Vì rằng ta vẫn thích hoa hồng

Trung tá Kim Ðình Tư (Ðồn Biên phòng Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) khoe mấy tấm ảnh đóng băng những ngày giá lạnh, kèm lời cảm thán: "Ðẹp tuyệt vời đấy!".

Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Xín Cái tuần tra dưới trời giá rét, băng tuyết phủ trắng rừng.
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Xín Cái tuần tra dưới trời giá rét, băng tuyết phủ trắng rừng.

Từ những cột băng trắng biên giới

Nhiệt độ ở vùng cao nguyên đá Hà Giang những ngày này thường xuyên ở mức âm 1 đến âm 2 độ C, băng giá đóng thành từng tảng trên những cành cây, mái nhà, trắng cả cái mũ xanh bộ đội. Anh Tư bảo cái Tết 2008 còn xuống âm 4 độ C, có cả tuyết rơi dày. Những tấm ảnh áo biên phòng xanh, nổi bật trên nền băng giá trắng, mấy hôm nay đang được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn. Người ta khen những bức ảnh thật đẹp. Nhưng có ở đấy thì mới biết, dưới cái rét tê tái đó, không dễ dàng để thấy đẹp. Ðó sẽ là những ngày sương giăng kín lối đi, xòe bàn tay thấy ẩm ướt và tê cóng, là mỗi chiếc xe máy của người lính biên phòng đều phải lắp thêm đèn phá sương để tiện cho những chuyến đi tuần. Ðó là những ngày mang được thùng nước về trạm gác, nước cũng kết thành đá, là quần áo phơi cả tuần chỉ đông cứng lại chứ không thể khô, là mỗi bữa cơm đều trở nên nguội ngắt trước khi kịp đụng đũa. Ðó còn là những đêm tuần tra trong nhiệt độ dưới 0 độ C, chỉ có lán tạm giữa rừng, anh em cố đốt lửa sưởi cho mình, và cho cả những đồng bào đang tìm cách luồn rừng trái phép qua biên bị phát hiện tạm giữ.

Tôi đã không nghĩ người ta có thể lãng mạn giữa cái lạnh tím bầm bàn tay đó, cho đến khi nhận được những bức ảnh chụp và những lời tâm sự của những người lính nơi tuyến đầu. Anh Tư vẫn trầm trồ trước hình ảnh băng đóng trên tán cây thông hay băng bọc kín những quả cà dại rũ ven đường, trong phút lãng đãng bất ngờ của người lính hơn 20 năm sương giá nơi đỉnh trời Ðông Bắc. Anh gọi đó là cột băng trắng. "Cảnh đẹp nhưng tê tái hết cả người", vị trung tá bảo.

Ở Mèo Vạc mùa này các chốt chống dịch đều vất vả, bộ đội, dân quân, công an đều căng sức ngăn chặn người nhập cảnh trái phép dịp giáp Tết. Giá rét càng dày, độ cảnh giác càng phải cao. Chốt chống dịch mốc 450 và 457 là điểm nóng những ngày cuối năm nay. Có những ngày hơn trăm người nhập cảnh trái phép. Những ngày này sương giá trắng xóa. Ðại uý Nguyễn Xuân Cháng, chốt trưởng chốt 450 bảo, bây giờ phải đắp ba bốn cái chăn rồi. Những lán tạm phần lớn nằm trơ trọi giữa rừng, trên dọc các trục đường đá núi, đường điện kéo tạm thậm chỉ còn không đủ để sôi một ấm nước, chứ đừng nói đến một cái chăn điện hay một cái máy sưởi. Thế nhưng chính bản thân những người lính, giữa những buổi tuần tra, vẫn bỏ nhỏ sự tán dương với cái mầu trắng hiếm thấy. 

Một năm nọ, tôi gặp Thiếu tá Lê Ngọc Sơn ở Ðồn Biên phòng Săm Pun (huyện Mèo Vạc). Sơn khi đó là Chính trị viên đồn bảo mới tìm về đồn một cây hoa sim. Người ta đồn về những đồi hoa sim biên giới thế thôi, chứ ở đây cây mua mới phổ biến. Chẳng biết Sơn kỳ công tìm ở đâu một cây hoa sim về, rồi bảo cứ chăm thì chắc sẽ có hoa đấy. Rồi Sơn nhận nhiệm vụ mới, chuyển đi, thi thoảng nhắc, cậu bảo cây sim đó có hoa rồi, nhưng cậu cũng chưa lên lại để xem tận mắt. 

Lại có năm gần Tết, tôi đến Ðồn Biên phòng A Pa Chải (Mường Nhé, Ðiện Biên), nhìn ra trước mặt cả đồi hoa tím ngắt. Cánh lính bảo đó là hoa chó đẻ - một loại hoa dại phổ biến vùng Ðiện Biên. "Hoa này mà nở nhiều thì biết là cuối năm rồi, chẳng cần xem lịch", anh trung úy quân y cười hiền hậu. Anh có thói quen quan sát thảm hoa mỗi ngày, để biết góc nào đẹp, rồi đứng đó nhìn hoàng hôn, biết là một ngày lại qua. Năm đó A Pa Chải chưa có cầu Tà Kho Khử, đường vào vẫn là lội qua con suối, sóng điện thoại chưa lên đến nơi, liên lạc cũng ngắt quãng. Niềm vui mỗi cuối năm của người lính là chờ những đồi hoa tím rộ lên, biết là sắp tới ngày phép về nhà. Bây giờ A Pa Chải đông vui hơn trước, cả đường đi lên mốc 0 biên giới cũng dễ dàng hơn, nhưng cái nỗi nhớ mênh mang chờ mùa hoa chó đẻ thì vẫn còn đâu đó. Anh lính quân y năm nào cũng chuyển đi lâu rồi, chỉ là tôi không biết anh đã đến nơi đâu, có hoa tím ở đó không.

