế suy giảm mạnh, Ủy ban Điều hành Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã ra thông báo yêu cầu các ngân hàng không cắt giảm các khoản vay; đồng thời giảm lãi suất cho vay đối với các nhà bán lẻ, nhà hàng, khách sạn, hậu cần và các công ty du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - Ngân hàng trung ương) thông báo sẽ “bơm” 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 173,8 tỷ USD) vào các thị trường.

Một loạt biện pháp mạnh mẽ cũng đã được các nước triển khai nhằm ngăn chặn tác hại từ dịch bệnh bùng phát từ Trung Quốc. Nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Thái-lan… đã lập tức di chuyển khẩn cấp công dân khỏi vùng tâm dịch là Vũ Hán. Đồng thời, các nước đều thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly, giám sát y tế với những người nghi nhiễm bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch.

Tại Hàn Quốc, tính đến sáng 5-2, cơ quan y tế này đã tiến hành cách ly 129 người để kiểm tra các mẫu thử với nCoV và theo dõi tình trạng sức khỏe 1.318 người đã từng giao tiếp với những người có dấu hiệu nhiễm nCoV. Thậm chí, một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc như Nga, Mông Cổ còn tạm thời đóng cửa biên giới với nước này. Một số nước khác cũng đã kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. I-xra-en (Israel) đã cấm toàn bộ các chuyến bay từ Trung Quốc do lo ngại dịch bệnh. Đến nay, đã có gần 40 hãng hàng không trên thế giới thông báo ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc.

Các biện pháp dự phòng và chuẩn bị cơ sở vật chất để chống chọi đại dịch bùng phát cũng đã được nhiều nước khẩn trương triển khai. Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo hỗ trợ chỗ ở cho 1.000 người có thể cần phải được cách ly, sau khi họ trở về từ nước ngoài do lo ngại nCoV. Ngay tại những quốc gia chưa báo động về nCoV như Lào, các phương án chống dịch cũng đã được quyết liệt triển khai. Ngày 3-2, Thủ tướng Chính phủ Lào đã ban hành quyết định thành lập Ban Chuyên trách nhằm phòng, chống căn bệnh chết người này.

Cùng với chống dịch, tại Trung Quốc cũng như nhiều nước khác, chính quyền đã phạt nặng các hoạt động đầu cơ, tăng giá vật tư y tế phòng bệnh và việc tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận. Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc hôm 4-2 cho biết, người thực hiện hành vi tích trữ nhằm đầu cơ khẩu trang sẽ phải đối mặt với án tù tối đa hai năm hoặc bị phạt tới 42 nghìn USD. Trong khi đó, những ngày qua, truyền thông Trung Quốc và thế giới đã thực hiện “cuộc chiến” ngăn chặn tin giả mạo liên quan đến đại dịch viêm phổi cấp. Tại In-đô-nê-xi-a (Indonesia), cảnh sát ngày 4-2 cho biết, đã bắt giữ hai phụ nữ, bị cáo buộc đăng lên mạng những thông tin giả mạo về nCoV.

Thực tế những ngày qua cho thấy, việc các quốc gia tăng cường chia sẻ thông tin, tích cực hỗ trợ, hợp tác quốc tế đã góp phần đáng kể đẩy lùi dịch bệnh cũng như tác động tiêu cực của đại dịch này đối với các lĩnh vực đời sống, xã hội. Tối 4-2, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đã có cuộc điện đàm với Cố vấn nội các Anh M.Xít-uyn (M.Sedwill) thảo luận việc tăng cường hợp tác giữa hai nước ứng phó dịch bệnh hiện nay. Nga, Hàn Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác đã hỗ trợ thuốc và vật tư y tế cho Trung Quốc. Thông báo của Nhà trắng hôm 4-2 cho biết, Trung Quốc đã cho phép các chuyên gia y tế Mỹ cùng phái bộ quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới nước này, nhằm thực hiện các nỗ lực chung chống lại sự lây lan nhanh chóng của nCoV…

Với việc các quốc gia chung tay cùng chống đại dịch nCoV, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện. Tại Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác đã có nhiều ca nhiễm nCoV được chữa khỏi. Theo số liệu của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc công bố sáng 5-2, số ca nghi nhiễm mới chủng mới của nCoV tại Trung Quốc đại lục đã giảm trong ngày thứ hai liên tiếp.