Vì rằng ta vẫn thích hoa hồng -0

Nhớ đất liền... 

Tới ánh bình minh nơi đảo xa

Ở Trường Sa, đảo cực Ðông Tiên Nữ được tính là đảo đầu tiên đón ánh bình minh, sớm hơn bình minh trên đất liền gần 60 phút. Nhưng cũng vì xa nên những chuyến tàu khách ra thăm cũng hiếm. Ngay cả vào tầm giữa năm "bà già đi biển", có những đảo một tháng tiếp cả chục lượt khách đến thăm, riêng Tiên Nữ vẫn cứ chỉ quanh quẩn cánh lính nhìn nhau. Ðảo nhỏ tĩnh lặng, chẳng mấy ai biết đến nơi đón những tia nắng đầu tiên của đất nước mình ra sao. Nguyễn Trung Tầm ở đó hai tăng (hai lần) đảo, kể lúc mới ra, chẳng để ý gì đến bình minh. "Nhưng cái hôm đầu tiên trực đêm, nhìn mặt trời nhô lên, lòng xôn xao lắm", Tầm bảo, "nhớ nhà, và ước giá có ai đó ngắm bình minh cùng mình".

Tôi có may mắn vài lần được ngắm bình minh ở Trường Sa. Tôi nhớ một ngày cuối năm trên Len Ðao, những ngày giáp Tết, biển bỗng yên ắng kỳ lạ. Sáng sớm, theo ánh mặt trời dần lên, cả bãi cát như tắm trong một mầu vàng rực rỡ. Sóng cát chạy dài, giống như một bức tranh. Phía ban-công, một người lính đang ôm đàn và hát "Một đời người, một rừng cây".  Có thể người lính cũng không đừng được trước ánh bình minh rạng rỡ kia, nên mới mang đàn ra chơi một bản nhạc ngẫu hứng. Ở giữa biển, đứng trên Len Ðao nghe tiếng hát ấy, nhìn ra ngoài xa, một bên là Cô Lin, một bên là Gạc Ma nhức nhối, tự dưng thấm thía vô cùng câu hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai". 

Trung úy hải quân Vũ Thái Trọng từng nói về một sự thưởng thức đặc biệt, là thưởng thức những con sóng. Nhiều năm đi tàu, Trọng mê mẩn những con sóng đẹp. Vợ Trọng nói "Không có sóng, hắn mất ngủ, buồn ngẩn ngơ". Những con sóng mùa biển động đủ sức khiến nhiều kẻ to khỏe ngất ngư. Nhưng Trọng quen rồi, dù Trọng làm nhiệm vụ chủ yếu trong buồng máy, nơi bao giờ cũng là nơi dễ say sóng nhất. Buồng máy kín bưng, và vì thế nên Trọng thích bầu trời và những cơn sóng xanh cuộn lên ngoài khơi. Ðó là lúc Trọng tự cho mình cảm giác của một kẻ ngắm nhìn, xen lẫn giữa những đợt căng thẳng khi chạy xuồng chạy tàu vào đảo.

*

Trên chốt gác vùng biên, hay giữa biển khơi, đều cho người ta cảm giác xa xôi tới tận cùng. Không mấy ai hiểu được những người lính đã đánh đổi  những gì. Không chỉ giản đơn là những đêm đi tuần mưa rét, hay những đợt thức trắng canh biển. Nhưng ở những nơi đó cũng có những khoảnh khắc đẹp ngỡ ngàng mà chỉ những con người đã gắn bó ở đó nhiều năm mới nhìn thấy. Như cảm giác đón chờ một ánh bình minh, cảm giác chăm chút một cây hoa sim biên giới, cảm giác nhìn băng tuyết lạnh trên những cành sa mộc…

Dân du lịch lướt qua nơi đó một vài lần trong đời, cái đẹp nhìn thấy có lẽ thoảng qua nhanh vô cùng. Nhưng có những con người, với họ, đó là cả thanh xuân để chờ đợi những khoảnh khắc khiến lòng mình ấm lại. Tầm bảo nhờ những lần chờ đón bình minh đầu tiên, cậu thấy đảo như bớt xa xôi, giống câu chuyện năm nào về người thanh niên "khi ta làm việc, ta với công việc là đôi". Như Sơn dù không tận mắt nhìn thấy cây hoa sim nở hoa, nhưng cậu vẫn nói sẽ còn trồng hoa nếu như có điều kiện. Như buổi sáng của đợt lạnh liên tiếp, tôi vẫn nhận được tin những người lính biên phòng lại khoác áo xanh lên đường. Như anh lính quân y ngày nào ở A Pa Chải, đếm mỗi buổi chiều ngắm đồi hoa tím để biết thời gian trôi. Hay như Trọng, tìm kiếm những niềm vui đặc biệt giữa những cơn sóng.

"Năm nay xác định là không về Tết", Ðại úy Nguyễn Xuân Cháng nói nhẹ nhàng, sau 10 tháng liên tục bám chốt chống dịch. Chọn cho mình một phần việc gian nan, nhưng họ cũng chưa bao giờ quên chọn cho mình những điều đẹp đẽ. Bởi vì đời ta vẫn thích hoa hồng đấy thôi!